Lễ hội: Gần như đụng đâu vẫn có chuyện đấy

(Dân trí) - Đã thành lệ từ lâu, khi Tết và khi mùa lễ hội còn ở thì tương lai gần, mọi thông tin từ giới chức và các cơ quan chức năng đều khẳng định: sẽ tốt đẹp. Nhưng rồi đa số vẫn lại chuyện “bình mới, rượu cũ” bất chấp bao nhiêu…”cố gắng”, “nỗ lực”!

Các liền anh, liền chị vất vả hát chay phục vụ du khách (ảnh: ANTĐ)
Các liền anh, liền chị vất vả hát "chay" phục vụ du khách (ảnh: ANTĐ)

Nhiều du khách sẵn sàng ủng hộ các liền anh, liền chị bằng tiền
Nhiều du khách sẵn sàng ủng hộ các liền anh, liền chị bằng tiền
 

Cơm áo không đùa với khách thơ
 

Đầu Xuân được thưởng thức đôi làn quan họ, được ngắm cảnh dặt dìu trên bến dưới thuyền với những liền anh áo the khăn xếp, những liền chị áo mớ ba mớ bảy, lúng liếng mắt lá dăm dưới vành khăn mỏ quạ, e ấp nấp sau vành nón thúng quai thao…là mong ước của biết bao người dân đất Việt. Nhưng tình cảnh chung của quan họ cũng không thoát khỏi vòng cương tỏa của những sự việc được bạn đọc cả nước nêu đích danh là “biến tướng”, là “thương mại hóa”… như bao lễ hội khác hiện nay.

 

Mùa lễ hội Lim năm nay,  mặt bằng dư luận đã bớt sóng gió hơn với khâu tổ chức nhờ kết quả được nhận thấy từ những nỗ lực của ban tổ chức nhằm trả lại vẻ đẹp thuần khiết cho quan họ.  Nhưng điểm nóng tranh luận lại xoay quanh chuyện nên hay không nhận tiền thưởng của khách?

 

Phía  không ủng hộ nhấn mạnh quan điểm: giấy dù rách cũng phải giữ lấy lề, hơn nữa phải biểu lộ làm sao cho xứng với danh tiếng đã được nâng lên tầm quốc tế của quan họ: 

 

“Đã gọi là Di sản Văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, mà vẫn có hiện tượng trên là không nên. Thử hỏi nhìn những cảnh đó, du khách nước ngoài sẽ nghĩ về chúng ta như thế nào đây???”-  Bui Thuy: thuy_bui_tue_anh@yahoo.com

 

“Họ được mời tới chứ không phải là tự phát, vì vậy tất nhiên sẽ có thoả thuận tiền bồi dưỡng trước. Nếu không thì không phải chỉ có 1 cái thuyền rong ruổi thôi đâu, mà có lẽ đã trở thành như… cái chợ bát nháo thì đúng hơn. Là di sản văn hoá thế giới mà mang lợi ích cá nhân tập thể vào đây thì còn gì gọi là di sản nữa? Làm thế này khác gì mấy gánh hát rong?... Cha tôi năm ngoái cũng được làm người trong ban khánh tiết (BTC lễ hội), nên tôi cũng có phần hiểu được chút ít việc này. Theo thỏa thuận thì các CLB quan họ sẽ được hơn 10 triệu tiền bồi dưỡng + với tiền thưởng của nhiều cá nhân tổ chức khác nữa, nên không có chuyện không có chế độ đãi ngộ đâu” - Ngô Văn Tính:  tinh.ktpm@gmail.com

 

“Việc này mọi người nên "ngẫm" kỹ hơn một chút rồi hẵng nói, để hiểu được cái cốt lõi của vấn đề. Để bảo tồn cũng như giúp đỡ cả về mặt kinh phí cho các CLB quan họ, theo tôi nên có đặt những chiếc hòm giống như hòm công đức ở chùa ấy. Hoặc nếu như hát trên thuyền mà có khách đưa tiền thì nhận và cảm ơn thì có lẽ chuyện sẽ không có gì để nói. Mà cái đáng nói ở đây là câu hát vừa bắt đầu được cất lên, bàn tay đã ngả nón xin tiền thì quả là … chưa được văn hóa cho lắm, thậm chí còn gây phản cảm.

 

Hơn nữa, quan họ đã được vinh danh là Văn hóa phi vật thể của nhân loại, nên động thái chủ động… đó bị phản ứng cũng là điều dễ hiểu…. Nên biết tự hào vì quê mình có hội Lim và càng phải trân trọng những thứ mà mình đang có để làm sao gìn giữ và tiếp tục phát huy cho quan họ ngày càng phát triển và trở nên đẹp thêm lên. Nhận tiền của du khách có thể là không xấu, nhưng cách nhận thế nào mới là điều đáng quan tâm. Đó cũng thể hiện sự khéo léo mà ban tổ chức cần thể hiện. Quan họ là một di sản, là một nét đẹp truyền thống, không thể giống như loại hình "hát dạo, hát rong" xin tiền khách thưởng thức được!” - Bùi Lê Thương Huyền:  nang_bachtuyet_va_1_chulun@yahoo.com

 

Phía ngược lại phản bác cách tư duy bị cho là… cổ lỗ sĩ và không phù hợp với thời đại đó, để nhấn mạnh vào những khía cạnh sát với thực tế hơn như "có thực mới vực được đạo"…

 

“Tôi là người Bắc Ninh, đọc mấy bài báo nói về văn hóa quan họ mà buồn vì thấy các anh chị hình như không hiểu gì về người quan họ. Đó không phải là chìa tay xin tiền. Họ hát hay, khán giả thích thì tặng tiền thôi. Và trên chiếc nón thường có cơi trầu cánh phượng, khán giả có thể nhận lại 1, 2 miếng trầu làm kỷ niệm mình đã đến hội Lim. Tôi nghĩ mấy chuyện đó là bình thường mà…” - nick  Nguoi con Bac Ninh:  manhlinh43v@yahoo.com

 

“Theo tôi nghĩ, ở đây không nên gọi là ngửa tay xin tiền…. Hát quan họ là một nét văn hóa đẹp, tuy nhiên nó không phổ biến như nhạc trẻ. Để duy trì nét đẹp quan họ, cần phải có nguồn thu nhập ổn định để người nghệ sỹ có thể chuyên tâm cống hiến. Vì thế việc nhận tiền thưởng cho canh hát quan họ, theo tôi nghĩ, nên được hỗ trợ. Nếu muốn đẹp thì nên thay đổi cách nhận sao cho đẹp hơn là được” - Squall:  squalleonhar@yahoo.com

 

“Tôi nghĩ chẳng có gì phải ầm ĩ lên khi các liền anh liền chị nhận tiền. Không có tiền thì làm sao liền anh liền chị có sức mà hát cho các vị nghe, để duy trì được văn hóa hát quan họ của ông cha để lại? Các nghệ sĩ biểu diễn khác đều có cát sê cả, cát sê đến từ đâu thì là một câu chuyện khác. Điều đáng phê phán hơn ở đây, theo tôi nghĩ, có lẽ chính là các vị giới chức lẽ ra có trách nhiệm lo cho các nghệ sĩ thì lại cứ bày ra hết qui định nó, lệnh cấm kia… Ở đây người ta hát quan họ cho mọi người nghe, người ta "tip" lại cho liền anh liền chị thì… có gì phải làm ầm ĩ lên đâu nhỉ? Giống như đơn ca tài tử ở miền Tây cũng vậy thôi. Sau một bài hát của danh ca, khách đều gửi ít tiền "tip" vào cành hoa nhỏ cảm ơn người hát. Tôi cho đó là hành động có văn hóa” - Lê Nhị Hòa:  nhoa@vietnet.vn

 

“Các liền anh, liền chị không phải dễ dàng gì mà sống giữa xã hội hiện đại khi hàng ngày họ vừa phải lo chuyện đồng áng, vừa lo gìn giữ lấy nghề. Văn hóa lễ hội của nước ta tự ngàn xưa vẫn tồn tại tục lệ "trò hay thì có thưởng". Vậy chúng ta không thể bắt các nghệ nhân, nghệ sỹ phải bỏ công "gìn giữ di sản dân tộc" nhưng lại không được "làm theo tục lệ dân tộc". Tốt nhất là hãy giáo dục người xem có hành vi, thái độ đúng với không khí lễ hội để việc "trao thưởng trò hay" cũng trở thành một nét đẹp văn hóa. Nếu không, mỗi kỳ lễ hội, Bộ VHTTDL (cơ quan quản lý hành chính và cũng là đơn vị cao nhất trình bản đề nghị công nhận quan họ là "di sản" lên tổ chức quốc tế) hãy bỏ tiền để trả cátsê cho các nghệ nhân. Khi đó các liền anh, liền chị (và cả nhà tổ chức) sẽ không còn phải "hát giao duyên lấy tiền" nữa. Lúc đó các nghệ sỹ (tất nhiên phải gọi như vậy vì khi ký hợp đồng hát hò đều phải có cái giấy chứng nhận nghệ sỹ của sở VHTTDL Tỉnh) sẽ hát theo cái gọi là giao kèo” - Hồng Phong:  phong@newlight.vn
 
Nhiều du khách sẵn sàng ủng hộ các liền anh, liền chị bằng tiền
Cơ quan chức năng hết sức bảo vệ kiệu tại lễ phát ấn đền Trần (ảnh: Đỗ Nguyễn, nguồn: ANTĐ)
 
Du khách tràn vào cướp lộc đền 
Du khách tràn vào cướp lộc đền 
 

Ấn đền Trần - chuyện năm nào cũng… ầm ĩ

 

Chuyện phát ấn đền Trần, thời trước khi phong tục đó chưa được khôi phục lại thì có lẽ chẳng mấy người biết đến. Giờ nói như nhiều người, có lẽ cũng bởi “phú quý sinh lễ nghĩa” nên cái ấn mới nổi đình nổi đám như vậy. Nhưng lẽ ra khâu tổ chức làm được thật chuyên nghiệp, đúng bài bản thì… những đoạn trường để có được ấn đâu tới mức khổ ải như thế?

 

Cũng bởi vậy, năm nào những sự cố cũng vẫn xảy ra nơi đây và càng khiến nhiều người thêm thắc mắc:

 

“Lạ nhỉ, từ trước không phát ấn có sao đâu. Theo tôi, có lẽ nên bỏ hẳn nghi thức phát ấn này đi để trả lại sự linh thiêng, thanh tịnh và khung cảnh phù hợp với văn hóa tâm linh tại những nơi thờ cúng thế này” - Phan Ha:  Phha@hp.com.vn

 

“Đêm hôm qua tôi cũng có mặt tại đền Trần. Đầu tiên là cảnh chặt chém ở bãi gửi xe. Tôi phải gửi xe với giá 150.000 vnd/ xe. Tiếp theo là cảnh ăn xin la liệt, rồi cảnh chen lấn móc túi. Theo tôi nghĩ, Phát ấn là một lễ hội lớn, nhưng ban tổ chức chưa tổ chức được một lễ hội đúng theo ý nghĩa lớn lao. Tôi mong năm sau quay lại đền Trần sẽ có những thay đổi tốt đẹp hơn” - Đỗ Trọng Nghĩa: vietnghia2006@gmail.com

 

 “Không hiểu cách thể hiện văn hóa tấm linh và tín ngưỡng ở đây là gì, mà người ta phải vất vả đến thế để nhận được ấn đời Trần? Lẽ nào họ không hiểu rằng không làm, không tự thân nỗ lực thì chẳng ai cho lộc cả. Các chính quyền địa phương cũng không nên có những cách làm vô tình cổ súy cho lễ lạt kiểu này. Tôi thấy chẳng lợi lộc gì mà đổ vào lễ hội hàng bao nhiêu tỷ đồng, huy động cả lực lượng cảnh sát, công chức ăn lương từ ngân sách vào phục vụ lễ hội…. Tất cả chỉ làm chí phí công tăng vọt, cuối cùng lại chỉ đổ lên đầu dân. Người ta nói "phú quý sinh lễ nghĩa " nhưng làm vậy tôi thấy có phú quí gì đâu, chỉ là cái vẻ bề ngoài thôi,  sao sinh ra lắm “lễ nghĩa” thế? Hay đó là cách kiếm tiền dễ nhất của nhiều người thời nay? Năm 1988 trong một lần đi công tác Ấn Độ, một quan chức nước bạn thở than với chúng tôi: "Đất nước chúng tôi nghèo vì lắm lễ hội quá!!!" Nay gần 30 năm sau chuyến đi đó, Ấn Độ đã trở thành một cường quốc kinh tế của G20 vì Ấn Độ đã có những đổi mới vượt bậc, trong đó có nỗ lực giảm bớt đi rất nhiều lễ hội” - Lê Nhị Hòa:  nhoa@vietnet.vn

 

“Những truyền thống tốt đẹp lẽ nào rốt cuộc cũng trở thành như… trò bán – mua???” - Khoa:  khoasrepo@gmail.com

 

Mùa lễ hội còn dài, chuyện để nói năm nào cũng “vẫn còn tiếp diễn”. Khổ thế!!! Sao ở nước khác người ta làm dễ không, mà ở VN mình hầu như việc gì cũng bị kêu khó? Rào cản chỉ có thể thấy là vẫn ở chính trong cách tư duy của mỗi con người chúng ta!!!

 

Khánh Tùng