Nghĩ về tham nhũng vặt từ thành phố đến nông thôn

Các kiểu tham nhũng vặt từ nông thôn tới thành thị đang là một trong những nguyên nhân chính gây bức xúc trong người dân. Nhưng vì đâu xử lý sai phạm này vẫn còn chưa đủ nghiêm?


Ra, vào bến, lái xe buýt đều phải làm luật với “gác cổng” bến xe. Ảnh: Hữu Nguyên

Ra, vào bến, lái xe buýt đều phải làm luật với “gác cổng” bến xe. Ảnh: Hữu Nguyên

Còn gì nguy hiểm hơn, từ cán bộ cấp thôn đến ông ngồi “gác cửa” bến xe cũng có thể ăn chặn !?

Sở Giao thông Vận tải TP HCM vừa đình chỉ công tác ông Nguyễn Lâm Hải (Phó giám đốc trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng) 15 ngày để làm rõ liên quan việc "làm luật" ở các bến xe buýt. Và cũng vì lý do trên, ông giám đốc Trung tâm này ký kỷ luật 8 nhân viên của mình.

Vụ việc chỉ bị phanh phui khi báo chí phản ánh: Nhiều năm nay các tiếp viên phục vụ xe buýt phải "chung tiền" cho nhân viên điều hành ở điểm đầu và cuối tại các bến xe, để được ký lệnh xuất bến sớm.Tại điểm đầu tuyến, tiếp viên phải nộp ít nhất 20.000 đồng, điểm cuối tuyến là 10.000 đồng.

Về vụ việc này, thứ nhất, cần khẳng định, đây là hành vi của các “quan gác cửa” đã ép các nhà xe đưa hối lộ. Không thể nói khác.

Thứ hai, có nhiều dấu hiệu lợi ích nhóm rất rõ ở vụ việc này và số tiền nhận hối lộ này là rất lớn. Tính trung bình, một chiếc xe buýt phải chung chi 30.000 đồng cho một chuyến (chung chi cho cả điểm đầu và điểm cuối), mà TP HCM hiện có khoảng 2.000 xe buýt hoạt động thì tổng số tiền lớn như thế nào. Chắc chắn, mấy ông “gác cổng” không thể nuốt nổi từng ấy tiền nhận hối lộ. Vậy những ai điều hành đường dây này còn chưa bị đưa ra ánh sáng?

Thứ ba, mức tiền nhận hối lộ lớn như vậy, diễn ra thời gian dài như vậy lẽ nào ông Giám đốc Trung tâm, Sở Giao thông Vận tải thành phố này không biết? Để trả lời câu hỏi này, cần đặt câu hỏi ngược lại: là người ngoài cuộc, vì sao báo chí lại biết và viết rất rõ những hành vi này? Hoặc cứ coi, nếu như vị lãnh đạo đó không biết, thì đó cũng là hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Vậy, tại sao ông Giám đốc lại không chịu trách nhiệm gì, mà vẫn còn vung tay ký kỷ luật người khác?

Đã đến lúc, không thể chỉ kỷ luật với những người trực tiếp làm việc, mà trách nhiệm chính phải quy về người đứng đầu. Nếu không, những hành vi vi phạm pháp luật như vậy lại tiếp diễn.

Thậm chí, năm 2014, năm cán bộ của Trung tâm quản lý này bị kỷ luật vì sai phạm trong việc trợ giá xe buýt, thiệt hại gần 4 tỷ đồng. Trong đó, ông Lê Hải Phong - giám đốc trung tâm; ông Văn Công Điền – Phó giám đốc và ông kế toán trưởng bị kỷ luật cảnh cáo. Còn ông Phó giám đốc Nguyễn Lâm Hải (hiện đang bị đình chỉ công tác 15 ngày để làm rõ hành vi “làm luật” ở bến xe buýt) bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, phải chăng cách dân sự hóa các vụ án hình sự (gây thiệt hại gần 4 tỉ đồng) dẫn đến hành vi “làm luật” vẫn diễn ra ở chính trung tâm này?

Dư luận mong rằng, xử lý tiêu cực phải nghiêm khắc và đúng tên gọi của nó. Nếu là nhận hối lộ, cần phải xử đúng tội danh đó. Đồng thời, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính, không thể để tình trạng, ông phó và các nhân viên sẽ giơ đầu hứng chịu tất cả những sai phạm. Nếu không, tình trạng “làm luật” này và các sai phạm khác vẫn còn diễn ra dài dài.

Mặt khác, với các kiểu “tham nhũng vặt”, từ nông thôn đến thành phố như vậykhiến dư luận cực kỳ bức xúc. Ở nông thôn, một số hiện vật ít ỏi hỗ trợ những hộ khó khăn, cực kỳ khó khăn cũng bị ăn chặn, từ cán bộ thôn “ăn” từng gói mỳ tôm, những con gà “chạy lạc” vào quan xã đến những con dê lang thang nhầm vào trang trại của người đứng đầu huyện: Không còn gì thảm hại hơn. Còn ở thành phố, những hộ buôn bán nhỏ lẻ, hàng rong lấn chiếm hè đường không it đều có cán bộ “bảo kê” cho đến những ông lái xe buýt luôn căng đầu trên các tuyến đường cũng phải “làm luật” thì dư luận … không bức xúc mới lạ.

Vương Hà