Những dự án thủy điện... BA KHÔNG và nước mắt người dân

(Dân trí) - “Đây là hậu quả của… ‘trúng thầu giá thấp, phải rút ruột công trình để đủ chung chi’. Chuyện thường ngày rồi nhưng phải xử lý nghiêm, vì tình trạng này còn kéo dài thì hậu quả khôn lường” - Trần Đức Quang: quangtranduc58@gmail.com cảnh báo sau vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2.

 
Đoạn đập thủy điện Ia Krêl 2 bị vỡ dài khoảng 40m (ảnh: Thiên Thư)
Đoạn đập thủy điện Ia Krêl 2 bị vỡ dài khoảng 40m (ảnh: Thiên Thư)
 

Do thiết kế hay thi công...

 

Chia sẻ với nỗi hoang mang, bàng hoàng, lo lắng, thất vọng… trước những mất mát của người dân vùng hạ lưu của đập thủy điện Ia Krêl 2, Nghiệp luuynghiep@gmail.com nhận định về khả năng… rơi vãi nguyên vật liệu (nói cách khác là... rút ruột công trình):

 

“Xin chia buồn với người dân huyện Đức Cơ! Bao nhiêu năm mong đợi có thủy điện nhưng bây giờ lại tiếp tục chờ..... Chắc do huyện mình xa nhà máy xi măng và nhà máy gang thép, nên trong quá trình vận chuyển lên công trình, xi măng và sắt thép… rơi vãi dọc đường nhiều quá, làm cho chất lượng công trình giảm. Tôi nghĩ nguyên nhân chỉ có vậy thôi…”

 

Bạn đọc có email biendem1089@yahoo.com nêu nhận xét cụ thể qua bình luận ngắn dưới tiêu đề "Thiết kế hay thi công ẩu? hay cả hai?”

 

“Cái này là do lỗi khi thi công lèn đất dưới chân cống làm không chặt, dẫn đến rò nước gây dòng xói, từ đó phá cả thân đập. Không biết trong thiết kế có phần tường thấm bằng sỏi và hệ thống ống dẫn dòng thấm không? Chứ nếu không có kết hợp với thi công ẩu thì... Mà bao nhiêu cái đập thủy điện của mình ‘dính’ như thế này rồi sao vẫn không rút kinh nghiệm? Chắc bao giờ phải thiệt hại về người thì mới… ‘rút kinh nghiệm sâu sắc' được?”

 

Minh Huan hoanghuu@gmail.com cung cấp cái nhìn từ góc độ khác:

 

“Nhìn vào hình ảnh là biết ngay khớp nối giữa các khoang của cống làm bằng tôn, chả có tác dụng gì về chống thấm, biến dạng và độ bền thì quá mong manh. Chỉ có thể là do thi công quá ẩu tả, chạy theo lợi nhuận…”

 

Hoàng Bao hoangbaokhcnbn@gmail.com cung cấp thêm thông tin: 

 

“Theo tôi được biết, đây là 1 trong những dự án được Bộ Công Thương ủy quyền cho UBND tỉnh thẩm định và cấp phép xây dựng các nhà máy thủy điện nhỏ. Mà UBND tỉnh thường không đủ năng lực để thẩm định, vậy là họ thường cấp phép theo… cảm tính (?) Hậu quả là dân phải chịu thôi. Đề nghị chấm dứt ngay việc cấp phép kiểu này thì dân mới thoát khỏi cảnh khổ”.

 
Cô bé này vẫn còn thẫn thờ khi nhìn đập thủy điện bị vỡ (ảnh: Thiên Thư)
 
Cô bé này vẫn còn thẫn thờ khi nhìn đập thủy điện bị vỡ (ảnh: Thiên Thư)
 

Khoảng cách giữa học và hành

 

Thực tế đúng như dư luận đã nhiều lần phải lên tiếng cảnh báo, thậm chí là phản ứng mạnh mẽ với tình trạng nơi nơi ồ ạt làm thủy điện. Dẫn tới nguy cơ xóa sổ những cánh rừng vốn là lá phổi xanh che chở cho con người bao đời nay, đe dọa cuộc sống của bao người dân…Và lại thêm 1 minh chứng mới là đây - đập thủy điện Ia Krêl 2 vỡ khi còn chưa đưa vào sử dụng. Nối tiếp vụ gây bao tai tiếng trước đây khi chỉ một chiếc xe ben mà có thể… đụng vỡ cả con đập thủy điện (???)

 

Qua những vụ việc như vậy, điều trước tiên có thể nhận thấy là khác biệt giữa học và hành ở nước ta vẫn còn khoảng cách quá lớn, nhưng là quá khác biệt theo một cách rất… kỳ lạ:

 

“Khi bước chân vào trường Thủy lợi, môn đầu tiên mà tôi được học là quân sự. Thầy giáo nói: ‘Các em học môn này để rèn tính kỷ luật, vì người làm thủy lợi không được sai sót. Nếu sai hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng’. Vậy mà đập thủy điện chưa xây xong đã vỡ? Buồn thay! Mong các cấp có thẩm quyền làm rõ để củng cố lòng tin của dân” -  Nguyễn Việt Dũng:  vietdungtl@gmail.com

 

Những góc khuất đằng sau sự kỳ lạ đó cũng đã nhiều lần được bạn đọc “bật mí”, dù “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng không thể không nhắc đi nhắc lại:

 

“Tôi không hiểu tại sao các sếp chủ đầu tư lại được 10% tổng giá trị công trình ký. Còn các nhà thầu lo lót chạy chọt một số tiền rồi lại bán đi bán lại. Như vậy công trình kém chất lượng là phải nếu không giám sát kỹ. Nếu các công trình đầu tư bộ phận chống tham nhũng cũng tham gia giám sát thì chất lượng mới có thể sẽ tốt hơn…” -  Nguyễn Kiên:  ngôcmui123@gmail.com

 

“Suy cho cùng tệ đua nhau làm giàu bất chính, chia chác, chạy chọt đã quen với nhiều người mất rồi. Giờ đã quá muộn những vẫn phải xem xét kỹ lưỡng từ trên xuống dưới, xem ai tội nặng trị nặng, tội nhẹ trị nhẹ. Thực tế không ít đập đang xây đã đổ. Theo tôi, người cao nhất phụ trách vấn đề này nên từ chức vì thiếu sâu sát. Đề nghị Thủ tướng cho làm nghiêm vài vụ việc là sẽ giảm ngay mà” – Hai Dang: haidang40@gmail.com

 

“Thử hỏi tại sao bây giờ các ông chủ thầu lại giàu lên nhanh như thế. Họ mà nắm được thông tin là: ngày này, ngày kia ở địa điểm nọ, huyện kia mà có công trình gì là họ lên Ủy ban, xuống Sở Kế hoạch rồi lên Sở Tài chính tỉnh xin cho bằng được công trình đó. Cho dù tiền phong bì cho các sếp hơi nhiều 1 chút cũng không sao, họ kiếm lại nhanh ấy mà. Nhà nước ta cần xem lại bộ máy cán bộ của đất nước mình, xem vì sao họ giàu mà dân nghèo vẫn cứ nghèo… Buồn!” - Quang Hải:  quanghistac@yahoo.com

 

“Quá trình thiết kế, giám sát thi công và nghiệm thu - quyết toán công trình xây dựng ở VN đang ở mức báo động đỏ +++ , nên cần nghiêm túc xem xét lại. Thực tế các công trình xây dựng chỉ đạt khoảng 50 - 55 % giá trị khi quyết toán, còn lại  bị rơi rớt vào ... Nên đập thủy điện cũng như đường quốc lộ .... không bị hư hỏng mới là chuyện lạ (do tham nhũng hối lộ quá nhiều, có như vậy cán bộ mới nhanh giàu, lắm tiền nhiều của...)” – Quang teo57:  quangteo57@gmail.com

 

Thấy để biết rõ hơn những điều toàn dân đều biết, để kiên quyết NÓI KHÔNG với những dự án kiểu… 3 không như Lộc ngodinhloc315bp@gmail.com vạch rõ:
 
 “Phải xóa sổ những dự án kiểu này: Nhà đầu tư không đủ năng lực kinh tế; nhà thầu thi công không đủ năng lực kĩ thuật; giám sát thi công không đủ năng lực trách nhiệm. Trong khi  tham ô, hối lộ… tất cả đều có thể xảy ra. Chỉ có người dân và nhà nước là chịu thiệt. Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc một cách quyết liệt để làm rõ vấn đề nhức nhối này!”
 
Ôi những dự án BA KHÔNG đã khiến nước mắt người dân phải đổ không biết bao nhiêu lần...

 

Khánh Tùng