Bạn đọc viết

"kiểm điểm", "rút kinh nghiệm" và… "chờ Thủ tướng"!

Thế cho nên "máu" của rừng vẫn chảy. và kỉ cương phép nước không được coi trọng...


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí ngày 28/4, ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên, cho biết lãnh đạo tỉnh "nhận khuyết điểm trước Thủ tướng vì để xảy ra thiếu sót", chờ "Thủ tướng xem xét, quyết định cho làm hay không rồi tính tiếp" khi nói về vụ dọn dẹp 116 ha rừng phòng hộ ven biển tại TP Tuy Hòa để thực hiện dự án Khu du lịch cao cấp New City, trong đó có hạng mục sân golf.

Phát biểu của vị Bí thư tỉnh ủy trước báo giới gói gọn trong hai ý: Một là "nhận khuyết điểm vì để xảy ra thiếu sót", hai là "chờ Thủ tướng quyết định".

Về cái gọi là "chờ Thủ tướng quyết định" xin không bàn ở đây, bởi chuyện này dư luận nghe cũng đã chán tai rồi. Hễ việc gì sai, bị dư luận lên tiếng là lập tức lãnh đạo địa phương lại đùn đẩy, "chờ chỉ đạo Thủ tướng". Một dấu hiệu cho thấy sự bất cập, yếu kém, hay là phủi trách nhiệm của cấp dưới?

Về việc "nhận khuyết điểm vì để xảy ra thiếu sót", dư luận ngẫm mãi vẫn không hiểu vị lãnh đạo cao nhất tỉnh xin lỗi vì cái gì bởi theo ông, khuyết điểm, thiếu sót phá rừng phòng hộ "thuộc hệ thống vận hành của các sở, ngành". Bí thư tỉnh ủy khẳng định: "Tinh thần của lãnh đạo tỉnh là muốn làm cho Phú Yên phát triển nên chọn giải pháp nhanh nhất, tốt nhất". Vậy là tỉnh đâu có lỗi? Thế cho nên Ban thường vụ chỉ cần họp "kiểm điểm", "rút kinh nghiệm" và… "chờ Thủ tướng"!

Xem ra, "sợi dây kinh nghiệm" đang được lãnh đạo Phú Yên nối dài thật dài, dù quả bóng trách nhiệm đang nằm trong tay mình.

Thời gian gần đây, Phú Yên bỗng "nổi danh" cả nước bởi những vụ phá rừng tự nhiên, rừng phòng hộ.

Giữa tháng 7-2016, nhờ người dân phản ánh và báo chí lên tiếng, chính quyền huyện Đồng Xuân và tỉnh Phú Yên mới hay 108ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất bị phá trắng với sự tiếp tay của một số cán bộ địa phương. Liên quan đến vụ phá rừng nghiêm trọng này, nhiều cá nhân đã bị khởi tố, một loạt cán bộ huyện Đồng Xuân bị kỉ luật từ cảnh cáo đến buộc thôi việc.

Mới đây nhất, đầu tháng 3-2017, một vụ phá rừng khác cũng do người dân phát giác khiến dư luận bức xúc.

Hàng trăm cây gỗ dương từ 10 đến 30 năm tuổi thuộc rừng phòng hộ nằm tiếp giáp với TP Tuy Hòa đã bị HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Hòa Hiệp Bắc - đơn vị quản lý cánh rừng này triệt hạ khi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép. Dải rừng phòng hộ này là lá chắn quan trọng giúp ngăn chặn tình trạng cát bay, hạn chế ảnh hưởng của bão, bảo vệ hàng ngàn hộ dân sinh sống phía trong.

Xử lí vụ việc này, Đảng ủy xã Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa, Phú Yên) cho biết, đã kỷ luật cảnh cáo về Đảng đối với Chi bộ HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Hiệp Bắc (HTX Hòa Hiệp Bắc) và 3 cá nhân có liên quan trong vụ khai thác trái phép rừng phòng hộ ven biển ở địa phương này.

Theo đó, Chi bộ HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Hiệp Bắc (HTX Hòa Hiệp Bắc) bị xử lý kỷ luật với hình thức cảnh cáo. Các ông Nguyễn Ngọc - Phó Bí thư chi bộ, Giám đốc HTX Hòa Hiệp Bắc và Lương Huy Lập - Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc HTX Hòa Hiệp Bắc, đều bị xử lý kỷ luật với hình thức cảnh cáo; ông Trương Văn Xông, đảng viên, cán bộ kế hoạch HTX Hòa Hiệp Bắc, bị xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách.

Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khai thác rừng trái phép đối với HTX Hòa Hiệp Bắc với số tiền 50 triệu đồng; tịch thu toàn bộ số gỗ khai thác trái phép; buộc HTX Hòa Hiệp Bắc trồng rừng bổ sung trong thời gian 7 tháng kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.

Thiết nghĩ, việc xử lí những tập thể, cá nhân sai phạm ở hai vụ phá rừng nói trên là nghiêm minh, ít nhất là trong bối cảnh hiện nay. Làm sai thì phạt, làm hỏng thì đền, đấy là lẽ công bằng ở đời chứ chưa cần viện dẫn đến luật pháp.

Vậy mà, vụ phá 116 ha rừng phòng hộ ven biển tại TP Tuy Hòa để thực hiện dự án Khu du lịch cao cấp New City, trong đó có hạng mục sân golf gây bức xúc dư luận trong và ngoài tỉnh mấy ngày vừa qua lại chỉ họp "kiểm điểm", "rút kinh nghiệm" và… "chờ Thủ tướng"?

Tại sao vậy? Có câu không ai tự lấy đá ghè chân mình. Những vụ phá rừng đã bị xử vì đối tượng đều là cấp dưới. Còn vụ này, nói theo ngôn từ của môn thể thao vua "vừa đá bóng, vừa thổi còi" thì làm sao mà xử nổi, phải không các bạn?

Còn đây là lập luận của một vị lãnh đạo tỉnh Phú Yên - ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: “Có lẽ chúng ta nhầm ý kiến của Thủ tướng. Thủ tướng chỉ có lệnh không đổi đất rừng tự nhiên ở Tây Nguyên. Tỉnh Phú Yên không phải là tỉnh Tây Nguyên”. Phú Yên là ngoại lệ!

Thế cho nên họp "kiểm điểm, rút kinh nghiệm", vậy là đủ lắm rồi. Và máu của rừng vẫn chảy. Và kỉ cương phép nước không được coi trọng bởi những mĩ từ ru ngủ "Vì quê hương vì sự phát triển"!

!

Nguyễn Duy Xuân