Những tấm huy chương: Vui nhiều, nhưng xót xa không ít

(Dân trí) - Để cuộc sống các VĐV đỡ khốn khó và yên tâm tập luyện, đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước, không thể chỉ quan tâm đến việc họ giành được bao nhiêu huy chương, mà cần quan tâm nhiều hơn, thiết thực hơn nữa đến việc họ sẽ làm gì sau khi giải nghệ?

Những tấm huy chương: Vui nhiều, nhưng xót xa không ít - 1

Vai trò Tổng cục TDTT  ở đâu? (ảnh trên Fb của Yen Nguyen)

Nói chuyện với các VĐV vừa tham dự SEA Games sáng 22-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Mới đây Hội doanh nhân trẻ đã khẳng định sẽ giải quyết việc làm cho các cầu thủ bóng đá nữ, không để tình trạng kết thúc sự nghiệp thi đấu xong là đi bán bánh mì...". Đó là thông tin rất mừng không chỉ cho các vận động viên (VĐV) mà cả những người hâm mộ. Lâu nay, dư luận thực sự xót xa trước những phóng sự, những hình ảnh đầy nước mắt về những VĐV tham gia giải đỉnh cao, ngay cả với VĐV đoạt huy chương, gặp nhiều khó khăn không chỉ lúc giải nghệ, mà kể lúc đang thi đấu.

Ngay thời điểm các nữ cầu thủ bóng đá nữ tiếp tục giành huy chương vàng, niềm vui vỡ òa, đặc biệt khi họ trong hiệp phụ gần như phải vắt kiệt sức, nhiều người chợt xót xa khi nhớ hình ảnh bữa cơm quá khác nhau giữa hai đội đá nam, nữ. Và dư luận cũng chưa biết, chưa thấy hết các môn mà ít nhà tài trợ quan tâm thì bữa cơm như thế nào.

Rất may, so với những lần giành huy chương vàng những lần trước, sự quan tâm của người hâm mộ, đặc biệt phần thưởng giành cho những CÔ GÁI VÀNG  môn bóng đá nữ đã lớn hơn rất nhiều. Không chỉ là số tiền lớn hơn nhiều so với những lần trước mà việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đứng ra vận động xã hội hóa để thưởng cho mỗi cầu thủ một chiếc xe máy tốt và đã thành hiện thực, khiến dư luận mừng thay cho các nữ cầu thủ. Nếu đội tuyển U23 nam được các cổ động viên ủng hộ nhiệt thành như thế nào, thì ngược lại rất nhiều trận của đội bóng nữ chỉ có một CĐV. Chạnh lòng ư? Chắc chắn như vậy, nhưng buồn thay các nữ VĐV đã quen với nỗi buồn này. Và không ít môn khác, các VĐV cũng có nỗi buồn không kém (nếu không muốn còn tệ hơn) khi hầu hết không có cổ động viên. Do đó, trong buổi gặp mặt chào mừng các VĐV dự SEA Games 30, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại hình ảnh Ánh Viên đạt 6 huy chương vàng vẫn khóc,  VĐV Phạm Thị Hồng Lệ chạy đến kiệt sức, ngất xỉu sau khi về đích hoặc hình ảnh các nữ cầu thủ bóng đá lăn xả với thương tích đầy mình… chắc chắn không chỉ khiến các VĐV được động viên, được ghi nhận mà dư luận cũng thực sự xúc động tình cảm thân thương của Thủ tướng dành cho họ.Dù đã biết, việc nước chủ nhà lo chuyện hậu trường chưa tốt, chuyện các nữ cầu thủ ăn quá thiếu chất, VĐV và một số cổ động viên mang cả đồ ăn sang phụ thêm, nhưng tôi vẫn buốt nhói khi thấy hình ảnh 2 mâm cơm quá khác biệt giữa 2 đội bóng đá nam và nữ được đưa trên mạng xã hội. Từ đấy, một loạt câu hỏi tại sao, tại sao đến nông nỗi ấy đã ám ảnh không chỉ với tôi, mà chắc còn của rất nhiều người. Có lẽ chắc còn nhiều môn khác, nhà tài trợ quan tâm còn ít hơn nữa, chắc cũng sẽ diễn ra cảnh bữa ăn thiếu chất, dù đang thi đấu thể thao đỉnh cao.Là dân ngoại đạo, tôi chưa hiểu hết, nhưng cùng là VĐV thi đấu mà các cơ quan quản lý Nhà nước lẽ nào không lo nổi các VĐV bữa ăn tốt hơn và đừng để quá chênh lệch như vậy, ít nhất là khi đang thi đấu. Tất nhiên, phần ưu ái của các nhà tài trợ dành cho môn bóng đá nam (về tiền thưởng, về lương, về quảng cáo...) là chuyện dễ hiểu trong cơ chế thị trường, nhưng lẽ nào phải để các VĐV dùng những bữa cơm thiếu chất khi đang diễn ra giải đỉnh cao? Tuy nhiên, bữa ăn chỉ là cái nhìn cận cảnh, được phóng viên chộp được, nhưng tôi cũng như bao nhiêu người hâm mộ khác dù chỉ theo dõi trên công luận, trên mạng xã hội cũng thấy không ít chuyện cười ra nước mắt của các VĐV. Đó không chỉ là lương chưa bằng những người giúp việc gia đình mà tuổi nghề  của họ quá ngắn. Do đó, khi biết cuộc sống sau khi giải nghệ của một số VĐV vất vả như thế nào, mỗi chúng ta khó tránh khỏi ngậm ngùi cho họ và chợt nghĩ, liệu mình có sẵn sàng để con cháu mình theo nghiệp VĐV chuyên nghiệp?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất biết vấn đề này nên đã kêu gọi các mạnh thường quân sẽ cùng nhà nước quan tâm hơn đến các VĐV để không có tình trạng các em kết thúc sự nghiệp thi đấu là phải đi bán bánh mì. Nhưng cần nói thẳng rằng, những doanh nhân có tài trợ hay không phụ thuộc nhiều vào lợi ích của chính họ. Do đó, để cuộc sống của VĐV đỡ khốn khó, đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là Bộ VH –TT, Tổng cục thể dục thể thao không chỉ quan tâm đến việc các VĐV giành được bao nhiêu huy chương mà cần quan tâm nhiều hơn, thiết thực hơn nữa đến việc họ sẽ làm gì sau khi giải nghệ?

Vương Hà