Mới cũng chết, cũ cũng chết nếu không có tầm và tâm

(Dân trí) - Thương trường khốc liệt chẳng kém chiến trường. Làm kinh tế có tâm mà không có tầm nhìn cũng chết, có tầm nhìn mà không có tâm cũng chết, mà vừa không có tầm, lại không có tâm, đặt lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm lên trên lợi ích của đất nước thì cầm chắc cái chết đầu nước.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Mới cũng chết...

Nhiều người chúng ta vẫn thường quan niệm, “đắt xắt ra miếng”, mua hẳn hàng mới cho đáng đồng tiền bát gạo, nên trong thời gian qua trên con đường hiện đại hóa chúng ta đã bạo tay đầu tư nhiều công trình mới nhưng than ôi, hiệu quả thực tế một số công trình không như chúng ta muốn:

Để thực hiện dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2, năm 2007 Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) chọn nhà thầu Trung Quốc (MCC) xây dựng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn hai. Ký hợp đồng xong, MCC được TISCO tạm ứng trên 35 triệu trên tổng giá trị hợp đồng khoảng 160,8 triệu USD. Tuy nhiên chỉ sau một năm, MCC yêu cầu tăng giá hợp đồng thêm hơn 298 triệu USD, tức hơn gấp đôi so với tính toán ban đầu. Đến năm 2012, khi phía VN gặp khó khăn về vốn, nhà thầu Trung Quốc đã quyết định... rút nhân viên về nước. Thế là dù đã giải ngân hàng ngàn tỉ đồng, hàng ngàn tấn thiết bị của Gang thép Thái Nguyên phải nằm phơi mưa nắng. Chủ đầu tư khi đó cũng khó thuê nhà thầu khác vì phía nhà thầu Trung Quốc chưa chuyển giao phần quan trọng nhất là... thiết bị điều khiển. Chậm tiến độ đến gần 5 năm, việc này đang khiến Nhà máy Gang thép Thái Nguyên thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng mỗi tháng.

Việc đó khiến chúng ta ngoái nhìn lại dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông . Dự án này, ban đầu có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD bao gồm vốn vay ODA của Trung Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam. Sau một thời gian thi công, đến đầu năm 2014 dự án được các bên liên quan đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 522,86 triệu USD lên 868,04 triệu, tăng gần gấp đôi so với ban đầu. Theo dự kiến công trình này phải hoàn thành vào năm 2015 nhưng đến nay đã chậm tiến độ gần 1 năm. Khối lượng thi công dù đã được bàn giao nhưng tổng thầu không thanh toán cho các thầu phụ khiến số dư nợ hiện rơi vào khoảng hơn 300 tỷ đồng. Công trình đang trong giai đoạn nước rút với những yêu cầu cấp bách về tiến độ, nhưng Tổng thầu Trung Quốc vẫn cố tình kéo dài thời gian hoàn thành. Chuyên gia giao thông TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: "Ở đây, rõ ràng, việc chọn nhà thầu không những là vấn đề năng lực, mà còn là cả vấn đề ý thức, đạo đức nghề nghiệp, tính tổ chức, kỷ luật trong quan hệ với đối tác. Nhà thầu Trung Quốc tất cả các yếu tố đều yếu kém, nhất là đối với quan hệ quốc tế. Một nhà thầu quốc tế thể hiện như vậy là trình độ quá thấp cả về đạo đức nghề nghiệp, cũng như năng lực chuyên môn. Cho nên, việc chọn nhà thầu trong dự án này là sai lầm". ĐB Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng trước bài học “đắt giá” từ dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội, tuyến Hà Đông – Cát Linh cũng đánh giả: “Không hẳn do kinh tế khó khăn nên chúng ta ham rẻ mà ở đây là do tầm nhìn hạn chế. Ở đây, chúng ta thấy rẻ trước mắt đấy nhưng liên tục phải bỏ vốn thêm ra 2, 3 lần như thế.”

Hai công trình trên cho thấy việc chọn nhà thầu không tử tế là tự rước họa vào mình. Nhưng có doanh nghiệp biết vậy mà vẫn cứ lăn vào làm. Điển hình là Tổng Công ty nước sạch Vinaconex xây dựng tuyến đường ống nước Sông Đà do Tổng Công ty làm chủ đầu tư có số vốn khoảng 1.500 tỷ đồng, từ năm 2012 đến nay, đã 17 lần vỡ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của 70.000 hộ dân ở Hà Nội. Nguyên do là Tổng Công ty này đã dùng ống cốt sợi thủy tinh để dẫn nước, trong khi các nhà khoa học và quản lý nước ta đã khuyến cáo không nên dùng. Kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải) cho rằng: “việc đường ống nước sạch sông Đà vỡ là điều đã được dự báo trước, không có gì bất ngờ. ở các nước tiên tiến trên thế giới, đường ống dẫn nước sinh hoạt đều không áp dụng công nghệ vật liệu làm bằng sợi thủy tinh như tại dự án cấp nước mặt sông Đà do đường ống sợi thủy tinh chất lượng kém.” Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng cho biết: “Trong sản xuất vật liệu thi công các công trình, chủ đầu tư thường sử dụng công nghệ Trung Quốc. Công nghệ Trung Quốc thường lạc hậu nhưng rẻ. Sự cố ống nước sông Đà không ngoại trừ khả năng, vật liệu thi công từ công nghệ Trung Quốc không đạt chuẩn, quá trình thi công không giám sát… dẫn đến chất lượng kém.” Tuy vậy, Tổng Công ty nước sạch Vinaconex bỏ ngoài tai hết tất cả những lời khuyến cáo, cứ chọn Trung Quốc là đối tác chuyển giao thiết bị và công nghệ ống sợi thủy tinh này, lại còn thuê một chuyên gia Trung Quốc sang ở tại nhà máy công ty để kiểm soát quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm từ năm 2005 đến 2007. Kết quả nhãn tiền là 17 lần liên tục bị vỡ ống. Những tưởng sau sự cố này, Tổng Công ty nước sạch Vinaconex cảnh giác với trình độ và lề lối làm ăn của Trung Quốc, nào ngờ, khi được trao cho gần 5000 ngàn tỷ đồng để làm ống dẫn nước bằng gang dẻo, thay thế ống sợi thủy tinh lại vẫn ưu ái cho đối tác Trung Quốc, chọn công ty Xinxing (Trung Quốc) làm chủ thầu dự án này với lời ca ngợi rằng Công ty Xinxing là doanh nghiệp có uy tín trên thế giới và có 20 năm kinh nghiệm về sản xuất các ống kích thước lớn, năng lực tài chính tốt và đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, bỏ ngoài tai khuyến cáo của Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) rằng: “... Theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng ống gang dẻo của nhà thầu tại một số dự án thực hiện tại Việt Nam chưa làm hài lòng khách hàng. Một số thông tin khác từ khách hàng trên thế giới cũng không hài lòng với sản phẩm ống gang dẻo của Xinxing”.

...mà cũ cũng chết

Cũng có những người cho rằng “cũ người mới ta”, trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo, mua cái cũ mà vẫn dùng tốt thì cũng có thể mua.

Nhưng thực tế đâu phải như vậy. Chúng ta đã ăn phải quả đắng khi Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines đi mua ụ nổi cũ, Công ty Nakhodka (Liên bang Nga) là chủ sở hữu đưa ra giá là dưới 5 triệu USD. Lãnh đạo Vinalines vẫn chỉ đạo không mua trực tiếp của Công ty Nakhodka, mà mua qua Công ty AP – Singapore với giá mua là 9 triệu USD khi Công ty Nakhodka và Công ty AP ký hợp đồng chuyển quyền sở hữu ụ nổi 83M cho nhau giá trị thực chỉ có 2,3 triệu USD. Choáng là ụ nổi 83M giá thực 2,3 triệu USD, Vinalines bỏ 9 triệu ra mua, đem về để bỏ đi không sử dụng được.

Có phải định đi theo vết xe đổ của Vinalines mua ụ nổi cũ hay không mà đầu tháng 2 vừa qua, báo chí lại phát hiện ra với bút phê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nhất trí chủ trương mua tàu cũ của Trung Quốc, mà việc chấp thuận giá cả của lô tàu cũng đã được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định bằng văn bản, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội xúc tiến mua lại hơn 160 toa xe cũ từ Trung Quốc, trong đó có tới 120 toa được đóng từ hơn 20 năm trước, còn gần 20 toa mới nhất trong lô hàng cũng đã có tuổi đời 12 năm. Sau khi vụ việc mua tàu cũ bị phanh phui, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty ĐSVN Trần Ngọc Thành đã khẳng định: “Tôi là người quyết định cao nhất của Tổng Công ty và phải có ý kiến của tôi thì mới được mua tàu, nhưng tôi hoàn toàn chưa được báo cáo về việc mua tàu của Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội”. Ông Thành còn cả quyết: “Tàu sử dụng 1 năm cũng không đồng ý cho mua chứ đừng nói là đã qua sử dụng 20 năm”. Nhưng mọi người thấy ngược lại với lời nói trên khi văn bản có bút phê của chính ông lại đồng ý chủ trương mua tàu cũ của Trung Quốc.

Mới cũng chết, cũ cũng chết nếu không có tầm và tâm - 2

Những chuyện trên cho thấy thương trường khốc liệt chẳng kém chiến trường. Làm kinh tế không có tầm nhìn cũng chết, có tầm nhìn mà không có tâm cũng chết, mà vừa không có tầm, lại không có tâm, đặt lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm lên trên lợi ích của đất nước thì cầm chắc cái chết đầu nước.

Nguyễn Đoàn