Phiếm đàm

Mặc kệ người ta tin, dân không tin

(Dân trí) - tỉ lệ người dân hài lòng và rất hài lòng với dịch vụ hành chính công tại ba tỉnh Thanh Hóa, Phú Thọ và Bình Định đều trên 80 %

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Tôi thực sự ngạc nhiên và cảm động khi thấy bạn tôi bảo hai đứa con trai: “Hôm nay, một đứa đi cày, còn một đứa lên Ủy ban xã lấy giấy tờ quyết định giao đất.” Hai đứa tranh nhau việc đi cày.

Ngạc nhiên vì đi cày là lao động nặng nhọc. Trời hôm nay lại nắng nóng, thửa ruộng rộng, công việc này chắc mẩm phải hết ngày mới xong. Còn lên Ủy ban xã lấy giấy tờ quyết định giao đất thì là công việc nhẹ nhàng, thoắng cái xong, thế mà hai con ông ấy, đứa nào cũng tranh nhau đi cày, tức là tranh phần việc vất vả khổ cực khổ về mình, nhường việc nhẹ nhàng cho nhau. Tình anh em thương yêu nhau đến thế, bảo sao không cảm động.

Về nhà, tôi kể chuyện này để giáo dục các con noi gương tình cảm anh em của hai đứa con ông bạn. Nghe xong, con tôi cười khí khí…Tôi lườm: “chúng bay cười cái gì?”. Con tôi bảo: “Các anh ấy tranh nhau việc đi cày là tranh nhau giành lấy việc nhẹ đấy, bố ạ. Việc lên Ủy ban mới là việc nặng nhọc. Bố tưởng chỉ có mỗi giấy tờ giao đất, ủy ban đã có quyết định giao đất rồi thì thủ tục chỉ khoảng mươi ngày là cùng chứ  gì? Không có chuyện đó đâu. Họ sẽ hẹn ngày nọ ngày kia quay lại lấy, nhưng khi đến lại viện lý do này khác để nói là chưa có. Một tháng mà có được giấy là nhanh, bố ạ. Nhà ông X trong làng, chạy giấy tờ một năm mà còn chưa có kia. Ông ấy được bà ngoại để lại cho mảnh đất, số sách đứng tên bà ngoại.. Giờ chỉ có sang tên hoặc làm thừa kế thôi, vậy mà cán bộ xã ngoài yêu cầu phải có chữ ký đồng ý của bà ngoại, con cháu, hàng xóm, còn đòi hỏi phải có chữ ký ông cố ngoại, bà cố ngoại, khiến bà ngoại và anh em con cái ông X hơn 1 năm trời chạy đôn đáo ngược xuôi mà vẫn chưa sang được tên.

Tôi ngạc nhiên:

- Lâu thế cơ à? Vất vả thế cơ à?

Con tôi bảo:

- Một năm đã ăn thua gì. Nhà ông Y ở xã ta mua đất từ năm 2009 đến bây giờ, tốn bao tiền cho địa chính xã. Đã gần 6 năm qua rồi, vị cán bộ địa chính này vẫn chưa làm sổ đỏ cho . Mục đích kéo dài để gia đình ông Y phải đi lại, phải tiền, phải quà cáp. Ăn tiền của người mua đất rồi, vậy mà mỗi lần hỏi đến làm xong sổ đỏ chưa, cán bộ địa chính này lại tỏ thái độ khó chịu.

Tôi lắc đầu:

- Hành chính cấp xã nhiều nơi nhũng nhiễu quá. Dân ở nông thôn khổ thật, không sướng như dân trên trên tỉnh, thành phố.

Lũ con tôi ôm bụng cười:

- Hé hé… bố lại nghĩ sai rồi. Dân tỉnh, thành phố cũng khổ về hành chính công như dân nông thôn chúng ta thôi, thậm chí còn khổ hơn nữa kia. Con được biết chuyện thật trăm phần trăm về một ông ở thành phố nọ, đến sở KH ĐT chỉ để xin cấp lại giấy phép kinh doanh thôi, không phải là xin cấp mới đâu nhé, thế mà cũng phải đi lại tới 8 lần. Lần 1: ông ta đưa đơn làm theo mẫu: Phụ lục II-14, Thông tư số 01/2013/TT-BKH ngày 21/01/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhưng không được nhận vì lí do: Chưa chuẩn vì trong nội dung đơn ghi thừa “chi nhánh văn phòng đại diện” . Về, lần 2 đến: Văn phòng 1 cửa của sở KH ĐT mất mạng, nên nghỉ không làm việc, ông ta lại không nộp được. Lần 3 đến: Chữ kí của chủ doanh nghiệp không phải chữ kí trực tiếp là chữ kí dấu, nên không chấp nhận Lần 4 đến : Nộp được. chờ 7 ngày sau đến lấy kết quả. Lần 5 đến lấy , vẫn chưa có kết quả và được trả lời các chữ kí của người sáng lập không đúng chữ kí lần đầu tiên đăng kí.Về bổ sung. Lần 6 đến: Về làm thủ tục xác nhận chữ kí tại tư pháp phường về chữ kí, đến bổ sung hồ sơ tiếp. và làm công văn thay đổi chữ kí do lâu ngày kí không giống ban đầu. Lần 7 đến: Công văn cam kết chưa đầy đủ do thiếu câu chữ: " Doanh nghiệp cam đoan không cầm  Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đi cầm cố, thế chấp" Về bổ sung tiếp rồi nộp lại. Lần thứ 8, ông ta phải nhờ người cầm hồ sơ, trong có kẹp phong bì tiền mới lấy được.

Tôi mắt chữ A miệng chữ O:

- Thế sao khi ông ta nộp hồ sơ, nhân viên kiểm tra không nói gì, nhưng đến ngày hẹn đến lấy thì lại nói thiếu cái này cái kia, làm cho ông ta lúc đó mới đi bổ sung mà bổ sung tới 5 lần bẩy lượt. Bố không thể hài lòng về hành chính công như vậy!

Con tôi lắc đầu:

- Cái này thì bố phải lên đó mà hỏi cơ quan đó, nhưng cẩn thận không lớ sớ lên đấy, bố lại bị người ta mắng cho, vì Bộ Nội vụ vừa phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức khảo sát mức độ hài lòng đối với dịch vụ công ở ba tỉnh Thanh Hóa, Phú Thọ và Bình Định và công bố tỉ lệ người dân hài lòng và rất hài lòng với các dịch vụ công tại các địa phương này đều trên 80 %. Đáng lưu ý là trong lĩnh vực đất đai, lâu nay người dân vẫn ngán ngẩm vì thủ tục rườm rà, nhưng con số khảo sát ở nơi trên cho thấy tỉ lệ người dân lại... rất hài lòng. Kết quả khảo sát này khiến người ta hớn hở nhưng người dân vô cùng ngỡ ngàng. Mặc kệ người ta tin, còn dân thì không tin nhưng chẳng dám nói. Bố mà lên gặp cơ quan khảo sát này, họ sẽ sỉa sói bố vì cái tội dám không tin ở kết quả khảo sát cho mà xem! Hu hu …

Nguyễn Đoàn