Những cú lừa tiền tỉ đánh vào nỗi sợ hãi của dân lành

Bà P (TPHCM) nhận được cú điện thoại lạ. Người đầu dây bên kia tự xưng là cán bộ công an đang điều tra đường dây ma túy xuyên quốc gia và bà có liên quan, yêu cầu cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng, điện thoại… Từ đây, 1,3 tỉ đồng của bà đi tong vào một ngày đầu tháng 10.


Đối tượng chạy xe ôm giả danh Thanh tra Chính phủ lừa đảo, chiếm đoạt tiền tỉ bị khởi tố, tạm giam tại Thanh Hóa (ảnh: Đ.Hợp/Vnexpress.net).

Đối tượng chạy xe ôm giả danh Thanh tra Chính phủ lừa đảo, chiếm đoạt tiền tỉ bị khởi tố, tạm giam tại Thanh Hóa (ảnh: Đ.Hợp/Vnexpress.net).

Để “thuyết phục” hơn, kẻ lừa đảo bố trí một đối tượng khác gọi đến sau đó, tự xưng là cán bộ công tố của viện kiểm sát, từ đó yêu cầu bà P chuyển tiền tỉ từ tài khoản của mình vào “tài khoản an toàn” của đối tượng lừa đảo cung cấp. Tất nhiên sau vài ngày không thấy số tiền được chuyển trả theo lời hứa của cán bộ điều tra/cán bộ công tố và số điện thoại gọi đến vài hôm trước cũng không còn liên lạc được, bà P mới biết bị lừa.

Đây không phải là lần đầu. Cách đây hơn 5 tháng, tại Hà Nội, vài vụ lừa đảo cũng lấy đi số tiền ít nhất là 260 triệu đồng và nhiều nhất lên tới 6,1 tỉ đồng.

Số tiền mỗi vụ lừa đảo có khác nhau nhưng chiêu thức lừa thì như nhau: Cuộc gọi lạ đến số điện thoại bàn, nhân lúc gặp những người lớn tuổi ở nhà, đối tượng tự xưng là cán bộ của cơ quan pháp luật đang tiến hành điều tra án ma túy và ngay lập tức sử dụng giọng điệu đe dọa, qui chụp để buộc nạn nhân cung cấp các thông tin về tài khoản, số điện thoại, số chứng minh thư, thậm chí cả mật mã vào các tài khoản ngân hàng trực tuyến…

Sau đó, một là nạn nhân chuyển tiền vào “tài khoản an toàn” của đối tượng lừa đảo; hai là đối tượng sử dụng số tài khoản, mật mã của nạn nhân để lấy cắp tiền qua online.

Người dân thấp cổ bé họng thường ngại gặp rắc rối với các cơ quan pháp luật. Với những người ít hiểu biết, khi nghe “có liên quan” tới các đường dây ma túy thì run lẩy bẩy và dễ rơi vào hoảng loạn. Đối tượng lừa đảo tinh vi và thủ đoạn, tất nhiên đã điều nghiên kĩ “con mồi” từ trước, cho nên biết người nào có tiền, thậm chí nhiều tiền gửi ngân hàng, từ đó thực hiện cú lừa đánh vào nỗi sợ hãi.

Ngành công an từng hơn một lần cảnh báo về chiêu trò lừa đảo này. Thậm chí, một số đối tượng giả dạng cán bộ công an, quân đội hàm tướng, tá cũng đã sa lưới vì những chiêu thức lừa đảo trên. Nhưng rồi, những nạn nhân với số tiền lên đến hàng tỉ vẫn cứ bị mất.

Nỗi sợ của bách tính dân lành đã trở thành điểm yếu để bọn lừa đảo khai thác cuỗm tiền. Có người sợ rầy rà với cơ quan thực thi pháp luật nhưng vì có hiểu biết nhất định cho nên không dễ “giao trứng cho ác” số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Bởi một điều hiển nhiên họ biết là, chẳng cơ quan pháp luật nào “điều tra án” bằng cách gọi điện đến người dân dùng lời lẽ đe dọa, qui chụp như thế cả.

Còn ngược lại, những người đã sợ mà còn thiếu hiểu biết, thì đến 99,99% là bị lừa, tiền mất nhưng nỗi sợ hãi thì vẫn còn đó.

Theo Thế Lâm

Báo Lao động