Ý kiến chuyên gia

Lang thang trong giáo dục sau khai trường 2016

Tình trạng hiện thời của giáo dục là thành quả của nhiều năm tích lũy. Có muốn thay đổi có lẽ cũng cần ngần ấy năm – tức là ta nói chuyện trên cơ sở thế hệ chứ không nhất thời trên năm hay ba năm. Nhưng chậm mà chắc và nhất là cần bắt đầu ngay trước khi tình trạng tồi tệ hơn


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Bức tranh tổng thể của giáo dục?

Mùa khai trường năm nay được đánh dấu bởi ba bốn sự kiện chính

. Thi THPT bằng hình thức trắc nghiệm, ngoại trừ môn văn.

. Sửa đổi thông tư 30 về cách đánh giá học sinh ở Tiểu học bằng Thông tư 22

. Từ bỏ VNEN và chỉ giữ lại với hình thức tự nguyện

. Cấm học thêm và dạy thêm ở TP Hồ Chí Minh?

Còn có cả chuyện một em lớp 6 bị trả về lớp 1, …

Rốt cuộc xã hội lao xao. Vì bên cạnh những chuyện nổi cộm này ta còn những “chứng” kinh niên như thi đua trong giáo dục, tiền học và lạm thu, bạo lực học đường, … Giáo dục là chuyện của cả tương lai chẳng những cho trẻ mà cho đất nước. Thế nhưng có lẽ ta chưa có những nghiên cứu tới nơi tới chốn về tổng thể của tình trạng dạy và học để có thể tìm ra những phương thức thích hợp nhất hầu tổ chức công tác giáo dục một cách khoa học.

Hiện ta chưa có thể khẳng định rằng thi bằng trắc nghiệm sẽ thích hợp hơn, hay đánh giá học sinh theo Thông tư 22 sẽ tốt hơn. Ta cũng chưa biết tại sao phải bỏ VNEN…

Chúng ta đang ở thế kỷ thứ 21, tức là ta cần làm việc với Evidence Based – dựa trên bằng chứng, dựa trên thực nghiệm chứ không thể đưa ra quyết định chỉ dựa trên lý luận.

Bao giờ ta có một nghiên cứu cho thấy bức tranh tổng thể của giáo dục, với những dẫn giải nguyên nhân hậu quả, có ngành có ngọn, lúc đó ta mới có thể đưa ra những giải pháp tối ưu nhất, phù hợp nhất.

Vấn đề “nghiệp vụ hóa” nghề dạy học

Hiện một số nhà giáo dạy học như ông cha ta đã dạy học ở những thế kỷ trước: truyền kiến thức, đánh giá - chế tài, phạt và thưởng, có khi dùng cả những hình phạt đụng chạm đến thân thể của trò, …

Thế nhưng tâm lý nhi đồng, vai trò và phản ứng của não bộ trong sự học, các phương pháp và triết lý cận đại nhất về giáo dục là những điều tối cần chứ không phải chỉ có nội dung của các môn học cần phải rót vào đầu của trò.

Đồng thời đi dạy hết là một “sứ mạng” - chỉ cần thương, cần tận tụy với học trò thì dạy chúng được - mà phải có kỷ thuật và phương pháp. Cái tâm là cần có nhưng cái tâm thôi không đủ, phải có tài nữa. Nghề giáo không còn là một sứ mạng mà là một nghiệp vụ. Cái “tài” thì đào tạo được. Vai trò của trường sư phạm là ở đó.

Công việc của giáo viên cũng là một công việc sáng tạo chứ không phải chỉ theo giáo trình và kiểm soát chế tài học trò. Sáng tạo để làm thế nào trò học tốt nhất, nhanh nhất, lại sung sướng hạnh phúc nhất.

Cho việc học đọc ở lớp 3 trường tiểu học, cho trẻ ở độ tuổi 8-9, một cô giáo có thể tổ chức cho học trò mình đọc đuổi mỗi em một câu của bài, đọc đối thoại có phần A phần B, đọc diễn tả với đủ giọng … hĩ nộ ái ố hài thương cho cùng một bài. Cô cũng có thể gợi ý cho trò tiếp cận với tủ sách của lớp – 50 quyển là “khởi nghiệp” được rồi – , hay đưa cả một truyện nào đó dựng lên thành kịch và cho học trò thủ vai. Với môn học đọc cả năm như thế, trò ...không có thì giờ để buồn ngủ trong lớp và hoàn thành chương trình!

Cô giáo thành người tổ chức việc học của trò, với những phương thức thích hợp nhất cho trò.

Nghiệp vụ hóa nghề dạy học là cần cải tổ đào tạo sư phạm, cần tự do giáo dục, cần tăng lương cho giáo viên – dĩ nhiên rồi, chuyên viên tay nghề cao phải được đền bù thỏa đáng - . Cũng cần cả xã hội tin cậy nơi giáo viên để giáo viên làm việc.

Giảm quá tải bằng cách đổi phương pháp dạy học?

Tới bây giờ ai cũng đồng ý rằng học sinh tiểu và trung học bị quá tải. Nhiều tiếng nói đã đòi thay đổi hay bớt chương trình.

Nhưng dù có thay đổi và cắt xén chương trình tới đâu đi nữa thì vẫn quá tải vì vũ trụ tri thức hiện nay là không bờ bến. Ḿỗi trẻ có đến ba cái đầu đi nữa cũng không thể nào chứa hết. Rốt cuộc ta chỉ còn một cách: dạy trẻ biết phương thức tự đi tìm tri thức khi cần.

Cách đây gần cả thế kỷ, học luật ở các nước Âu Mỹ đã như thế. Các bộ luật, từ luật dân sự, hình sự, tài chính, xã hội, luật quốc tế nữa,...Đó là chưa nói đến các luật tố tụng, ... là cả mấy trăm ngàn trang. Làm sao thuộc lòng hết? Một luật gia giỏi là một luật gia thấu triệt những nguyên lý cơ bản, sau đó, chỉ cần biết phương pháp tìm tòi tra cứu.

Bây giờ ta còn có mạng internet, dạy trẻ cách tiếp cận internet một cách chu đáo, cẩn trọng là giúp chúng mở cánh cửa đi vào lâu đài của hiểu biết. Đó là một nguồn của tri thức. Ngoài ra còn có sách, có các khóa học bổ túc suốt đời, các kinh nghiệm sống và kinh nghiệm nghề nghiệp. Và quan trọng nhất: khả năng sáng tạo của từng cá nhân trước những hoàn cảnh mới.

Internet nhưng cũng cần nắm rõ những “luật để tiếp cận màn hình một cách thông minh” - luật của Serge Tisseron chẳng hạn.

Tức là dạy cách học và học cách học. Một phương pháp dạy mở chứ không truyền kiến thức, chỉ cần một số tri thức cơ sở để tự đi tìm tri thức mới – hoàn toàn đối ngược với kiểu phải trung thành với nội dung thầy dạy, với bài mẫu... Nắm được cái chìa khóa này thì trò sẽ thoải mái với tri thức, trò thành bác học mà không phải làm việc như một nô lệ để tích lũy hiểu biết. Trò không còn phải đi học thêm. Thầy cũng không cần dạy thêm.

Thi bằng trắc nghiệm hay bài thi dưới hình thức tự luận?

Hình thức thi đã được Bộ quyết định rồi. Bây giờ chĩ mong các câu hỏi trắc nghiệm được chuẩn bị hoàn hảo nhất để vừa phủ hết môn thi vừa sáng tỏ để không gây khó khăn cho thí sinh.

Cũng xin nói thêm là dù thế nào đi nữa thì cũng cần thông tin cho thí sinh về các hình thức câu hỏi (câu hỏi đơn môn hay câu hỏi tích hợp, chỉ một mệnh đề đúng, có điểm âm khi trả lời sai hay không, …).

Đối với các nhà giáo dục thì thi trắc nghiệm không hẳn là tốt hơn thi tự luận. Hình thức bài thi còn tùy chủ đích của giáo dục, tùy môn học, tùy cách dạy, tùy từng trò, …

Cái điểm cần nêu lên ở đây là trắc nghiệm hay không trắc nghiệm cũng vẫn là thi, cũng là đánh giá các tiếp thu, cũng là chế tài. Thi bắt học trò phải đối phó. Phải học để thi. Để rồi trên 90% thậm chí 98% hay 99% thí sinh sẽ thi đổ. Thi thành ṃột hình thức “hành” các em, tốn kém tiền ngân quĩ, cực cha mẹ, … chứ không sàng lọc bao nhiêu.

Có lẽ trong trung hạn cần đi đến sự dẹp bỏ kỳ thi THPT, khi cả các diễn viên giáo dục, trong đó quan trọng nhất là học sinh, từ bỏ tập tính “học để thi”.

Còn cho tất cả các lớp khác thì đánh giá phải nằm trong cách học và cách dạy, là đánh thường xuyên để xem chỗ nào đã tiếp thu tốt, chỗ nào cẩn xem lại. Đánh giá như thế là thực thi “học để biết” rồi sau đó, “học để làm người và học để hạnh phúc”.

Tôi không tin ở ...phép mầu, nhưng một trò hạnh phúc thì ít có khả năng dùng bạo lực hơn. Dĩ nhiên trong lúc đó, xã hội cũng cần an bình hơn

Lời kết

Tình trạng hiện thời của giáo dục là thành quả của nhiều năm tích lũy. Có muốn thay đổi có lẽ cũng cần ngần ấy năm – tức là ta nói chuyện trên cơ sở thế hệ chứ không nhất thời trên năm hay ba năm. Nhưng chậm mà chắc và nhất là cần bắt đầu ngay trước khi tình trạng tồi tệ hơn.

Nguyễn Huỳnh Mai