Bạn đọc viết:

Lễ Khai tâm - phong tục đẹp đầu xuân

(Dân trí) - Lễ Khai tâm như một hình thức tâm linh đầu tiên giúp cho trẻ tự tin hơn, thành kính hơn, nghiêm túc và có trách nhiệm hơn với việc học. Nghi lễ này tồn tại ở rất nhiều dòng họ vùng Sơn Tây, Bắc Ninh, Phú Thọ… nói riêng và miền Bắc nói chung.

(minh họa: Lê Anh Vân, nguồn ANTĐ)
(minh họa: Lê Anh Vân, nguồn ANTĐ)

 

Mùa xuân mở đầu cho một năm mới. Mùa xuân cũng là mùa của những lễ hội khai xuân rộn ràng nao nức, của những phong tục đẹp. Trong biết bao lời tốt đẹp đầu năm, ai cũng cầu chúc cho con trẻ học hành tiến tới, làm rạng rỡ cho tổ tiên và gia đình, dòng họ.  Lễ khai tâm cho trẻ thời bắt đầu đi học là một phong tục văn hóa truyền thống, cũng được bắt đầu trong những ngày xuân tươi đẹp ấy.

 

Thời xưa, các cụ quan niệm rằng: đường học tập để lập nên công danh, sự nghiệp phải được quan tâm ngay từ thuở thiếu thời. Khi bắt đầu vào "cửa Khổng, sân Trình" cần phải cầu Trời, Phật, Vua, Mẫu…tổ tiên phù  hộ, mở mang (khai) cho lòng dạ, trí tuệ (tâm) của con trẻ được thông suốt sáng trong, một lòng hướng về sự học… thì mới có kết quả tốt đẹp.  
 
Xuất  phát từ đó, gia đình nào có con trai đến tuổi đi học cũng đều được làm lễ khai tâm trước khi đến trường.  Lễ khai tâm cho trẻ chuẩn bị bước vào con đường học tập được tiến hành hết sức trang trọng. Nghi lễ khai tâm được cả gia đình, họ mạc chuẩn bị kỹ từ trong năm và được tiến hành vào dịp đầu xuân. Gia đình em bé đã nhờ thầy xem sẵn một ngày “cát” để tiến hành nghi lễ “khai tâm” cho trẻ (thông thường từ khoảng mồng 4 Tết đến rằm tháng giêng). Chủ trì lễ khai tâm thường là cha đẻ, ông nội, chú, bác, cậu ruột… của trẻ hoặc một vị cao niên có vai vế trong dòng họ. Dù là ai đi nữa nhưng dứt khoát phải là người đã từng được theo "cửa Khổng, sân Trình", có chữ thánh hiền, không có tang và đặc biệt là phải “đức cao, vọng trọng”. Nếu gia đình đã chọn được thầy học cho trẻ thì sắm lễ vật đến nhờ thầy chủ trì giúp. Người thầy học đầu tiên của trẻ thường là ông Nghè, ông Cử, ông Tú… đã thi đỗ một học vị nhưng không ra làm quan, mà ở lại nơi thôn quê mở trường dạy học.

 

Trước ngày “đại cát”, toàn thể gia đình tất bật sửa soạn lễ gia tiên. Chú bé chừng 5 - 6 tuổi, má bầu bĩnh, để nguyên hai chỏm tóc trái đào, xúng xính trong bộ quần áo mới, lắng nghe người mẹ hiền vừa dặn con: phải ngoan ngoãn, tuân thủ các nghi lễ, vừa đưa tay chấm nước mắt vì sung sướng và cảm động. Khi làm lễ gia tiên, người cha kính cẩn trình tiên tổ về ngày sinh tháng đẻ, danh tính của trẻ, kính báo: Cháu đến tuổi đi học, nhờ tổ tiên phù hộ để buổi lễ khai tâm đạt kết quả như mong ước.

 

Rồi con trẻ được dắt đến trước ban thờ gia tiên, nhà thờ họ để nghe các bậc bề trên khấn vái về việc học mai sau và chắp tay đón nhận. Sáng hôm sau (ngày đại cát), con trẻ được đưa đến chùa làng hay chùa ở  địa phương mà gia đình cư trú. Gia đình sắp đầy đủ lễ vật lễ ở ban thờ phật Tổ, Phật bà Quán thế âm, Ngọc hoàng Thượng đế, ban Đức Ông và ban thờ vị Vua, Chúa đã sáng lập ra chùa; cầu mong Phật, Trời, Vua, Mẫu…phù hộ cho trẻ gặp nhiều may mắn trên con đường học tập gây dựng công danh, sự nghiệp.

 

Bậc bề trên đưa trẻ ra vườn chùa xin một chiếc lá na (hay lá mít) do trẻ được tự do lựa chọn. Trẻ được dẫn đến ban thờ Đệ bát La hán (vị La hán thứ tám trong 9 vị La hán ngồi ở hành lang bên trái chùa). Đó là vị La hán tương truyền là phụ trách về văn hóa giáo dục (dân gian gọi một cách nôm na là ông Phật cho chữ). Sau lời cầu khấn, bậc bề trên hướng dẫn cho trẻ vái lạy Phật rồi đem chiếc lá vừa xin được, phiết tay lên cuốn sách của Ngài cầm trên tay phải ba lần để xin chữ một cách rất thành kính. Sau đó trẻ được cầm chiếc lá (được coi là đã có chữ) phết nhẹ lên trán mình ba lần, để được thừa hưởng trí tuệ thông minh của Phật.

 

Mọi hành động của trẻ đều được hướng dẫn sao cho nhẹ nhàng, thành kính, tránh để chiếc lá bị xây xước hay rách nát. Chiếc lá ấy được ép vào cuốn vở đầu tay của trẻ và được coi như hành trang đi suốt chặng đường học tập sau này. Cũng có nơi, người ta không để trẻ hái lá mà chỉ dùng bàn tay nhỏ bé phiết lên cuốn sách rồi đặt lên trán và cũng được coi là trọn vẹn.

 

 Sau phần nghi lễ, gia đình đưa trẻ về nhà, Mọi người đều tin rằng con cháu mình đã được chuẩn bị đầy đủ để có thể tiến hành học tập có kết quả. Sáng hôm sau có thể đưa trẻ đến nhà thầy học và buổi học đầu tiên của trẻ được bắt đầu trong niềm tin thành kính, niềm vui náo nức.

 

Lễ khai tâm” là một kỷ niệm đáng nhớ của mỗi người Việt. Trên mỗi chặng đường học tập sau này, dù có đỗ đạt làm nên ông Nghè, ông Cử hay ở nhà dạy học hoặc vui thú điền viên, ai cũng nhớ về lễ khai tâm thuở tóc còn để chỏm trái đào.

 

Lễ khai tâm như một hình thức tâm linh đầu tiên giúp cho trẻ tự tin hơn, thành kính hơn, nghiêm túc và có trách nhiệm hơn với việc học. Nghi lễ này tồn tại ở rất nhiều dòng họ vùng Sơn Tây, Bắc Ninh, Phú Thọ… nói riêng và miền Bắc nói chung.

 

Ngày nay, trẻ lên 2 tuổi đã bắt đầu đi học mẫu giáo và dần quen với hoạt động tập thể trước khi tập đọc tập viết. Tuy nhiên, ở một số gia đình vùng Sơn Tây, Bắc Ninh… người ta vẫn tổ chức lễ khai tâm cho trẻ khi giã từ tuổi mẫu giáo, bắt đầu học tại trường Tiểu học (gần 6 tuổi). Phần nghi lễ tuy không quá rườm rà như xưa kia, nhưng vẫn đảm bảo tính trang trọng, nghiêm túc và thành kính.

 

Lễ khai tâm tạo nên một ấn tượng tốt đẹp cho trẻ thơ, giúp trẻ nhận thức được tầm quan trọng của việc học, bước đầu xác dịnh trách nhiệm của bản thân với gia đình, dòng họ và đất nước. Đó là một phong tục đẹp, cần giữ gìn và phát triển để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam phong phú, giàu bản sắc dân tộc.

 

Nhà giáo Nguyễn Ái

(Hiệu trưởng THCS Đường Lâm - Sơn Tây - Hà Nội)