Bạn đọc viết

Nghĩ và bàn về “Bài giảng tích hợp”

không phải giảng tích hợp là bắt học sinh học kiến thức của nhiều môn trong 1 môn Đó là cách nhìn của cá nhân tôi dưới góc độ người đi học, tin hay không tin tùy ở bạn.

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Hồi này mấy bạn của mình là giáo viên chia sẻ về việc giảng dạy theo phương pháp tích hợp, các bạn soạn bài khá vất vả, nhiều bạn than làm sao 1 giáo viên có thể có đủ kiến thức của nhiều môn để mà lồng ghép theo yêu cầu được. Chưa kể trong thời gian 1 tiết học việc truyền thụ kiến thức cho môn học chính còn chưa xong. Huống hồ...

Tò mò xem các bạn ấy chuẩn bị mình cũng thấy tẩu hỏa nhập ma vì nếu dạy kiểu này xem ra việc phân môn chẳng còn tác dụng mà bài học của môn nào cũng giống 1 nồi lẩu với bội thực kiến thức.

Mình xin góp 1 ý về giảng bài theo hướng tích hợp dưới góc độ người đi học thế này: Thế hệ bọn mình học phổ thông hệ 10 năm, và mình cũng được học theo phương pháp tích hợp kiến thức trong các bài học. Ví dụ khi học môn sử bài về chiến dịch đông xuân 53 -54 và trận Điện Biên Phủ, có phần các công tác chuẩn bị chiến dịch Điện Biên, các thày dạy về chiến dịch Thượng Lào, và các kiến thức địa lý liên quan tới bài học được các thày giảng rât kỹ từ bản đồ đến thời tiết, và các yếu tố văn hóa như phong tục tập quán tác động đến nghệ thuật quân sự cũng được các thày giảng rất hay, như vậy học sinh học sử mà được học luôn địa lý, văn hóa... Bài học chính được tiếp thu sâu nhờ các bài học lồng ghép ngoài lề.

Một ví dụ khác khi học môn sinh vật, các yếu tố thời tiết, thời vụ, môi trường ảnh hưởng tới vật nuôi cây trồng thế nào học sinh đều được học thậm chí các thày còn dạy cách nhìn hướng vươn của hoa, lá,rễ trong rừng để xác định phương hướng khi lạc đường. Hay cách xem xét phân bố thảm thực vật bên trên để đoán bên dưới thường có mỏ gì hay chât gì Môn hóa học với các ứng dụng trong đời sống liên quan học sinh được học qua ví dụ trong đời thực rất sinh động, tác nhân nhiệt độ, độ ẩm trong tự nhiên thành chất xúc tác thế nào trong 1 phản ứng hóa học làm học sinh nhớ bài rất lâu... Môn vật lý, với các liên quan về thiết kế trong các công trình cũng được các thày chỉ rất rõ, tôi vẫn nhớ ví dụ về lực cộng hưởng từ 1 đoàn lính đi đều làm sập 1 cây cầu... Môn ngoại ngữ học sinh chúng tôi thường được nghe kể về văn hóa, phong tục tập quán của thứ ngôn ngữ mình đang học. Môn toán với các ví dụ về vận trù, kế hoạch, xác suất với các câu chuyện thật lý thú...

Nhờ các thày và cách dạy cách học đó thế hệ chúng tôi tốt nghiệp 10 năm học phổ thông đã có 1 kiến thức nền tảng và cách quan sát, tính tự học tương đương sinh viên học qua đại học đại cương hiện nay, nếu không nói là tốt hơn...

Như vậy theo cá nhân tôi hiểu để giảng bài giảng tích hợp bản thân giáo viên cần giỏi môn mình dang dạy, và biết rõ vị trí của nó trong đời sống thực, biết sự ứng dụng của nó trong xã hội và tự nhiên, từ đó nhìn ra các yếu tố liên quan với các môn khác, các kiến thức khác.. như vậy mới tạo cho học sinh tư duy mở và biết liên kết ứng dụng kiến thức giữa các môn và ứng dụng chúng cho hoạt động sống. Chứ không phải giảng tích hợp là bắt học sinh học kiến thức của nhiều môn trong 1 môn Đó là cách nhìn của cá nhân tôi dưới góc độ người đi học tin hay không tin tùy ở bạn.

Pham Tuan

phamtuankb@gmail.com