Góc nhìn chuyên gia

Liên hệ thầy - trò, quá khứ và hiện tại

Thầy ở đó như người truyền cảm hứng, là người tin cậy, như một mẫu mực có thể, để trò có thêm động cơ học tập, để trò có chỗ dựa…Thầy làm tròn bổn phận giúp cho công việc của trò trôi chảy tốt hơn, dễ dàng hơn… Thầy khác máy tính là ở chỗ đó.

Từ khởi thủy, lúc mới có trường học và trong nhiều thế kỷ, liên hệ giữa thầy và trò là một liên hệ thẳng đứng trên dưới, giữa người có quyền và người bị lệ thuộc.

Thầy là người lớn, là người có tri thức trong khi trò là trẻ con, “dốt nát”, thầy là người khai tâm, truyền hiểu biết cho trò, thầy có quyền chấm điểm và chế tài. đánh giá của thầy là đánh giá-trả bài.

Trò, trong hoàn cảnh này, phải vào khuôn khổ của trường, của thầy. Học là học thuộc lòng. Và trong chừng mực nào đó, đi học với sợ sệt, mỗi ngày đi học là một ngày bị đè nén, bị áp lực. Chương trình học bị ép buộc, phương pháp học là do thầy và trường ấn định, phải thi cử để được phát bằng.

Thầy là người có quyền còn trò là người thụ ơn.

Thời Lều chõng hiểu biết chỉ là Tứ thư Ngũ kinh, trò phải dùi mài học thuộc. Thầy ở đó để truyền các kiến thức này. Thi cử lúc ấy là “trả bài”. Liên hệ thầy trò là liên hệ quyển lực. Chế tài lúc đó có thể là những hình phạt đụng chạm đến thân thể - đánh đòn.

“Gia tài” của thời Lều chõng vẫn hiện hữu qua các hình thức như chương trình bắt buộc, thi cử - trả bài và một số cách thưỡng phạt ở trường.

Những hậu quả mà “bạo lực” ở trường gây ra trên học trò thường chỉ được khám phá rất trễ, có khi chỉ được khám phá hai mươi hay ba mươi năm sau, trên chiếc ghế dài của nhà phân tâm học!

Bị làm nhục hay bị đánh ở trường thường để lại những chấn thương tâm lý.

Trường học còn là nơi để xã hội hóa trò, giúp trò sau đó sống trong cộng đồng với một số vốn tri thức cần thiết – học để biết, học để làm và học để sống với xã hội, học để tự khẳng định mình, các trụ cột chính của trường học mà UNESCO truyền.

Nhưng có thể xã hội hóa trong yêu thương, một cách nhẹ nhàng. Gia đình làm như thế được, gia đình là diễn viên đầu tiên xã hội hóa trẻ, thì trường học cũng phải làm được thôi – chỉ cần vài phương pháp, những người thầy có tài, có tâm, và rất nhiều triết lý –.

Trong bối cảnh đó, liên hệ giữa thầy và trò thành một liên hệ tam giác vì vốn hiểu biết thành một đối tác, diễn viên thứ ba trong việc học và dạy. Ba đỉnh của tam giác là trò, hiểu biết và thầy – trò bắt đầu có “chỗ đứng” trong quá trình học tập.

Thầy là trung gian giữa hiểu biết và trò, thầy vận dụng các phương pháp tốt nhất để giúp cho trò tiếp cận tri thức. Thầy truyền đam mê, tổ chức việc học cho trò, nâng đở và khuyến khích trò, …Dạy tùy theo trò, lấy trò làm trung tâm, dạy trò cách học, … là đường hướng giáo dục của hơn nửa thế kỷ nay, ít nhất là ở các nước phương Âu.

Trong nửa thế kỷ này, các nhà giáo dục bàn đến những kỷ thuật sư phạm tích cực, đến quyền của người đi học, đến những liên hệ sánh vai gần như đồng hàng giữa thầy và trò. Thầy hết là người truyền kiến thức. Thầy chỉ dẫn lối cho trò cách học hay là người tổ chức cho trò học. Thầy quan tâm đến nhu cầu của trò và tận lực khuyến khích sự sáng tạo của chúng. Trường dần dần bỏ chấm điểm xếp hạng và thay vào, ít nhất là một phần, khả năng tự đánh giá của trò.

Thế nhưng tình hình có thay đổi. Hiện, một cách nôm na, ta có thể nói bây giờ không còn liên hệ thẳng đứng giữa trò và thầy. Cũng không còn liên hệ theo hình tam giác.

Trường học thành vũ trụ của trò. Chung quanh trò là thầy, là bạn, là sách, là máy tính, là hội họa, là âm nhạc, là tri thức, ...Chuyện đi học là chuyện của trò. Trường học được định nghĩa như môi trường sống của trò.

Thầy ở đó như một … phương tiện mà trò cần có để học. Vẫn với sứ mạng là “truyền” kiến thức, nhưng “truyền” kiểu của thế kỷ thứ XXI. Vã lại, trường học không còn độc quyền truyền kiến thức, bên cạnh đó còn có bạn học, còn có thế giới của mạng internet, .... Thầy thành người giúp trò sàng lọc kiến thức để học, mà sàng lọc một cách thông minh. Và học một cách hữu hiệu.

Nếu trò bị quá tải thì có thể cần xem lại cấu trúc của chương trình!

Kiến thức hiện là kiến thức vô bờ bến. Một đời người không đủ để học. Nhưng ta không cần hết mọi kiến thức.Trường ở đó để cho ta vài cơ sở để học suốt đời.

Trường và thầy không còn độc quyền truyền kiến thức, tức là mất đi, ít nhất là một phần, “quyền lực”.

Bù lại, trường học và thầy mang một sứ mạng mới: đem hạnh phúc đến cho trò – trong đó có hạnh phúc vì được tiếp cận một số tri thức hữu ích - cái mà ta gọi là kỹ năng cần để ra đời làm người. Hạnh phúc ở trường còn là hạnh phúc vì được sống cùng với bạn. Có lẽ ta cần nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của học và vui với người đồng trang lứa.

Trò vui đến trường. Giáo dục còn là giáo dục cưỡng bách trong một số quốc gia.

Cưỡng bách có nghĩa là xã hội phải bảo đảm quyền đến trường của tất cả mọi trẻ, giàu cũng như nghèo, trai hay gái, tiềm năng cao hay tiềm năng kém hơn, ...Cung cấp cho trò cơ hội để khám phá, tìm hiểu vũ trụ chung quanh để tự định nghĩa mình, chỗ đứng của mình …

Thầy ở đó như người truyền cảm hứng, là người tin cậy, như một mẫu mực có thể, để trò có thêm động cơ học tập, để trò có chỗ dựa…Thầy làm tròn bổn phận giúp cho công việc của trò trôi chảy tốt hơn, dễ dàng hơn… Thầy khác máy tính là ở chỗ đó.

Nguyễn Huỳnh Mai