Nâng cao “sức đề kháng” nhằm chống lại virus xấu độc

Không chỉ tồn tại những “Virus trì trệ”, mà hiện xã hội đang tồn tại những virus xấu, độc hại mang tên “tin giả” liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Dù là giả nhưng lại đang gây ra những hậu quả...thật.

Nâng cao “sức đề kháng” nhằm chống lại virus xấu độc - 1

Ảnh minh họa: Reuters/Kham

Điều vô cùng đáng lo ngại, là khi cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang gồng mình để chống dịch COVID-19, mang lại sự bình yên cho nhân dân, để người dân không phải “thiếu cơm, nhạt muối” thì ngày ngày trên mạng xã hội những thông tin giả vẫn hoành hành, gây nên những hậu quả khó lường, và sự bất an của nhân dân. Đã đến lúc cần loại bỏ những tin giả, độc hại bằng chính việc nâng cao “sức đề kháng” của người dân.

Mới đây vì quá hoảng sợ về dịch COVID-19, lại tin theo lời đồn thiếu căn cứ trên mạng xã hội, một người đàn ông ở Hà Nội đã phải nhập viện cấp cứu vì uống 15 viên thuốc trị sốt rét để phòng dịch COVID-19. Chưa bị nhiễm bệnh dịch COVID-19 nhưng người đàn ông này đã phải vào khoa Cấp cứu của một bệnh viện huyện ở Hà Nội trong tình trạng nôn nhiều, mờ mắt, suy hô hấp. May thay, ngay khi nhập viện bệnh nhân đã được rửa dạ dày, dùng than hoạt tính, thở máy không xâm nhập kịp thời nên vẫn giữ được tính mạng.

 Nhưng hệ quả của những lời đồn thiếu căn cứ này đem lại là không hề nhỏ, bởi ngay sau khi những thông tin giả lan truyền trên mạng xã hội, người dân đã đổ xô đến các siêu thị để tích trữ hàng hóa, gây nên những cơn sốt ảo, một hiệu ứng dây chuyền. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ để xử lý, ít nhất là với khoảng 20 tài khoản trên mạng xã hội. Những ai đã tung tin như thế, cho dù cố ý hay do nhận thức kém, đều cần xử lý nghiêm đến nơi đến chốn.

 Thống kê của Bộ Công an cho thấy, từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến nay, trên không gian mạng có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật. Lợi dụng tình hình của dịch COVID-19, các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng bất mãn chính trị trong nước và nước ngoài đã lợi dụng phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh; kích động người dân đình công, ngừng buôn bán, tích trữ lương thực, thực phẩm, trong đó có một số tổ chức như “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, “Voice”, “PBSOS”... Mục đích của các đối tượng này là nhằm gây hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân, tạo ra tình trạng bất ổn, chia rẽ trong nội bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

 Từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến nay, thống kê của lực lượng chức năng cũng cho thấy, trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, clip liên quan đến dịch bệnh đã đăng trên mạng xã hội. Trong đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ. Phương thức, thủ đoạn của những người này gồm: thiết lập nhiều trang mạng, hội nhóm, tài khoản Facebook để tán phát, chia sẻ các bài viết, hình ảnh, video có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, kích động về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam. Bịa đặt các thông tin gây sốc về số người chết do nhiễm COVID-19 tại Việt Nam. Rồi từ đó hướng dẫn cách chữa trị tại nhà như uống rượu, tắm cây sả để kêu gọi tự chữa bệnh tại nhà, tẩy chay hướng dẫn của Bộ Y tế. Việc lợi dụng những “khoảng trống thông tin” trên các trang mạng chính thống để lồng ghép các thông tin xuyên tạc bịa đặt đang gây nên những hoang mang, sự bất ổn trong dư luận xã hội, cũng như khiến công tác chống dịch của Nhà nước gặp khó khăn thêm.

 Thực tế thì nhiều trường hợp đã bị xử phạt hành chính 10-15 triệu đồng theo quy định tại Khoản 3 Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao tình trạng này vẫn tiếp diễn. Tác hại của tin đồn đã được nhắc đến nhiều lần nhưng vấn đề được đặt ra là làm sao để phong tỏa những tin đồn, tin giả. Dẫu đây không phải là một câu hỏi dễ trả lời khi vấn nạn tin đồn, tin giả hiện nay không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà tại nhiều nước thế giới. Vì thế một “bộ lọc” lúc này chính là người dân cần nâng cao cảnh giác, chọn lọc thông tin, không nên chia sẻ những thông tin chưa được xác thực, thiếu cơ sở. Chỉ nên nghe theo những thông tin chính xác từ các nguồn tin chính thống của các cơ quan chức năng. Để chung tay chống lại dịch bệnh, rất cần có sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, lên án những hành vi tuyên truyền thông tin sai sự thật, góp phần loại bỏ thông tin tiêu cực, xây dựng một không gian mạng lành mạnh, hữu ích cho xã hội. Với tinh thần được Thủ tướng đề ra: “Chống dịch như chống giặc”, thì trong bối cảnh hiện nay, mọi người cần tỉnh táo, đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan trước dịch bệnh, nhưng không quá hoang mang trước những tin đồn đang lây lan được ví như những con “virus” mang tên thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Nâng cao sức đề kháng trong mỗi người dân trước nạn “tin xấu độc” cũng là góp phần đẩy lùi đại dịch COVID-19.

Theo Việt Thắng

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam