Ý kiến chuyên gia

Lẽ nào lại đuổi việc giáo viên vi phạm lệnh cấm dạy thêm?

Rõ ràng là chữa bệnh đàng ngọn, không chữa từ gốc, lại còn chữa bằng những cách thiếu tính nhân bản...

Học sinh tại TPHCM học thêm bên ngoài trung tâm
Học sinh tại TPHCM học thêm bên ngoài trung tâm

Đọc tin TPHCM: Sẽ đuổi việc giáo viên nếu vi phạm về dạy thêm ( http://dantri.om.vn/giao-duc-khuyen-hoc/tphcm-se-duoi-viec-giao-vien-neu-vi-pham-ve-day-them-20160831161627287.htm )_ có lẻ nhiều người sẽ phản ứng. Vì đó là một kiểu chế tài chưa thấy ở nước nào trên thế giới! Cứ như chuyện dạy thêm chỉ có giáo viên là có trách nhiệm!

Theo bài báo dẫn trên, Sở GDĐT thành phố Hồ chí Minh cho biết hai số thống kê hữu ích:

- 20% học sinh tiểu học học thêm

- 35% học sinh THCS và THPT học thêm

Dĩ nhiên con số này không hoàn toàn chính xác vì thống kê không làm sao kiểm được những lớp học thêm chui hay những cá nhân hoặc nhóm nhỏ học thêm tại nhà.

Nhưng nếu chỉ 20% và 35% thôi cũng đã là một tình trạng đáng báo động cho sức khoẻ của trẻ và cho ta nghĩ rằng trường học đang ...bệnh nặng.

Hay nói cách khác, ngành giáo dục chính qui đang lâm nguy vì ta không thể nào tưởng tượng cảnh 100.000 bé, theo lời ông Giám đốc sở GD-ĐT, ở độ 6 – 11 tuổi, tại thành phố Hồ chí Minh, phải chạy lớp như tài tử chạy shows. Có thể nói không ngoa rằng chúng vừa học vừa … ngủ gục vì theo sinh học, chúng cần mỗi ngày, đến 9 hay 10 giờ để ngủ!

Thật vậy, chuyện dạy thêm học thêm, trên bình diện sư phạm, là một điều không bình thường. Phải làm sao cho chương trình chính khóa đủ để trẻ hiểu bài và đạt được kết quả mà thầy, cha mẹ và các em mong đợi. Phải làm sao chúng không xem việc đến trường như một gánh nặng.

Có như thế các em sẽ không cần học thêm, và sẽ có thì giờ để vui chơi, giải trí và ngủ. Chúng sẽ không xem việc đến trường như một gánh nặng. Như vậy, muốn không cần học thêm và dạy thêm thì phải xem lại chương trình và phương pháp sư phạm. Nhất là việc thi cử.

Mặt khác, bên cạnh học trò phải học thêm, còn có một số, thiểu số theo Sở GD-ĐT, giáo viên dạy thêm vì cần thêm thu nhập. Nếu như vậy thì muốn tự nó nhu cầu dạy thêm biến mất thì lương giáo viên phải đủ sống. Lương đủ sống cũng là một chuyện công bằng xã hội.

Hiện trạng là như thế.

Từ vài thập kỷ, cả hệ thống giáo dục trong bối cảnh xã hội của nước ta đã “đẻ” ra hiện tượng dạy thêm và học thêm. Vì chương trình nặng và không hợp lý, vì phân biệt trường chuyên lớp chọn và trường khác, vì ta xem thường những tiến bộ về phương pháp sư phạm và về tâm lý trẻ, vì những qui chế thi cử lạc hậu, ...

Đồng thời, ai cũng hô hào rằng giáo dục là quốc sách nhưng ta không trả lương giáo viên đúng theo công sức của họ.

Và bây giờ ta không trị bệnh tận gốc – từ các nguyên nhân của vấn đề học thêm dạy thêm – lại chỉ chế tài các giáo viên vi phạm lệnh cấm dạy thêm! Vi phạm? Người đi dạy thành kẻ có tội?

Nghề đi dạy thông thường, ở trời Âu cũng như ở nước ta, đi từ đam mê và yêu trẻ. Đam mê chia sẻ tri thức mà quên mệt nhọc khi thấy mắt học trò sáng lên lúc chúng hiểu bài…

Trách nhiệm của người thầy rất lớn. Tới bây giờ, xã hội ta vẫn nói “muốn con hay chữ, hãy yêu lấy thầy”.

Rõ ràng là chữa bệnh đàng ngọn, không chữa từ gốc, lại còn chữa bằng những cách thiếu tính nhân bản...

Nguyễn Huỳnh Mai