Nghĩ về  lời nói cuối của Vũ “nhôm” trước Tòa

(Dân trí) - Trong hầu hết các vụ án liên quan đến đất đai, mua bán công sở, chưa một đối tượng nào bị truy tố về tội đưa và nhận hối lộ, nên các đối tượng đua nhau ... “lý luận”

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Trần Văn Minh (Chủ tịch giai đoạn 2006 -2011) Văn Hữu Chiến (Chủ tịch giai đoạn 2011- 2016) đối mặt với tội danh mà phiên sơ thẩm đã kết tội: Ban hành các chủ trương, chính sách pháp luật, trực tiếp quyết định chuyển nhượng các dự án, giao nhà đất công sản trái quy định pháp luật. Trong đó, bị cáo Minh giữ vai trò chính. Và các bị cáo kháng cáo và đang chờ phán quyết của tòa phúc thẩm.

Vũ “nhôm” là bị cáo được nói lời sau cùng sau hai cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng, nhưng đây là nhân vật đã kéo theo không biết bao quan chức ra vành móng ngựa theo mình, nên người viết muốn đề cập đầu tiên.

Đây không phải là lần đầu tiên Phan Văn Anh Vũ kêu oan trong 4 vụ án, đều liên quan đến các mua bán các dự án và công sở.

Nhưng dư luận ngạc nhiên là càng ngày Vũ càng cao giọng hơn để khẳng định mình vô tội,  cao ngạo đề nghị “HĐXX “tuyên thật nặng bị cáo nếu chứng minh được bị cáo phạm tội, ngược lại không chứng minh được thì trả tự do cho bị cáo.” Vũ còn đề nghị: Xử lý nghiêm các cơ quan tố tụng đã “cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án, tạo dựng chứng cứ giả…”?!

 Sao Vũ dám thách đố HĐXX như vậy?

Phải chăng, theo logic của Vũ, đây là thuận mua vừa bán, nên không có tội. Còn nếu cho rằng, y thâu tóm dự án, công sản là nhờ quan hệ, thì hãy chỉ định cụ thể tên cán bộ đó.

 Nếu không có những quan hệ “hữu hảo” với lãnh đạo địa phương, cũng như các thủ trưởng của mình, liệu một doanh nhân như Vũ có thể thâu tóm được những dự án, những bất động sản như vậy? Chắc chắn là không.

Tòa sơ thẩm đã đánh giá, đủ căn cứ xác định Phan Văn Anh Vũ có quan hệ với lãnh đạo Đà Nẵng, đặc biệt là cố Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND Đà Nẵng. Và một loạt tướng tá, trong đó có cả những cựu thứ trưởng Bộ Công an, vì ký một loạt văn bản trái luật gửi lãnh đạo một số tỉnh thành nhằm tạo điều kiện cho Vũ dễ dàng thâu tóm được các dự án, công sản nên đã phải hầu tòa.

Vậy vấn đề là vì sao Vũ vẫn cố tình nhắc đến chuyện này? Câu hỏi này vẫn chưa được làm rõ.

Còn trong lời nói cuối cùng, cả hai cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng cũng đều cho rằng không phạm vào cả hai tội danh bị quy kết và đề nghị tuyên mình vô tội...

Nhưng khi bị bí trước những câu hỏi ở tòa, các bị cáo sẵn sàng đổ tội cho cấp trên. Trong đó, bị cáo Chiến nhắc lại nhiều lần "việc bán nhà, giao đất do hai chủ tịch tiền nhiệm Trần Văn Minh, Hoàng Tuấn Anh trực tiếp giải quyết". Trả lời câu hỏi, thấy không đúng pháp luật sao vẫn ký, cựu Chủ tịch Chiến chống chế “tôi không có cơ hội để xem xét.”

Nghĩ về  lời nói cuối của Vũ “nhôm” trước Tòa - 1

Vũ “nhôm” đề nghị xử lý nghiêm các cơ quan tố tụng “đã cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án tạo dựng chứng cứ giả…”!

Tuy những lời tự bào chữa này là bao biện, tránh tội, nhưng trong đó bao hàm một phần sự thật chua chát, đáng lo ngại, liên quan rất nhiều đến việc bán các dự án, các bất động sản hiện nay.

   Điểm lại, trong các quan chức phải hầu tòa, bị kỷ luật cách chức, cảnh cáo, chiếm nhiều nhất vẫn là liên quan đến đất đai, dự án và bán công sản. Và chưa một ai bị khởi tố về tội đưa và nhận hối lộ.

Thậm chí cả cảng Quy Nhơn, dù có vị trí quan trọng về quốc phòng, kinh tế, nhưng vẫn bị bán với giá rẻ mạt dưới chiêu cổ phần hóa 100%. Ngay cả cựu đô đốc, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến cũng vì sai phạm việc bán đất mà phải hầu tòa. Gần đây nhất và bức xúc dư luận nhất là Dự án đô thị mới Thủ Thiêm, TP HCM. Bất chấp sự khốn cùng, khiếu kiện gay gắt, kéo dài của dân, một số lãnh đạo ở đây vẫn ra các quyết định sai lạc cả dự án, trái ngược với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

   Chua chát hơn, nhiều quan chức, kể cả đang là Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh, thành phố, biết thủ trưởng làm trái luật, nhưng vẫn thi hành lệnh, đến lúc nào đó, họ đã hình thành băng nhóm và không dễ thoát nổi vòng xoáy của các nhóm lợi ích. Còn khi bị sờ gáy, họ sẵn sàng đổ tội cho cấp trên. Trong vụ án ở Đà Nẵng, tại phiên tòa phúc thẩm, cả hai cựu Chủ tịch đều cho rằng, mình làm theo chỉ đạo của các lãnh đạo tiền nhiệm và chủ trương chung của thường trực thành ủy và HĐND TP đã đồng ý.

Đổ lỗi, ai cũng thấy vậy, nhưng đó cũng là một phần sự thật khi người đứng đầu ở một số địa phương không khác gì “vua” con, ý muốn của  ông ta là mệnh lệnh khó cưỡng. Thậm chí cả HĐND cũng phải thông qua những gì người đứng đầu muốn.

 Đó là sự lạm quyền. Nhưng vì sao, cả một hệ thống chính trị đầy đủ các ban bệ, hệ thống kiểm soát chặt chẽ như vậy, họ vẫn có thể lạm quyền? Đó là câu hỏi bức xúc lâu nay của dư luận vẫn chưa thể giải đáp.

 Và trong tất cả các vụ án kiểu này, chưa một đối tượng nào bị truy tố về tội đưa và nhận hối lộ. Dù, ai cũng biết, không có ăn chia, không có đưa, nhận hối lộ thì những vụ án này không thể xảy ra.

 Vương Hà