Nghị định 15/2020/NĐ-CP: Phương thuốc mạnh chặn “virus” gây bệnh hoang mang

Trong những nguồn gây “bệnh” có cả những thông tin sai lệch, thất thiệt về virus Corona tại Việt Nam.

Nghị định 15/2020/NĐ-CP: Phương thuốc mạnh chặn “virus” gây bệnh hoang mang - 1

C.V.Q trú tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An bị công an triệu tập ngày 6.2 vì thông tin sai sự thật liên quan đến virus Corona. Ảnh: Công an cung cấp

“Bệnh hoang mang” là từ mà Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã dùng trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 1 của Chính phủ hôm 5.2. Trong những nguồn gây “bệnh” có cả những thông tin sai lệch, thất thiệt về virus Corona tại Việt Nam. Nghị định 15/2020/NĐ-CP về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử” vừa được Chính phủ ban hành ngày 3.2.2020 và có hiệu lực từ 15.4.2020 thay thế Nghị định 174 được cho là phương thuốc mạnh hơn trong việc phòng chống những thông tin giả, sai lệch gây hoang mang dư luận trên mạng đang lan tràn hiện nay.

Xử không xuể

Theo thông tin từ Bộ Công an: Thời gian vừa qua, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp, nhiều đối tượng đã lợi dụng không gian mạng, tung tin giả, thông tin sai sự thật về bệnh dịch. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đấu tranh xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết: “Hiện nay chúng tôi đã triệu tập hơn 170 đối tượng, xử lý, yêu cầu cam kết, yêu cầu gỡ bỏ và căn cứ theo khoản 3, điều 64, Nghị định 174 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và quy định trong trường hợp loan tin đồn sai sự thật phục vụ mục đích câu like hoặc phục vụ mục đích khác qua mạng để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý” - Thứ trưởng Lương Tam Quang nói.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công an, hiện nay cơ quan công an đang tiếp tục làm rõ hơn 41 trường hợp không hợp tác hoặc có những biểu hiện không thực hiện việc xử phạt này để củng cố tài liệu và xử lý hình sự nếu đủ điều kiện.

Nghị định 174/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ 15.1.2014 cũng đã có những quy định khá cụ thể về hành vi thông tin sai sự thật trên môi trường viễn thông. Cụ thể là ở các điều 63, 64, 65, 66 như “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan trừ trường hợp pháp luật quy định; Miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, chém, giết, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, phim, ảnh; Cung cấp nội dung thông tin mê tín dị đoan, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam” Khoản 2 điều 64 hoặc “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước…” - điểm 3 khoản 3 điều 64 Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp.

Tuy nhiên dù đã có những quy định như vậy nhưng tình trạng dùng mạng xã hội, trang thông tin cá nhân, tài khoản cá nhân để đăng thông tin sai lệch trên mạng xã hội chưa thuyên giảm. Thậm chí ngay cả những người nổi tiếng như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng… cũng đã được Sở TTTT TPHCM mời lên làm việc vì đưa những thông không đúng trên trang cá nhân.

Nghị định 15/2020/NĐ-CP mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn

Nếu nghị định 174/2013/NĐ-CP có 114 điều liên quan đến việc xử lý các vi phạm hành chính trong môi trường bưu chính, viễn thông thì nghị định 15/2020/NĐ-CP đã quy định rõ hơn, chi tiết hơn với 224 điều.

Trong đó riêng việc xử lý các thông tin sai lệch, giả mạo trên mạng xã hội cũng đã rõ ràng hơn. Đặc biệt là quy định trách nhiệm cá nhân của người tham gia mạng xã hội đã được làm rõ tại điều 101 Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.

Theo đó, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;

Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản ấn phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu; Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm; Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

Nếu như tại Nghị định 173/2013 chưa phân định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc sự dụng môi trường mạng, đặc biệt là mạng xã hội thì quy định 15/2020 đã rõ nét, chi tiết về từng hành vi trong đó có những hành vi mới được đưa vào như “cung cấp chia sẻ thông tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân”.

Ngoài ra Nghị định cũng nêu “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” và buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành Víu Cổvi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 101.

Với những quy định chặt chẽ, cụ thể hơn, môi trường mạng sẽ trở nên trong lành hơn...

Theo Minh Bằng

Báo Lao động