Mong lãnh đạo“vi hành”trên mạng để thấy nỗi lòng người dân

(Dân trí) - “Đọc bài viết của TS Đinh Thế Hưng và những ý kiến bàn thêm trên Diễn đàn Dân trí, tôi rất cảm kích vì thấy trong xã hội ta vẫn còn rất nhiều người quan tấm đến đời sống của những người dân lao động khốn khó”.

Mong lãnh đạo“vi hành”trên mạng để thấy nỗi lòng người dân - 1

Người phụ nữ mót ngô sau trận bão lụt (nguồn ảnh: internet)
 

Bạn đọc Lê Nhân chia sẻ: “Là một công nhân xây dựng giao thông tôi xin chia sẻ thêm những nỗi niềm của người lao động chúng tôi: đến bây giờ đã ngày 20/12(AL) nhưng chúng tôi vẫn chưa có tiền lương tháng 11+12/2011 để chi tiêu kịp thời phục vụ sinh hoạt cho gia đình chứ chưa nói gì là thưởng tết. Nhưng các quan chức trong những ngày này đang chờ quà biếu của các đơn vị; phong bao, phong bì vô số. Có những đơn vị không có tiền nhưng phải đi vay để kịp chúc tết các sếp cấp trên. Tại sao dân khổ, đường nhanh hư hỏng, nhà mau sập nát là bởi vì chất lượng công trình quá kém. Nhà nước đầu tư nhưng đưa vào công trình thực tế được bao nhiêu, điều này phải hỏi các nhà quản lý, các chủ đầu tư. Giá như đừng phải trích % hay phong bì phong bao thì chất lượng công trình đâu đến nỗi.

  

 Thực trạng dân nghèo hiện nay thật khổ. Đi chợ sắm tết thấy gia đình các quan chức mua sắm mà phát khiếp. Những người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu thì họ đã muốn về vì công việc quá vất vả, thu nhập thấp. Nhà nước cần quan tâm hơn đến những người lao động để giải quyết chế dộ cho họ hợp tình hợp lý hơn. Tôi là công nhân làm đường theo quy định nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi mới được nghỉ hưu còn nếu nghỉ trước phải trừ phần trăm. Công nhân làm ở những nơi xa xôi (Đường Hồ Chí Minh; Đường Trường Sơn Đông) khi đến tuổi về hưu thì không biết sống được bao lâu. Cực khổ lắm. Hãy quan tâm nhiều hơn đến người lao động, người dân ở vùng sâu vùng xa.”

 

Bạn đọc Hướng Dương:

 

Bài viết rất hay nhưng không biết có tác động gì tới các cơ quan chức năng không nữa. Sống một cuộc sống mà không biết sáng mai ngủ dậy có được bình an hay không thì thật khổ. Chuyện gì cũng đem so sánh với các nước phát triển nhưng có biết rằng sự so sánh đó quá lệch lạc hay không, kiểu như so sánh "không cùng đơn vị" vậy. Chào ngày mới với nhiều tin tức nổi cộm: cháy xe máy, đột ngột tăng giá điện, xăng kêu lỗ, phí giao thông, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng...thuế chồng lên thuế. Vậy mà lương thì vẫn đứng im, sao không ai đem đi so sánh đi. Đến khi nào việc tăng lương mới thực sự có ý nghĩa mà không phải là tăng lương để bù trượt giá?

 

  Bạn đọc Mạnh Hà:

 

Có một bài vè dân gian từ những năm 80 của thế kỷ trước nhưng tới bây giờ nó vẫn còn mang tính thời sự (chỉ có câu đầu không còn sát thời nay). Bài vè đó như sau: “Thứ nhất là loạn Quốc ca (hồi đó thi Quốc ca); Thứ hai loạn gíá ; Thứ ba loạn tiền (Đồng tiền lạm phát); Thứ tư buôn chức, bán quyền; Thứ Năm buôn lậu, chích, nghiền xì ke; Thứ Sáu loạn hội, loạn hè; Bẩy,Tám loạn Híp (HIV, AIDS) cùng nghề mại dâm; Chín loạn trôm, cướp… lưu manh; Mười loạn tham nhũng, quan tham lộng hành”

Dù đến nay, đất nước ta đã phát triển đáng kể so với giai đoạn ra đời bài vè này, nhưng dân ta vẫn phải sống bất an trong cảnh “loạn” nhiều thứ nói trên. Đấy là thực trạng cần nhìn thẳng và nói thật để các cấp lãnh đạo và quản lý đất nước thấy rõ những điều bức bối của người dân để quyết tâm  cùng nhân dân tìm cho ra biện pháp đẩy lùi bằng được thực trạng đó !

 

 

Bạn đọc Phạm Xuân Giang:

 

“Bài viết quá hay và quá đúng với thực tế! Chưa kể đến việc tiêu dùng, mua sắm mà ngay cả việc chúng ta hàng ngày sống phải hít thở, phải ăn và phải uống nước. Nhưng thực sự là liệu chúng ta có thể biết được mình đang hít vào những khí ô nhiễm nào? Uống nước có những chất độc gì trong đó? Và ăn những thứ gì? Rau thì nào là phun thuốc kích thích, thuốc trừ sâu…Thịt lợn thì có bao nhiêu vụ bắt được xe chở thịt đang trong quá trình phân hủy (còn những xe không bị bắt thì sao???) cá thì ướp phân đạm cho tươi lâu….tôm thì có thuốc kháng sinh và liệu có được nuôi ở vùng nước không ô nhiễm?? Tóm lại là không thể biết được những loại độc dược gì chúng ta đang nạp vào cơ thể thông qua đường ăn uống…

    Tôi từng sống ở Nhật, siêu thị bán đồ không đảm bảo bị phát hiện, chủ tịch tập đoàn bán lẻ đó phải đến tận nhà xin lỗi và bồi thường cho dân nếu không hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng sẽ cho ra tòa. Người lái tàu lái ẩu gây tai nạn, tổng giám đốc tập đoàn đường sắt phải đến tận nhà các nạn nhân để cúi gập mình xin lỗi (bồi thường thì đương nhiên rồi)…Còn chúng ta, thời gian gần đây do chất lượng xăng không bảo đảm, đấy là yếu tố đáng quan tâm đầu tiên gây ra bao nhiêu vụ cháy nổ xe máy làm thiệt hại bao nhiêu tiền bạc của của người dân; kinh hoàng nhất là lấy đi tính mạng của 3 mẹ con làm xôn xao dư luận, nhưng có thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm không? Có ai xin lỗi dân không? Hay vẫn là “hãy là những người tiêu dùng thông thái” “người dân hãy tự bảo vệ chính mình”?? nghe mà thật nực cười! Vậy thì các cơ quan chức năng ngồi nhìn thôi sao? Sinh ra bao nhiêu cơ quan chức năng và cả cái “hội bảo vệ người tiêu dùng” để làm gì? Cứ ngồi đó và bảo dân là “sao lại toàn mua hàng rởm vậy, hãy là người tiêu dùng thông thái đi”; thử hỏi thông thái thế nào khi các ông để hàng rởm tràn lan, thật giả lẫn lộn. Vậy thì người dân cần gì đóng thuế để nuôi các quý vị, tự mình làm được hết rồi mà.”
 

Bạn đọc Trần Trà Đoàn:

“Ngoài những  ý kiến bạn đọc đã góp ý tôi còn thấy sợ về sự xuống cấp của nhân cách con người thời nay quá. Phải chăng trong xã hội còn nhiều tiêu cực? Cuộc sống thường ngày đầy rẫy những vụ án dâm dật, dã man và vô nhân đạo, nào là:  ông hiệu trưởng mua dâm học trò, cô nữ sinh giết người tình bằng tuổi bố, cậu sinh viên giết người tình man rợ, vợ chồng đầu gối tay ấp thản nhiên đổ xăng vào người chồng rồi đốt sống; mẹ cùng ba chị em gái có trí thức đánh bố tàn nhẫn; cha mẹ đánh con dứt ruột đẻ ra đến chết rồi vứt xác xuống sông; bảo mẫu hành hạ trẻ em tàn nhẫn, cô giáo lấy băng keo dán vào miệng trẻ, vợ chồng ông chủ tra tấn người giúp việc như thời trung cổ, nữ sinh thì đánh nhau và lột áo giữa đường như cơm bữa. Tội phạm ngày càng “trẻ hóa”, một cậu thanh niên giết chết bà chỉ nhằm lấy tiền mua con gấu bông tặng bạn gái. Một thanh niên chưa đầy 18 tuổi đang tay giết hại cả một gia đình chủ tiệm vàng để cướp của. Cùng đồng loại với nhau mà thấy người phu gỗ dãy dụa chết không lo cứu chỉ lo chạy thoát trách nhiệm và lao lý. Đồng tiền và các loại văn bằng thi nhau lạm phát, ăn uống cái gì cũng sợ, mua cái gì cũng lo là hàng rởm…… lòng tin nơi con người bị đánh mất.

Tết này nếu không đốt pháo hoa ở các đô thị và bớt trưng cây cảnh đắt tiền các cơ quan công quyền để chia sẻ với những hoàn cảnh nghèo khó quanh ta thì sẽ rất có ý nghĩa và rất được người dân nhiệt tình hưởng ứng.” 

Bạn đọc Anna:

Sống ở nước ngoài, tôi thấy Tết dương lịch vừa rồi, chính quyền Đan Mạch cũng không tổ chức bắn pháo hoa ở thủ đô Copenhagen. Chỉ có người dân tự phát mang pháo hoa ra dốt cùng nhau cho vui thôi. Tôi thấy đất nước phát triển như Đan Mạch còn không “chịu chơi” bằng Việt Nam mình đó. Dân ở đây cũng rất có ý thức tiết kiệm, chịu khó đi săn hàng cũ, cứ thứ 7, chủ nhật hàng tuần là các chợ cũ đông nghìn nghịt, họ đến đây mua đủ các thứ; giày dép, quần áo, nồi niêu xong chảo, vật dụng gia đình...nhất là đồ trẻ con vì họ cho rằng trẻ con rất mau lớn, mua đồ mới thật lãng phí. Các gia đình cũng chịu khó mang đồ không dùng  đi bán, nhiều khi rẻ như cho, nhưng họ nghĩ rằng mình không dùng thì để người khác dùng chứ bỏ đi thật phí. Có lẽ vì vậy mà dân họ giàu, nước họ mạnh chăng? Đấy có phải là bài học đích đáng cho dân mình hay không?!

 

Nguyễn Quốc Trinh:

Tôi thấy đi đâu cũng thấy khẩu hiệu: Thuế là phục vụ lợi ích của Nhân dân. Nhưng chẳng thấy khẩu hiệu: "Chúng ta nhận lương từ tiền thuế của nhân dân" ở các nơi làm việc của các cơ quan công quyền Nhà nước. Nếu có khẩu hiệu như vậy, người dân khi đến các cơ quan công quyền cảm thấy tự hào về đồng tiền đóng thuế của mình được sử dụng tốt; người làm ở các cơ quan công quyền thấy rõ trách nhiệm phục vụ nhân dân và không còn hành dân nữa...

 

Bạn đọc Nguyên Dân:

 Tôi đề nghị Báo Dân Trí lập một hộp thư để người dân biểu quyết về việc không bắn pháo hoa Tết này và gửi kết quả biểu quyết lên cơ quan có thẩm quyền. Số tiền tiết kiệm được do không bắn pháo hoa đề nghị gửi giúp các cháu HS miền núi chống rét như nhiều bạn đọc đã nêu...và tôi xin thêm 1 câu : "đề nghị gửi đến tận tay các cháu HS vùng cao. Đừng tổ chức các cuộc đi trao quà rầm rộ, đưa tiền cho các cấp chính quyền rồi lại bị bớt xén, tham nhũng..."

 

LTS Dân trí - Trên đây là những ý kiến nói thẳng, nói thật của người dân và  mong muốn các vị lãnh đạo cố gắng bỏ chút thời gian “vi hành” trên mạng để thấy được nỗi lòng người dân về những điều bức xúc gây nên sự bất an trong đời sống tinh thần cũng như cuộc sống thường nhật của người dân.

    Thiết nghĩ cuộc “vi hành” đó có khi còn hiệu quả hơn “vi hành”

trong thực tế vì lãnh đạo cấp trên không bị các cấp trung gian bố trí trước nơi đến thăm cũng như bố trí trước cả người phát biểu, cho nên cấp trên toàn được nghe “những lời hay ý đẹp”, không thấy được cuộc sống thực và nỗi lòng trăn trở của người dân.