Muốn chết đúng luật cũng không dễ

(Dân trí) - 3 lần lên “xin” làm giấy chứng tử cho con đều gặp phải những cái lắc đầu. Thậm chí giấy xác nhận của cơ quan công an cũng bị cho là “tầm bậy tầm bạ”. Câu chuyện vừa xảy ra tại Bình Dương, một địa phương đang nỗ lực “đạt mức hài lòng của dân từ 80% trở lên” cho thấy những ung nhọt trong bộ máy vẫn còn rất nhiều và còn tiếp diễn nếu ngay hôm nay, ngay trong sự vụ này việc xử lý không kiên quyết.

Muốn chết đúng luật cũng không dễ - Ảnh 1.

Câu chuyện xảy ra sau cái chết của em T.H.Y (12 tuổi) trong một vụ TNGT. Khi gia đình cầm giấy xác nhận của công an và giấy chuyển xác của bệnh viện lên phường làm thủ tục khai tử thì những cán bộ ở đây không nhận với lý do “hồ sơ làm không đúng, biên bản giao nhận nạn nhân không được đóng dấu treo”.

Lần thứ 2 đến phường, hồ sơ tiếp tục bị trả với yêu cầu phải có giấy tờ ký tên, đóng dấu của cơ quan chức năng.

Gia đình nạn nhân buộc phải đến Công an xin giấy với nội dung: “Nay, Công an TX.Tân Uyên xác nhận trường hợp TNGT của T.H.Y để gia đình cung cấp cho các cơ quan chức năng làm thủ tục chứng tử cho nạn nhân”.

Quá tam ba bận, ngày 18.12 khi gia đình mang hồ sơ ra phường làm thủ tục khai tử thì một lần nữa bị từ chối.

“Tôi hỏi lý do vì sao lại trả hồ sơ thì cán bộ nói giấy tờ làm tầm bậy tầm bạ” - lời gia đình nạn nhân.

Là dân trong tình huống “tang gia bối rối” mấy ai đã có kinh nghiệm khai tử, chứng tử. Nếu chẳng hạn hồ sơ giấy tờ chưa đủ, chưa chính xác thì cái họ cần là một sự hướng dẫn tận tình - chứ không phải là sự vô cảm đến tàn nhẫn như vậy.

Tháng 9 năm nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, phải “Thực hiện nghiêm việc xin lỗi, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định giải quyết thủ tục hành chính”.

Quyết tâm của Chính phủ không có gì phải bàn cãi. Chỉ có điều, những cán bộ “vác ô”, máy móc, thậm chí vô cảm trong bộ máy còn quá nhiều mà chuyện bệnh nhân ung thư phải đi lại hơn 250km vì hồ sơ “tóm tắt bệnh án” thiếu 2 chữ “hồ sơ” hay đến chuyện thủ tục khai tử hôm nay là những ví dụ.

Hành người sống. Hành cả người chết. Đâu mới là giới hạn cuối cùng của sự vô cảm?

Hồi tháng 8, Bình Dương ban hành kế hoạch triển khai Đo lường sự hài lòng của dân với mục tiêu “đạt mức hài lòng của dân từ 80% trở lên”.

Để mục tiêu ấy không chỉ có giá trị trên giấy, để dân không tiếp tục bị hành ngay cả trong những thủ tục như khai tử, có lẽ không có cách nào khác là phải loại ngay những cán bộ vô cảm, quan liêu sách nhiễu dân ra khỏi bộ máy.

Theo Anh Đào

Báo Lao động