Lên chùa cầu gì?

Sau Tết, lại bắt đầu mùa lễ hội. Nhiều người chọn đi chùa đầu năm để cầu cho mình và gia đình. Vậy, lên chùa cầu điều gì?

Chùa là thờ Phật. Phật mang đến điều gì khi chúng ta gõ cửa chùa?

Nhiều người đến chùa chen lấn, thậm chí giẫm đạp nhau để vái lạy, đặt tiền, đặt lễ. Trong màn hương khói nghi ngút đến nghẹt thở ấy, những tiếng thầm thì đang mưu cầu điều gì? Tiền tài vật chất, thăng quan tiến chức, làm ăn buôn bán hanh thông…?  Lễ càng to, đi càng nhiều chùa, thì càng thụ hưởng được nhiều lộc?

Nhiều người đi chùa hiểu sai, cố tình hiểu sai, hoặc hiểu đúng nhưng thỏa hiệp với đám đông để cầu cạnh, mặc cả, hối lộ cửa Phật.

Một giá trị mang tính cốt lõi của đạo Phật là thuyết Nhân – Quả. Cái mà chúng ta đang có dù hạnh phúc, giàu sang hay nghèo khổ, lầm than là Quả của Nhân nào đó. Nhân nào, Quả đó. Phải biết chấp nhận, đối mặt hóa giải bằng cách sống hướng đến thiện. Phật giáo vào Việt Nam 2.000 năm trước và cha ông ta đã thấm tư tưởng Nhân - Quả vào trong giao tiếp hằng ngày khi nói: “Ở hiền gặp lành”, “gieo gió gặt bão”, và “đức năng thắng số”. Nỗi khổ đau của ai đó có thể được hóa giải nếu tâm đức của người này được tu tập đủ, như ông cha nói “năng thắng số” (có thể thắng được số phận).

Cha ông ta khi nhìn thấy ai đau khổ, gặp bất trắc trong cuộc đời thường dùng từ “Tội nghiệp”! Tội là Quả, là nghiệp của một Nhân nào đó. Câu nói cửa miệng ấy mang tính chia sẻ, xoa dịu, nhưng cũng hàm ý là người đó có tội, có nghiệp, phải gánh, phải trả. Cũng từ câu nói này cho thấy không ai giúp được ta. Chỉ ta cứu rỗi ta mà thôi!

Lên chùa cầu gì.docx.jpeg

Cửa chùa không phải nơi xin - cho. Ảnh: Vietnamnet

Bình an là điều Phật sẽ ban cho chúng ta, nếu tâm khai mở, và một lòng hướng thiện. Để có tâm bình an phải có trí tuệ và biết buông bỏ tham -sân- si. Khi tâm bình an, chúng ta sẽ có Phật trong lòng, có niết bàn ngay giữa cuộc đời này, khi loại bỏ được sân hận, ganh ghét, biết sống yêu thương.

Không phải mâm cao cỗ đầy, không phải vàng mã chất chồng, chỉ cần tâm sáng lên chùa. Để được bình an trong tâm mình là một con đường tu dài, nghiêm túc và kiên nhẫn.

Trong dòng người đang đổ về chùa mong cầu những lợi lộc, họ chen lấn, bắn ánh mắt thiếu thiện cảm về nhau, giẫm đạp nhau chỉ làm tâm thêm biến động. Tâm an thì cuộc đời biến động bỗng nhẹ nhàng, sống được vui, lòng nhân ái được tăng lên!

Giàu sang phú quý, thăng quan tiến chức, làm ăn hanh thông... đều do chính mình làm ra không ai ban phát, kể cả Phật, Thánh! Sống tốt để có được điều tốt đẹp.

Biết vậy rồi, không lẽ cứ làm sai lời Phật dạy?

Theo Lê Anh Đạt

Báo Lao động