"Makeno" với những người đẹp “thiếu vải”, tại sao không?

(Dân trí) - Mấy ngày nay, hầu như tất cả các báo, từ báo mạng đến báo viết đều đưa tin một “khách không mời” với trang phục “xuyên thấu” bước trên thảm đỏ lễ khai mạc Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội. Nhiều câu hỏi đặt ra và cũng lại có những đề nghị xử lý…

(minh họa, nguồn: DanViet.com)
(minh họa, nguồn: DanViet.com)

 

Thông qua các bài viết trên báo, tôi nghĩ có lẽ đến những bạn đọc ít quan tâm nhất tới những người được gọi là đẹp, đến giới biểu diễn…cũng cảm nhận rõ độ nóng qua nhiều bức xúc của dư luận với những “pha” bị cho là rất phản cảm, trái thuần phong mỹ tục như vậy.

 

Nhiều câu hỏi đặt ra: Không mời, sao cho vào? Không mời nghĩa là “khách chui”, nhẽ ra chỉ có thể… chui vào một hàng ghế nào đó để… nhìn chui những gì diễn ra trên sân khấu…Nhưng ở đây ngược lại, “khách chui” đàng hoàng bước trên thảm đỏ cùng nhiều khách chính hiệu và “chính chủ”, khoe mình trước các thể loại ống kính dưới nhiều góc độ khác nhau, nhiều vị trí khác nhau trước nhiều trăm cặp mắt của cả khách trong nước và quốc tế.

 

Rồi ngay lập tức, những tấm hình ấn tượng, không kém đẹp (ở góc độ “phó nháy”) được tung ra đăng tải trên các  phương tiện truyền thông, chủ yếu là của Nhà nước. Thế là sao? Và bây giờ, không phải lần đầu, người người đề nghị xử lí, phạt nọ phạt kia…Những người có trách nhiệm giở các loại văn bản…và kết luận: không phạt được.

 

Đúng! Muốn phạt một người, đâu dễ.

 

Trang phục không có lỗi

 

Ai cũng quá biết, trang phục (hay là cái để khoác lên người) có đời sống lịch sử muộn hơn nhiều so với sự xuất hiện của con người. Đến bây giờ, ở đất nước còn nghèo như Việt Nam, dân chúng cũng ít còn phải lo đến cái mặc. Với khá nhiều người Việt hiện nay đã không còn khái niệm “ăn chắc mặc bền”, mà phải hàng hiệu. Hàng hiệu Pháp, Anh, Ý… phải thật mốt, phải là mốt Thu - Đông 2012…v.v..và v..v…

 

Thế nào là đẹp, thế nào là mốt? Có bàn luận đến năm 3012 cũng chưa hết. Bàn làm gì trong khi còn nghìn thứ cấp thiết hơn nhiều. Tỉ dụ như làm sao cho phim Việt thu hút được nhiều người Việt xem thay vì suốt ngày xem phim Hàn, phim TQ ngay trên chính các kênh tivi nước mình.

 

Thật quá mất thì giờ khen chê cách ăn mặc, trang phục, cả lời ăn tiếng nói của ca sĩ này, diễn viên kia, người mẫu nọ rồi siêu mẫu kia…Vô tình hay hữu ý, chính các phương tiện truyền thông đã PR cho họ, mà họ không phải mất một xu. Rồi cũng chính báo chí phong cho họ những danh hiệu “Diva”, “Siêu mẫu”…làm không ít người, nhất là các bạn quốc tế (có lẽ) phải… giật mình.

 

Phải chăng có ba thứ đó báo mới bán được, báo mới có người đọc? Dư luận đã hơn một lần nói đến chuyện “cải hóa” của không ít tờ báo. Khốn thay, nếu được như mấy tờ Lá Cải hay Con Vịt của mấy nước phương Tây thì tốt quá. Đằng này, có lẽ chỉ nên gọi là…Lá Lá.

 

Mackeno!

 

Hãy thử, từ nay trở đi tất cả các phương tiện truyền thông coi như không nghe, không thấy, không biết, không đưa tin (tóm lại là... Makeno - Mặc kệ nó!) về ba cái vụ “lộ hàng” xem sao. Người viết bài dám chắc HQ hay HH gì cũng… oải. Không nói, không viết, không bàn luận… có khác nào coi như không có trên đời này, thì còn khoe với ai? Tất nhiên vẫn còn nhiều chỗ để khoe, còn nhiều người ngưỡng mộ để khoe. Ai cấm khoe cái đẹp (chí ít họ cho là đẹp)?

 

Theo tôi, có lẽ cũng nên có không gian cho những người… thích "thiếu vải". Chúng ta đã trải qua một thời mà khi ra đường vào những ngày đông giá lạnh, thấy ai ai cũng áo bông xanh. Rồi đến một độ, ai ai cũng áo lông Đức (Cộng hòa Dân chủ Đức). Mùa hè, mùa thu, ai ai cũng áo bay (Liên Xô)…đơn điệu, nhàm chán.

 

Bây giờ, phong phú, đa dạng vì nhờ đổi mới. Ăn mặc, trăm hoa đua nở. Đẹp, bao giờ chẳng tốt, chẳng quí. Có người dở hơi mới không thích đẹp. Mặc là sở thích cá nhân. Miễn là ra đường đừng cởi trần, đừng mặc quần đùi, đừng mặc… những thứ mà trông như không mặc gì cả….

 

Với giới biểu diễn, hình như ở đâu cũng là những người ưa tự do nhất. Tuy vậy, nhìn sang các quốc gia được xem là tự do nhất, trên những sân khấu lớn, trên truyền hình, trong những buổi biểu diễn mang tính quốc gia, họ ăn mặc thế nào? Xem ra trong những không gian, hoàn cảnh như trên, có không ít người trong giới biểu diễn Việt trên đất nước Việt Nam là những người tự do nhất, tự cho mình là nhất quả đất.

 

Nhiều lúc trên sân khấu, nhưng chắc họ tưởng như trong… phòng riêng nhà mình. Người đẹp, người mẫu/siêu mẫu, ca sĩ/nghệ sĩ mà như thế thì… nói theo cách dân dã là “văn hóa lùn”. Cũng thật đáng thương….thay! 
 
Nhưng để đỡ phí những ca sĩ, người mẫu thích khoe thân hình khi biểu diễn (vì chắc cũng có không ít khán giả thích chiêm ngưỡng cái đó hơn là nghe), nên chăng các cấp quản lí cho phép họ được biểu diễn ở những không gian nhất định (không quay phim, chụp ảnh, càng không tung lên truyền hình, lên báo chí). Như thế thể hiện tôn trọng nhân quyền (đúng Pháp luật), thêm nhiều “sân chơi”, các bên đều có lợi.
 
Đồng thời, dứt khoát không cấp phép cho họ biểu diễn ở những chỗ khác để đảm bảo giữ cái đẹp chung, cái đẹp trong Chân-Thiện-Mỹ.

 

Giang Sơn