Làm xăng dầu có ai nghèo đói (!?)

(Dân trí) - “Tôi không biết Petrolimex lỗ thế nào, nhưng khi đi qua tòa nhà Petrolimex ở Hà Nội thì thấy đa phần CBCNV đi xe ô tô không à... Với một doanh nghiệp mà toàn lỗ thì điều đó thật phi lí phải không?” - Hoàng Sơn - Từ TPHCM băn khoăn.

Chủ đề xăng dầu không phải bây giờ mới “nóng” mà hình như "đã biến thành sa mạc Sahara" (khiến ai cũng bức xúc mà chẳng biết phải làm sao) từ rất nhiều năm trước. Và rồi mới đây, "sa mạc" đó bỗng đâu như được thổi vào một luồng gió mát thông qua những phát biểu mạnh mẽ của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ tại hội thảo “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường”.

 

Bài viết Phục vụ ai - Công bộc của ai? của tác giả Hồng Kỹ phân tích về mặt hàng “nhạy cảm” này tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận, bởi  một lần nữa mổ xẻ đề tài xăng dầu cực kỳ nhạy cảm.

 

Vòng quay lãi về đâu?

 

“Mâu thuẫn, có chăng là từ cách nhìn nhận: người dân mua xăng giá cao là thấy mất tiền, mà không nghĩ cái tiền mình mất đó sẽ được nộp vào nhà nước, rồi trở phục vụ chính mình”…. – nhận định này của tác giả Hồng Kỹ cũng là câu hỏi, là trăn trở của bao người.

 

“Nói thế này toàn dân Việt Nam phải đi học kiểm toán viên trình độ quốc tế hết may ra mới hiểu được cái gọi là "minh bạch": "những con số và việc làm cụ thể chứng minh hiệu số giữa "cái mất" và "cái được" của dân." – Nick Bạn đọc - Nam - 31 tuổi - Từ Hà Nội bức xúc.

 

“Chỉ sợ số tiền đó không phải là quay lại phục vụ xã hội để làm cho xã hội công bằng, văn minh, ấm no, hạnh phúc mà nó lại rơi vào tư túi một số cá nhân nào đó” - duy y - Nam - 31 tuổi - Từ Hà Nội băn khoăn.

 

Tương tự, Anh - Nam - 30 tuổi - Từ Hà Nội hỏi: “Không biết bao giờ nó mới quay lại phục vụ và phần trăm quay lại là bao nhiêu, làm giàu cho ai... ”

 

Ngược lại, Lê Hồng Sơn - Nam - 31 tuổi - Từ Hà Nội bày tỏ đồng tình với quan điểm của tác giả: “Tôi nghĩ bài viết này rất công bằng và đúng với thực trạng Việt Nam. Người viết này rất hiểu biết về kinh doanh xăng dầu, không như một số báo chí viết còn chưa được công bằng”.
 
Làm xăng dầu có ai nghèo đói (!?) - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

 

Còn độc quyền thì còn “lỗ” to

 

Lan Anh - Nữ - 23 tuổi - Từ Tp.Hồ Chí Minh nhận định: “Nói chung là trên đời này cái gì độc quyền đều cũng không tốt. Hãy nhìn Petrolimex, EVN... Độc quyền sẽ gây ra mất tính cạnh tranh, làm mất tính cân bằng cũng như bưng bít thông tin. Hãy nhìn những nhà mạng điện thoại ở Việt Nam là ví dụ, 1 khi có nhiều mạng được lập thêm là đua nhau khuyến mãi, đua nhau miễn phí dịch vụ, hạ giá cước.

 

Cùng chung quan điểm, Trần Văn Quyến - Nam - 39 tuổi - Từ Gia Lai phân tích: “Chung qui lại, tất cả cũng chỉ vì mấy lý do sau:

 

1/ Những ai có chức năng làm kinh tế vĩ mô thì không thể nhảy vào làm kinh tế vi mô được. Ở Việt Nam đang có một sự cố tình hiểu nhầm và cố tình lấn sân nhau vì các nhóm lợi ích cục bộ, mà không vì lợi ích đại cục của dân tộc và nhân dân;
 
2/ Độc quyền thì sẽ sinh ra: hình thức hoành tráng hơn là thực chất, không bao giờ muốn minh bạch rõ ràng và kết quả là không bao giờ có sự phát triển bền vững'
 
3/ Bởi vì, "khó vạn lần dân liệu vẫn xong", do vậy có bị lỗ thì dân gánh bằng cách tăng giá 1 ít là xong ấy mà. Dân có kêu chăng nữa thì kêu một thời gian ngắn rồi mọi người lại tự lo lấy bằng nhiều cách khác nhau, trăm phương nghìn kế là từ dân mà.
 

Do vậy, nói nhiều cũng vậy thôi. Cần phải giải quyết tận gốc cái vấn đề của mọi vấn đề, đó là minh bạch 100% và chống độc quyền triệt để”.

 

Viết trường - Nam - 42 tuổi - Từ Đà Nẵng cảnh báo: “Doanh nghiệp xăng dầu đừng sống mà chỉ biết mỗi đến mình. Nên nhớ xăng dầu không phải là viễn thông mà có thể thả nổi. Vì vai trò quan trọng của xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp lên tất cả các ngành kinh tế. Bên cạnh đó rất khó để doanh nghiệp khác chen chân vào thị trường phân phối xăng dầu được vì nó lên quan đến quy hoạch các trạm xăng, kho xăng, mạng lưới cây xăng đều theo quy định về khoảnh cách, độ cách ly an toàn. Và cũng không thể nói người dân mua xăng dầu với giá cao là đóng góp 1 phần thuế cho nhà nước vì hiện nay các công ty xăng dầu đều được cổ phần hóa, vậy tiền thuế qua xăng dầu người dân đóng cho ai nếu được thả nổi?

 

Văn nguyên - Nam - 31 tuổi - Từ Hà Nội nhắc lại nhược điểm của cơ chế độc quyền: “Câu chuyện lỗ-lãi, tăng giá xăng dầu, giá điện đã tốn quá nhiều giấy mực rồi. Vấn đề là giải quyết thế nào? Theo tôi:
 
Thứ nhất: nên xóa bỏ độc quyền; mở cửa thị trường như thị trường viễn thông thời gian qua vậy, giá cả sẽ hợp lý hơn.
 

Thứ hai: tăng cường thanh tra, kiểm soát thu-chi, minh bạch trong phân chia lợi nhuận sẽ biết ngay lỗ-lãi. Có minh bạch thì tiền của dân đóng góp mới phục vụ người dân, nếu không thì sẽ phục vụ lợi ích 1 nhóm người thôi”.

 

NhTH - Nam - 7 tuổi - Từ Hà Nội nêu rõ: “Tác giả phân tích bài này tôi cũng thấy đúng. Nhưng chỉ đúng ở khía cạnh lý thuyết. Tôi chẳng thấy dân được cái gì cả, chỉ có mỗi doanh nghiệp xăng dầu là “béo”. Thử đặt câu hỏi thế này: Giá xăng dầu cao là để trích quỹ bình ổn xăng dầu, tiền bình ổn đó lấy từ túi của dân và do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giữ.
 
Thứ nhất: Tiền của dân trích quỹ bình ổn, khi nào giá xăng dầu cao lại lấy ra trả cho dân (khác nào cho vào lợn tiết kiệm) kiểu gì cũng tiền của dân.
 
Thứ hai: Với việc khan hiếm vốn như thời điểm hiện nay, thử hỏi bạn nắm giữ hàng nghìn tỷ đồng tiền của quỹ bình ổn thì chả nhẽ bạn cho vào két? Nói chung là nhiều vấn đề, tôi thấy giá điện, giá xăng dầu có quá nhiều bất cập. Điều này cũng phải xem lại cách điều hành, sự phối hợp giữa các ban ngành”.

 

Sonhamnghi - Nam - 42 tuổi - Từ Đà Nẵng đặt câu hỏi: “Tại sao cứ phải bao cấp mãi cho giá xăng dầu. Xét cho cùng thì người tiêu dùng xăng dầu nhiều nhất là người có thu nhập cao (đi xe ô tô riêng; xe máy phân khối lớn; sử dụng taxi...). Nếu lấy ngân sách bù lỗ xăng dầu chính là thu tiền của số đông người nghèo hỗ trợ cho người giàu hay sao?

 

Lê Cảnh Thơ - Nam - 7 tuổi - Từ Tp.Hồ Chí Minh bày tỏ: “Tôi cũng mong ngành kinh doanh xăng dầu có lãi, nhưng số lãi có được nên chia sẻ bớt nếu có thể, ví dụ như để làm những con đê bảo vệ mùa màng trong đồng bằng sông Cửu Long, chứ không phải để xây những tòa nhà cao ngất trời...”

 

Trần Bách