Kỷ niệm 65 năm giải phóng Thủ đô

Nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya

(Dân trí) - Hà Nội thủ đô yêu dấu. Nhớ về Hà Nội là nhớ về một quá khứ hào hùng, linh thiêng và hào hoa. Nhớ về Hà Nội còn là nhớ đến một thời gian lao vất vả. Nó gắn với ta biết bao kỷ niệm vui buồn. Ai đã từng là người Thủ đô cũng đều không thể quên những ký ức ấy...

Nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya - 1

Ảnh tư liệu

Bây giờ, nếu ai xa Hà Nội một năm, nay trở lại đã thấy khác. Bộ mặt thành phố được chỉnh trang. Các tuyến phố văn minh sạch sẽ, quy củ. Đường sá rộng rãi đẹp đẽ... Thật xứng đáng tên gọi “Thành phố vì hòa bình”, thành phố nghìn năm văn hiến.

Thế hệ trẻ hôm nay chỉ biết về một Hà Nội to đẹp, thach lịch, bề thế.  Họ có thể đi trên những chiếc xe đời mới, đắt tiền. Nhưng những người trên 40 tuổi thì không thể quên một thời gian nan vất vả của Hà Nội. Một Hà Nội trong thời kỳ bao cấp với những cửa hàng mua bán theo tem phiếu: Từ thực phẩm, chất đốt, rau củ quả, lương thực đến những cửa hàng bách hoá bán theo giấy giới thiệu, phân phối... Thời đó, khi nhắc đến Hà Nội, bên cạnh Hồ Gươm, cầu Thê Húc, Cột cờ Hà Nội, nhà Bưu điện Bờ Hồ... ta không quên nhắc đến Bách hoá Tổng hợp Bờ Hồ, kem Tràng Tiền, Cửa hàng ăn uống Bôđêga... Và một âm thanh không thể thiếu, đó là tiếng leng keng tàu điện sớm khuya từ ngoại ô vào nội đô.

Tôi là một người dân ngoại thành, ít có dịp vào nội đô, nhưng đã có một kỷ niệm thời thơ ấu không bao giờ quên gắn với tiếng xe điện “leng keng tàu sớm khuya “ấy.

Đó là năm 1976, sau khi thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước ta tổ chức Tổng tuyển cử. Lúc ấy, bố tôi là công nhân của Xưởng Nhạc cụ Việt  Nam. Tôi khi ấy là một cô bé 9 tuổi, vì đạt học sinh giỏi cấp huyện nên được bố cho theo ra Hà Nội tham dự cuộc bầu cử trọng đại này. Bố gửi tôi ở nhà người cô ruột (chị gái bố) tại Khu tập thể Nhà máy điện Yên Phụ - Hà nội (thuộc bãi An Dương bây giờ). Khỏi phải nói tôi vui sướng thế nào. Một cô bé nông thôn lần đầu tiên biết đến máy nước, quạt điện “con cóc”, “tai voi”; rồi ô tô, đường nhựa... đều lạ lẫm. Tôi đặc biệt chú ý đến một phương tiện giao thông mà chỉ mới nghe bố kể chứ ở quê tôi chưa bao giờ được thấy: Đó là một loại tàu có nhiều toa dài nối với nhau, chạy trên một đường ray bằng thép, có  một cần dài trên nóc tiếp xúc với dây điện trên không. Cả đoàn tàu dài như vậy mà chỉ có một người lái. Mỗi toa lại có một người bán vé. Điều khiến tôi thích thú nhất là các toa có thể tách rời hoặc ghép với nhau khi cần thiết. Tôi hỏi anh con nhà cô và được biết tên loại phương tiện giao thông đó là tàu điện. Loại tàu này chở người và những gánh hàng cồng kềnh rất tiện lợi, giá vé chỉ có 2 xu, trẻ em không mất tiền. Tôi nảy ý định sẽ thoả chí tò mò cuả mình, lên tàu đi chu du thành phố cho biết. Tối hôm đó, cơm nước xong, tôi lên bờ đê Yên Phụ chơi. Khi tàu đến, tôi nhảy lên 1 toa và khoái chí theo con tàu để ngắm nhìn thành phố về đêm. Thật mới lạ và hấp dẫn: đèn như sao sa, cửa hiệu sáng choang ánh điện, người và xe đi lại tấp nập... Mải ngắm, tôi không biết mình đã đi những đâu. Chỉ biết đã 18 lần quay đi quay lại như thế. Tôi không nhớ bến đỗ để về, bắt đầu thấy lo. Chợt nghĩ chắc tàu quay đi thì sẽ quay về chỗ cũ (mà không biết có nhiều đoạn ray rẽ sang hướng khác), nên khi đến chỗ tàu tránh nhau, tôi nhảy sang một tàu đi ngược chiều, thế là lại tiếp tục cuộc hành trình (khoảng 10 chuyến nữa). Tôi lang thang cùng tàu điện và lại nhảy lên một tàu khác, cũng khoảng gần 10 chuyến quay đi quay lại như vậy. Tôi chẳng biết lúc ấy mình đang ở đâu. (Sau này tôi mới được bố cho biết: chặng đầu tiên tôi đi là 18 chuyến tàu điện Yên Phụ - Hà Đông. Chặng thứ hai là 10 chuyến Bờ Hồ - Cầu Giấy. Chặng thứ 3 là 8 chuyến Mơ - Bưởi).

Đã khuya lắm rồi, người lái tàu dừng lại (hết giờ tàu chạy, chắc khoảng 1-2 giờ đêm gì đó). Lúc này người bán vé mới hỏi tôi xuống đâu. Tôi chỉ khóc. Bác hỏi tôi nhà ở đâu. Tôi nói ở Hoài Đức, theo bố ra đây tham gia bầu cử. Nay ở nhà người cô ruột tại số nhà 69 Khu tập thể Nhà máy điện Yên Phụ - Hà Nội. (Cũng may mà tôi còn nhớ được số nhà). Bác nhân viên đưa tôi đến một đồn công an gần đấy. Chú công an sau khi hỏi tôi kỹ càng, đã gọi một người xích lô, yêu cầu chở tôi về đúng địa chỉ trên.

Bố tôi và cả nhà cô tôi nháo nhác đi tìm từ tối đến khuya không ấy tôi đâu. Chợt ấy người xích lô đưa tôi về. Bố tôi mừng tủi trào nước mắt. Cám ơn bác xích lô xong, bố tôi ngỏ ý muốn “bồi dưỡng” bác, nhưng bác không nhận và nói: “Đồng chí công an giao nhiệm vụ cho tôi đưa cháu bé về. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ ấy. Xin phép gia đình cho tôi về báo cáo lại với đồng chí công an để anh ấy yên tâm...”. Thật hú vía!

Sau này, khi đã lớn, ra học ngoài Hà Nội, tôi còn nhiều dịp đi xe điện và mới thấy hết được sự thuận lợi của loại phương tiện giao thông này trong thời ấy. Về sau, do nhiều lý do mà xe điện đã được thay thế bằng loại phương tiện thuận lợi hơn: đó là xe buýt. Đã gần 40 năm trôi qua kể từ ngày ấy, nhưng mỗi khi nghĩ đến Hà Nội, tôi không quên kỷ niệm ấy. Và nhớ mãi những con người Hà Nội tốt bụng, có trách nhiệm như bác nhân viên soát vé trên xe điện, bác xích lô và hình ảnh “chú công an áo vàng” luôn là một hình ảnh đẹp trong tâm trí tôi. Giờ đây, mỗi khi có việc ra nội thành Hà Nội, tôi đều nhớ tiếng leng keng của tàu điện. Tiếng leng keng ấy cùng với những tiếng rao đêm “ai tào…phớ”, “khúc … ơ”…đã làm nên 1 nét riêng cuả Hà Nội một thời vất vả gian lao.

Hà Nội  bây giờ đã được khoác màu áo mới, thay đổi rất nhiều: những dãy nhà cấp 4 lợp ngói, đôi chỗ có vá giấy dầu cuả khu tập thể Nhà máy điện  Yên Phụ ngày nào, giờ đây là những căn hộ khép kín cao tầng. Đường phố bây giờ đã được mở rộng thênh thang, nhiều làn xe chạy. Các phương tiện giao thông hiện đại ngày một nhiều hơn. Xe điện đã đi vào quá khứ. Nhưng mỗi khi đi trên đường phố Hà Nội, bắt gặp những vệt đường mới chạy dài (dấu tích của đường ray xe điện  ngày trước), lòng tôi không khỏi nao nao.

Nay, Hà Nội đã là thành phố hiện đại, khung cảnh và con người Hà Nội cũng xứng tầm của một thành phố văn hiến, thanh lịch, hào hoa. Mỗi khi nhớ về Hà Nội, trong tôi vẫn luôn vang lên bài hát cuả nhạc sĩ Hoàng Hiệp: “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội... Nhớ tiếng leng keng tàu sớm  khuya hướng ra Đống Đa - Cầu Giấy... Hà Nội cuả ta, Thủ đô yêu dấu. Một thời đạn bom, một thời hoà bình”.

Diễm Nguyệt