Bạn đọc viết

Lắng lòng hướng về Quốc giỗ Hùng vương

Là người Việt Nam dù quần tụ ở quê hương hay cách xa Tổ quốc, hẳn ai cũng đều thuộc nằm lòng câu ca “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ tổ mồng 10 tháng 3”

Lắng lòng hướng về Quốc giỗ Hùng vương - 1

Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân đất Việt, Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, là điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Với những giá trị văn hóa được vun đắp qua nhiều thế hệ, trải qua mấy nghìn năm lịch sử, ngày Giỗ tổ Hùng Vương không những trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc, là cội nguồn của sức mạnh, là niềm tin chói sáng của một nền văn hóa… mà đã trở thành chiếc cầu nối hữu hình cho niềm tin sâu sắc vào quá khứ hào hùng của dân tộc.

Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nở trăm con, nửa theo cha xuống biển, nửa theo mẹ lên rừng đã khơi dậy ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào gắn kết thành một khối đại đoàn kết… Những giá trị ấy ngày Giỗ tổ Hùng Vương đã thực sự vượt ra ngoài khuôn khổ không chỉ mang ý nghĩa tâm linh đơn thuần mà nó còn là biểu tượng cho ý chí và sức mạnh của dân tộc trong thời đại mới, là bản sắc văn hóa, là điểm tựa tinh thần cho mỗi người con đất Việt, là lời hiệu triệu muôn triệu trái tim con dân Việt Nam hướng về quê hương với hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng và sâu sắc!

Cũng chính điều đó đã hướng cho mỗi người con đất Việt ngày nay và cả mai sau nữa luôn hướng về ngày Giỗ tổ để đến với hồn thiêng của dân tộc và tìm về với cội nguồn với tâm tưởng “uống nước nhớ nguồn”, với lòng tôn kính biết ơn công lao của tổ tiên và để tìm thấy những bài học quý báu của thời đại các Vua Hùng những giá trị trường tồn.

Đó là bài học toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng cùng nhau xây dựng một xã hội bình đẳng, bác ái, nghĩa đồng bào trong sáng, thiêng liêng, sống thủy chung thân ái, cần cù, thông minh sáng tạo và kiên cường đấu tranh chinh phục thiên nhiên, tự lực tự cường và tự tôn dân tộc mạnh mẽ. Đó cũng chính là bài học: Dựng nước phải đi đôi với giữ nước, khi có họa ngoại xâm thì cả nước cùng đánh giặc; là bài học phát huy sức mạnh trí tuệ của dân tộc; là sự kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, lối sống, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam... để tạo nên giá trị văn hóa mới trên cơ sở phát huy bản sắc tốt đẹp của dân tộc, đồng thời kết hợp với tinh hoa của thời đại.

Nhất là từ khi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cùng với Hát Xoan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, càng làm cho mỗi con dân đất Việt thấu hiểu, dẫu thời gian là dòng chảy vô tận, nhưng giá trị trường tồn của ngày Giỗ tổ Hùng Vương vẫn đang không chỉ tiếp tục bồi đắp nuôi dưỡng cho mỗi tâm hồn con dân đất Việt, mà còn được cộng đồng dân tộc thế giới tôn vinh, giữ gìn như một biểu tượng thiêng liêng, là nơi hội tụ niềm tin, lòng tự hào về truyền thống và khát vọng vươn lên của một đất nước kinh qua các thăng trầm biến thiên của lịch sử đang vươn lên khẳng định vị thế và tầm cao mới.

Trong khí thiêng của ngày Quốc giỗ, thành kính hướng về cội nguồn, mỗi con dân đất Việt như cảm nhận thấy đâu đây âm thanh linh khí trống đồng của Vua Hùng vang lên từ núi thiêng Nghĩa Lĩnh, và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” thúc giục, nhắc nhở mỗi chúng ta đi theo tiếng trống đồng hùng tráng của Vua Hùng và lời Bác Hồ căn dặn, với niềm tự hào mang dòng máu Lạc Hồng thành kính hướng về nguồn cội, suy nghĩ về sự trường tồn của dân tộc, bắt tay vào hành động bằng ý chí, sức mạnh, nguyện đoàn kết một lòng muôn người như một, cùng nhau ra sức rèn đức luyện tài, phát huy tính sáng tạo, tranh thủ thời cơ, biến thách thức thành cơ hội làm rạng rỡ thêm truyền thống kiên cường, bất khuất của một đất nước có những truyền thống với các giá trị văn hoá cao đẹp, thể hiện đậm nét bản sắc dân tộc được mọi người trên thế giới biết đến bằng những thiên anh hùng ca hùng tráng và bất diệt về lịch sử dựng nước và giữ nước.

Minh Tư