Phiếm đàm

Nhiều người chưa chắc đã là tốt

(Dân trí) - Các cụ từ xưa đã dạy “quý hồ tinh bất quý hồ đa.” Nhiều người chưa chắc đã giải quyết tốt mà thậm chí còn làm chậm, làm rối thêm cho công việc cần giải quyết.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Đọc bài viết “ Công bố số điện thoại nóng của Bí thư Đinh La Thăng ” đăng tải trên báo Dân trí, bạn đọc băn khoăn nước ta trong hệ thống công quyền có nhiều cấp phó quá.

Bạn đọc Ngô thị Miên mien@gmail.com viết:

“Tân Bí thư hai thành phố lớn nhất VN đã có nhiều việc làm thiệt thực,mang lại diện mạo mới cho hình ảnh gần gũi giữa dân và chính quyền,lấy lại niềm tin của người dân vào Đảng và Nhà nước...Đây là điều đáng hy vọng và mong chờ một chuyển biến..nhưng như vậy vẫn chưa đủ.Tôi thấy có những việc thuộc chính quyền phải làm, trong khi UBND mỗi thành phố, có 1 chủ tịch và 5 phó, nhưng nhiều việc vẫn bỏ trống,để người dân phải kêu lên Bí thư. Ví dụ như vụ tiêu thụ sữa bò của Củ chi,vụ làm đường vào nhà BMVNAH...Lẽ ra những công việc đó bên chính quyền phải làm , không để Bí thư phải bắt tay vào làm...Làm được những việc quá cụ thể cũng có cái được, nhưng cũng có cái mất, là những chủ trương lớn hơn thì không đủ thời gian suy nghĩ tới...Cần phân định rõ việc nào thuộc trách nhiệm của chính quyền,việc nào của Đảng..khi sai sót,mới có thể cũng ngồi lại để kiểm điểm và rút ra những bài học cho bước đi tiếp...”

Không chỉ bạn đọc ở trong nước, mà có bạn đọc là Việt kiều ở nước ngoài cũng có ý kiến về vấn đề này. , Bạn Nguyễn Hòang Hải info@nguyen-berlin.de viết:

‘Qua việc công bố đường dây riêng của ông Đinh La Thăng, là một người dân Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, tôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân của người lãnh đạo Thành Phố Hồ Chí Minh và nếu thành công sẽ là gương sáng cho nhiều địa phương ở ta. Nếu như so sánh một thành phố ở các nước với một thành phố của Việt Nam thì họ chỉ có một thị trưởng và thậm chí không có phó chuyên trách (ví dụ Berin có 2 phó là 2 giám đốc sở giúp thị trưởng khi vắng mặt) thì ở Việt Nam là song trùng lãnh đạo và đội ngũ phó chuyên trách khá hùng hậu. Chỉ cần căn cứ chi tiết đó và những yếu kém không gần dân bao năm nay của lãnh đạo các cấp, nhất là của 2 thành phố thì tôi nghĩ ông Thăng có thể yên tâm tiếp tục chiến lược, chiến thuật gần gũi như có thể với dân và qua đó tôi hiểu ông Thăng không chỉ có ý định giải quyết các vấn đề vi mô, mà cả các nhiệm vụ vĩ mô của Thành phố xuất phát từ ý kiến dân góp ý và đó cũng là bản chất nhà nước ta là: nhà nước của dân, do dân vì dân. Và khi ông Thăng vẫn để mắt và phối hợp chỉ đạo cùng hệ thống lãnh đạo còn lại của Thành phố thì tóm lại công việc vĩ mô và vi mô của Thành phố vẫn có thể được giải quyết đồng bộ một cách tốt đẹp, và từ đó đem lại một không khí mới mẻ, lành mạnh – 1 khí thế mới cho đất nước.”

Theo ông Lê Quang Thưởng, Nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chức Phó như hiện nay là do cảm tình, nể nang mà ban phát chức vụ cho nhau. gây lãng phí ngân sách và không được đồng thuận của xã hội. Đại biểu quốc hội Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu giải pháp: “Muốn giảm cấp Phó phải bớt cơ chế tập thể, liên ngành bởi hiện nay cái gì cũng xin ý kiến làm sao không họp được. Ngoài ra cơ chế cũng biến cấp Phó thành mấy cấp hành chính, ông Phó phụ trách mấy Vụ thì coi như cấp trên các Vụ. Bỏ hai điều này thì mới giảm cấp Phó được”.

Các cụ từ xưa đã dạy “quý hồ tinh bất quý hồ đa.” Nhiều người chưa chắc đã giải quyết tốt mà thậm chí còn làm chậm, làm rối thêm cho công việc cần giải quyết.

Nguyễn Đoàn