Bạn đọc viết:

Miên man nỗi nhớ mùa hoa gạo

(Dân trí) - Thế là chúng ta sắp chia tay những ngày xuân với những đợt mưa bụi, mưa bay trong niềm luyến tiếc. Ngoài kia từng vạt nắng đang trở nên vàng ươm, sóng sánh rót xuống vạn vật, gợi nhớ trong ta mùa hoa gạo, đưa ta trở về với miền ký ức tuổi thơ…

Miên man nỗi nhớ mùa hoa gạo

 

Loài hoa với cái màu hoa đỏ rưng rức mà chỉ thoáng nghe qua thôi, cũng đủ để những người con xa quê thổn thức nhớ về miền ký ức tuổi thơ.

 

Không rõ cây gạo có từ bao giờ. Tự sinh sôi hay có bàn tay con người vun trồng. Chỉ biết từ lâu lắm nó đã gắn bó với làng quê đất Việt, mặc cho vật đổi sao dời vẫn trầm mặc nghiêng bóng cùng thời gian.

 

Cả mùa đông, thân gạo già gầy trơ khấc, không một chiếc lá. Gạo đứng im lìm phơi sương gió tưởng như sức sống trong cây đã cạn. Thế rồi khi mùa xuân về kéo theo mưa bụi bay nhè nhẹ, rồi đến cái nắng vàng mật ong rót xuống, gạo như bừng tỉnh dậy, dồn sức sống lên đầu cành thành cơ man nào chồi và nụ. Hình như cả quãng thời gian khắc nghiệt mùa đông, gạo âm thầm vươn rễ, chắt chiu dòng nhựa sống để đến mùa xuân dành trọn cho lộc và hoa.

 

Khác với muôn hoa chìm khuất trong lá, hoa gạo nổi bật trên cành bạc trắng, trên nền trời “thiên thanh” và cỏ cây rợp xanh. Nó nở trong sự chông chênh, hoang sơ bên các triền đê, doi đất và sông nước mờ ảo sương khói. Từng cánh hoa to mềm mại bung nở thành chùm giống như lẵng hoa khổng lồ cao vời vợi, đỏ rực một vùng mà dẫu đứng xa cả cây số vẫn nhìn thấy.

 

Đóa hoa trên tầng cao chót vót chỉ rụng xuống lúc cuối ngày hay khi gió giật. Mà ngay cả khi rụng nó vẫn kiều diễm, tươi giòn. Có điều lạ, hoa gạo không rụng thì thôi, chứ đã rụng cũng thật lãng mạn. Từ trên cao buông xuống, nó xoay tròn như cái chong chóng hạ thấp dần, thấp dần...

 

Chính vì sức hút diệu kỳ đó mà người ta bảo hoa gạo đẹp hiền dịu, chân tình, cứ lặng lẽ một góc trời không gọi mà thành gọi, không vẫy mà thành níu kéo bao ánh mắt mê mẩn… Làm mỏi bao cánh cánh chim trời, ong bướm và không biết bao nhiêu lần đi vào thơ ca, kết thành những giai điệu âm nhạc, trở thành hành trang cho những người con xa quê vơi bớt nỗi nhớ nhung ...

 

Có lẽ chỉ những người con bước chân ra đi từ các miền quê nghèo mới hiểu được đến tận cùng và nhớ đến mênh mang loài hoa mộc mạc này. Bởi không biết tự bao giờ, trong tâm thức của những người xa quê, hoa gạo là một biểu tượng của nơi chôn rau cắt rốn, để ta hối hả quay về “nhận mặt” quê hương sau chuỗi ngày xa cách...

 

Minh Tư
(Phòng Tổ chức cán bộ, trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao  Hà Nội)