Ngắn và chất

Lễ khai giảng ở nhiều nơi được biến thành sự kiện của người lớn với những phát biểu dài dòng, nhiều lời chỉ đạo lớn lao, khiến học trò mệt mỏi. Lại có những nơi “hướng dẫn” học sinh ngồi cả tiếng đồng hồ để chờ và… đợi. Năm nay, dường như có sự đổi mới

 

Ngắn và chất - 1

 Mong sao, thời tiết năm nay đừng mưa để buổi lễ khai giảng diễn ra an toàn, thuận lợi. (Ảnh minh họa: Vnexpress) 

Nói là “dường như” bởi, sự kiện chưa diễn ra, còn hơn hai tuần nữa mới đến ngày khai giảng 5/9/2015. Song, có sự đổi mới, bởi lẽ tinh thần chỉ đạo từ cấp hành chính nhà nước cao nhất đó là, năm nay các trường học trên cả nước tổ chức khai giảng vào một ngày duy nhất (5/9). Và, các trường khai giảng với phát biểu ngắn và nội dung gọn nhẹ.

Hay quá! Cấp trên thật sáng suốt. Vậy là, năm nay nếu các trường thực hiện theo sự chỉ đạo của cấp trên, chắc chắn sẽ đem lại tiếng cười trong trẻo cho học sinh. Thay vì những năm trước, các cháu phải dậy thật sớm, xếp hàng chờ đợi (kể cả chờ đợi trong mưa, hoặc trong “nắng tháng tám rám trái bưởi”) để nghe nhiều bài phát biểu nối tiếp nhau, dài ơi là dài…

Nói vậy thôi, chứ không chắc là tất cả các trường đều tuân thủ sự chỉ đạo hợp tình, hợp lý của cấp trên. Bởi, bệnh thành tích và hình thức. Thay đổi ngay là khó! Nhưng cũng đã đến lúc phải thay đổi.

Đến đây, người viết lại chợt nhớ đến câu chuyện cách đây hơn một năm, tại một trường trung cấp, lãnh đạo nhà trường đã cử học sinh xếp hàng gần một tiếng đồng hồ để đón một vị lãnh đạo. Buổi đón tiếp thành công, bởi mọi việc diễn ra theo kịch bản, có giới thiệu đại biểu, báo cáo khái quát tình hình của trường, có phát biểu chỉ đạo của cấp trên, lời đáp từ của lãnh đạo nhà trường… và những tràng vỗ tay. Song cũng khổ, bởi “lỗi tại ông Giời”, để học trò phải cầm cờ, đứng dưới mưa chờ vị lãnh đạo…

Chúng ta xây dựng lòng mến khách, sự tôn sư, trọng đạo cho học trò là tốt, là việc đáng làm. Nhưng, sự thái quá, “hướng dẫn” học sinh làm “tiêu binh” trong mưa, trong nắng chờ đợi cấp trên, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của học sinh là việc không nên làm.

Câu chuyện của lễ khai giảng năm nay mong rằng không còn trường học nào phải khổ như vậy! Để cho lễ khai giảng thật ngắn gọn, ý nghĩa và chất lượng; để ngày khai trường là ngày hội, mở đầu hành trình của một năm học mới, có tác dụng tạo cảm xúc để thi đua: “Dạy tốt, học tốt và làm nhiều việc tốt”.

 Hạnh Nguyên

(Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)