Một phần cái giá của sự nổi tiếng

(Dân trí) - Là những người của công chúng, chẳng ai có thể tránh được tình cảnh gần như nhất cử nhất động của mình đều có thể bị dư luận đem ra mổ xẻ cặn kẽ tới tận chân tơ kẽ tóc. Phía này “bốc thơm” lên tận mây xanh, phía kia dập vùi xuống địa ngục...

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 
Chữ Tín
 
Những người nổi tiếng, đặc biệt là giới nghệ sĩ, chẳng ai có thể tránh được chuyện "trả giá" cho sự nổi tiếng của mình. Ở VN ta, nhất là trong tình cảnh giới showbiz Việt đang phải chịu nhiều điều tiếng như hiện nay, thì chuyện “được tiếng khen ho hen chẳng còn” xem ra cũng chẳng lấy gì làm lạ. Nhưng có lẽ điều khiến cho trái tim các nghệ sĩ – những người được cho là thường nhạy cảm hơn, dễ bị tổn thương hơn – đau xót nhất là bị người hâm mộ đặt những câu hỏi nghi vấn (nhiều khi có thể cũng rất oan uổng, nhưng ít nhiều chắc vẫn có phần đúng).

 

Chưa mấy lắng dịu sau vụ ca sĩ Siu Black “vỡ nợ”, dư luận lại dậy sóng với nhiều luồng phản ứng trái chiều với tình cảnh ngang trái khi tuổi đã xế chiều của nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín - ngôi sao từng khuynh đảo màn bạc một thời với vai Thành Luân trong serie phim rất ăn khách Ván bài lật ngửa.

 

Thời hoàng kim đó của Chánh Tín, do cũng làm trong ngành Điện ảnh nên chúng tôi có phần biết về ngôi sao này nói riêng, giới nghệ sĩ điện ảnh nói chung, hơn nhiều khán giả thời nay một chút. Bởi vậy cũng phần nào hiểu được vì sao người hâm mộ thời @ lại có những nhận xét khác nhau đến vậy với nghệ sĩ Chánh Tín. Xem ra đó cũng có thể coi như thông điệp chung gửi tới những “người của công chúng” hôm nay:

 

“Thần tượng của tôi đây sao?” – Xuan Nguyen:  xuannt@inoxnamtien.com

 

“Đọc những thông tin trên mạng gần đây về các nghệ sĩ của mình mà càng thấy buồn quá! Đã mang danh nghệ sĩ, là người của công chúng, hi sinh vì nghệ thuật... ấy vậy mà lại để cho những chuyện như thế này xảy ra? Đành rằng không ai muốn, nhưng mong các nghệ sỹ hãy suy nghĩ thật kĩ trước khi làm việc gì đó. Đừng để xảy ra chuyện rồi lại cầu tới lòng thương của người khác! Lẽ nào xử sự như thế, nghệ sĩ không cảm thấy xấu hổ sao?” - Trung:  thanhtrungtsk7@gmail.com

 

“Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng. Trong một con người có hai cái mất đi không bao giờ lấy lại được, đó là : sức khỏe và lòng tin (chữ TÍN). Nghệ sỹ này không biết thế nào mà có thể mất cả hai? Tiếc quá…!” -  Nguyễn Đức Thắng:  thangng616@yahoo.com

 

“Các nghệ sĩ là người của công chúng. Trong mỗi lĩnh vực, bằng khả năng của mình, các nghệ sĩ đã để lại sự thần tượng, sự ngưỡng mộ tài năng của họ. Và cuộc đời các nghệ sĩ cũng thường phất lên "ăn nên làm ra" để có cuộc sống mà biết bao con người ngoài xã hội phải ganh tỵ. Nhưng cũng từ những sai lầm trong kinh doanh bằng nghề tay trái rất "nghệ sĩ", mà nhiều nghệ sĩ đến cuối đời phải trả giá quá đắt cả về sức khoẻ và tài sản. Tôi cũng như các khán giả hâm mộ rất cảm thông và ngậm ngùi chia sẻ với các nghệ sĩ, mong rằng mọi khó khăn họ sẽ sớm vượt qua.

 

Trong cuộc sống, con người ta rất dễ mắc sai lầm. Nhất là khi tự cho mình tài giỏi, hoàn hảo. Không chỉ các nghệ sĩ mà nhiều người khác cũng cứ nhầm tưởng về mình (là giáo sư  hay chuyên gia…), nhưng khi dính vào chuyện làm ăn, kinh doanh trái nghề thì không khác gì… học trò dở. Họ thường trở nên lúng túng và không tìm thấy lối ra, tự đẩy mình vào bế tắc. Khổng Tử đã dạy rằng: Biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, thế mới là người biết. Mong rằng mỗi người chúng ta hãy hiểu biết về chính mình và làm những gì trong tầm kiểm soát để không "sai một li mà đi một dặm" - Lê Xuân Thuỷ: lexuanthuy1962@yahoo.com

 

“…Dạo này rộ lên nhiều tin nghệ sỹ mang nợ như thế… Vỡ nợ rồi nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng… Cứ nghĩ lẽ nào họ đã chôn lòng tự trọng của mình ở đâu rồi??? Lý do vỡ nợ của họ thì nhiều lắm, yếu tố tích cực hay tiêu cực đều có, nhưng theo tôi, có lẽ đơn giản là họ chưa biết trân trọng đồng tiền mà thôi? Người lao động chân chính là người dựa trên sức mình kiếm được đồng tiền và biết cách sử dụng đồng tiền mình kiếm được. Là người của công chúng như thế, tôi nghĩ họ càng cần ý thức hơn về những gì mình làm và tiêu những đồng tiền của mình như thế nào cho phù hợp.

 

Các vị hãy nhìn xem ngoài xã hội kia còn biết bao con người cần sự giúp đỡ, sẻ chia hơn nữa kìa. Có những người làm việc chăm chỉ, tích góp từng đồng cả đời chỉ để mua một chiếc xe máy… Nghe đến chuyện giới nghệ sỹ làm chi chi đó rồi dẫn đến vỡ nợ, phải lên báo đài “cầu cứu”, tôi thấy sao mà khó cảm thông cho họ. Xin lỗi trước là tôi không có ý khen chê, săm soi ai cả. Chỉ mong qua thực tế đó, những người hâm mộ chúng ta cũng nên suy nghĩ thật kỹ, đừng nên đặt lòng trắc ẩn một cách mù quáng… Cuối cùng cũng chúc nghệ sỹ Chánh Tín sẽ vượt qua lúc khó khăn này” – Thang Le: ledaithang89@gmail.com
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Sự thật mất lòng
 
Chê người thì dễ, nhưng nghe người khác chê mình bao giờ cũng khó khăn. Vấn đề là dù sự thật chỉ có một, nhưng cách khen hay chê nếu thái quá đều dễ phản tác dụng. Nên bày tỏ ra sao để người nghe dễ chấp nhận, mà người nói cũng không phải ân hận sau này. Qua đó thấy rõ được tình người, tầm văn hóa, nếp sống văn minh...

 

“Ở đời có vay - có trả là lẽ thường tình, vay mà không trả mới là không bình thường. Việc ta làm đúng hay sai, tự ta biệt rõ chứ chẳng thể chối bỏ cho ai… Nhạc sĩ Trịnh Công sơn đã viết: Trên hai vai ta đôi vầng Nhật-Nguyệt/Rọi suốt trăm năm một cõi đi về.... Làm sao để tới lúc đi về được thanh thản nhẹ nhàng mới là điều khó!” - Lê Nguyên:  nguyenq3@yahoo.com

 

“Có người sốt sắng giúp đỡ chú Chánh Tín, cũng có nhiều người có ý kiến trái chiều. Tôi không nói giúp chú là đúng hay không giúp là đúng, tùy vào điều kiện, tình cảm  và cách suy nghĩ của mỗi người thôi. Nhưng nếu mình không giúp người khác trong lúc khó khăn thì cũng đừng nên nói lời cay nghiệt làm chi. Tôi chỉ thấy chú nhờ báo để xin ngân hàng gia hạn tịch thu nhà. Còn vì tình cảm yêu mến, các nghệ sĩ hay người hâm mộ chắp phúc giúp chú vượt qua cơn hoạn nạn, đó là việc làm xuất phát từ trái tim mà...” – Nguyen Trang:  nguyentrang.hdvn@gmail.com

 

“Xem như nghệ sỹ Chánh Tín có một cơ duyên may mắn khi đứng trước nỗi khổ của mình. Điều có được của "hiện tượng Chánh Tín" này cũng cho thấy một phần giá trị nhân bản, tánh nhân hậu của người dân VN. Trước đây và hiện tại cũng đã có hàng ngàn hoàn cảnh bi thương do bệnh tật, nghèo đói ở nước ta được báo giới đưa tin, tuy nhiên "hiện tượng Chánh Tín" được “ưu đãi” như vậy vì phải nói là nổi lên nhất, phải chăng vì anh từng là sao điện ảnh?

 

Nếu ví báo giới như vị thần mang lại may mắn, thì chắc rằng xã hội ta không có những nỗi đau đớn, bất hạnh lặng thầm của bao người vô danh và cả những đứa trẻ mới chào đời. Xin cảm ơn báo giới, xin cảm ơn vị "thần tài" của những người khốn khổ! Cũng xin chia buồn với những ai chưa may mắn được báo giới ghé thăm! Âu cũng là Nhân duyên, Quả nghiệp! Cuối cùng, xin chúc mừng Chánh Tín đã được giảm nhẹ tình cảnh đôi chút!” -  Vô Thường:  sonhuynhb@gmail.com

 

Vâng, phản ứng nhiều chiều như vậy của dư luận có lẽ cũng là một phần cái giá của sự nổi tiếng, mà để giảm bớt gánh nặng “trả giá” cần sự chung tay sẻ chia từ cả người trong cuộc và ý thức chung của mỗi người dân khi bày tỏ quan điểm của mình.

 

Khánh Tùng