Kịch bản sinh thêm con: Coi chừng "mất phanh"!

(Dân trí) - Sinh - lão - bệnh - tử vốn là lẽ tự nhiên ở đời, ấy vậy mà cũng lắm éo le, phức tạp. Luôn tồn tại nghịch cảnh: người hãm không được, kẻ lần chẳng ra. Nhưng VN vẫn nằm trong số những quốc gia có tỉ lệ sinh con cao, dân số tăng nhanh…

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Trẻ hóa

 

Cùng với thời gian và những nỗ lực trong suốt tiến trình phát triển hàng chục năm qua, quan niệm đông con nhiều phúc, trọng nam hơn nữ trong suy nghĩ của người dân VN đã có phần giảm đi. Chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh từ 1 – 2 con đã được thực hiện tốt, nhất là các vùng đô thị. Dẫu vậy, vẫn có không ít người tìm cách “lách luật” để sinh “chui” thêm con thứ 3, thứ tư...

 

Quan niệm cũ âm ỉ đâu đó vẫn như những tàn than đe dọa làm bùng lên đám cháy lớn, nay được lời như cởi tấm lòng càng thể hiện sự lạc quan trước khuyến nghị của GS-TS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân) về việc nên điều chỉnh chính sách dân số cho phù hợp với bối cảnh hiện tại.

 

“Một hệ lụy đáng buồn của chính sách dân số và truyền thông dân số trong thời gian qua là: kết quả xấu về mất cân bằng giới tính và sự xuống cấp về chất lượng dân số cũng như cơ cấu dân số giữa các dân tộc, vùng miền và tôn giáo. Cần sớm thay đổi cơ chế chính sách để thoát khỏi những hậu quả khôn lường cho tương lai, theo hướng trao quyền tự quyết định cho người dân. Họ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tạo lập môi trường sống và cung cấp nguồn tài chính đảm bảo đủ khả năng nuôi dưỡng, giáo dục đào tạo một nhân khẩu đến trước tuổi công dân trưởng thành...” – Buu Tran:  buu1961@gmai.com

 

“Tôi thấy kiến nghị đó rất xác đáng. Hiện nay điều kiện của nhân dân tuy chưa giàu nhưng đã ở mức khá hơn. Bên cạnh đó việc chống già hóa dân số để chuẩn bị cho một quá trình phát triển mới của đất nước rất cần có một chính sách dân số phù hợp. Đó là vừa phù hợp với yêu cầu đáp ứng cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới, vừa phù hợp với khả năng về kinh tế để nuôi dạy con của người dân, nhất là phù hợp với tâm lý của rất nhiều người hiện nay. Tôi cũng đề nghị chỉnh sửa quy định theo hướng khuyến khích mỗi gia đình nên sinh từ 2-3 con là phù hợp...” - Hải Quỳnh:  minhquangyk@gmail.com

 

“Nên điều chỉnh. Tôi năm nay 33 tuổi, đã lập gia đình. Theo tôi, đất nước chúng ta nên điều chỉnh chính sách sinh con. Với chính sách cũ, chắc chắn trong tương lai dân số nước ta sẽ già. Thật sự chúng ta hiện nay đang đối mặt với nhiều nguy cơ: tai nạn giao thông, bệnh tật, an ninh trật tự, tệ nạn, hiếm muộn con.... Nếu được, nên cho sinh con thứ 3 và có thể nhiều hơn nữa nếu gia đình đó chứng minh được khả năng tài chính để nuôi dưỡng con” - Minh Triet:  truong.vuvan@gmail.com

 

“Dân số chúng ta đang già hóa. Theo tôi, nên để người dân tự quyết định sinh bao nhiêu con  và có trách nhiệm với số con. Vấn đề đặt ra là cần nâng cao dân trí trong lĩnh vực dân số thì sẽ giảm được áp lực về tăng nhanh dân số” - Ba Khanh:  khanhtl80@gmail.com
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 

Trách nhiệm

 

Không có được tinh thần lạc quan như những người ủng hộ điều chỉnh số con theo hướng tăng sinh, rất nhiều phản hồi của bạn đọc chỉ ra những yếu tố còn tiềm ẩn nguy cơ  khá lớn, bất kỳ lúc nào cũng có thể làm bùng nổ dân số lên một “tầm cao” mới:

 

“Khuyến nghị của GS Cử, tôi thấy thật nguy hiểm. Nhiều người VN vẫn còn tâm lí thích nhiều con, nhất là khi chưa có con trai. Mặt khác, trách nhiệm với xã hội về số con của cặp vợ chồng còn nhiều vấn đề phải bàn. Cẩn thận không lại tốn bao tiền của, công sức mà không phanh kịp tốc độ tăng dân số!” - Lê Tiến Dũng:  letiendungtn@gmail.com

 

“Tôi không nghĩ như vậy. Chắc chắn có điều gì không đúng ở đây. Dân số nước ta hai chục năm qua đã tăng quá nhanh so với cơ sở hạ tầng, nhiều chính sách xã hội đã không theo kịp đà tăng dân số, do vậy chúng ta mới nghèo khó như bây giờ. Phải đánh giá xem tài nguyên, đất đai... của nước ta có khả năng nuôi sống được bao nhiêu người no đủ? Chúng ta không thể định hướng lao động theo kiểu mãi mãi đi làm thuê, cung cấp nhân công giá rẻ… cho người khác” - Lê Vân:  vanlemoi@yahoo.com

 

“Hầu như tỷ lệ sinh thấp chỉ xảy ra ở các đô thị lớn và khu vực có dân trí cao. Còn ở những vùng nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa, việc sinh đẻ có kế hoạch là rất ít. Hầu như những người có kiến thức văn hóa, kể cả nam lẫn nữ, họ thường muốn dừng lại ở 2 con, một số dừng lại ở 1 con. Sở dĩ người dân ngày nay sinh ít vì một đứa trẻ sinh ra ở thành phố đòi hỏi chi phí rất lớn, đẻ nhiều thì không những cha mẹ khổ mà con cũng khổ. Chính bản thân tôi cũng trong cảnh đó nên tôi dừng lại ở 1 con để có điều kiện chăm sóc con tốt hơn” – Phạm Thị Thanh:  thanh_hoa1299@yahoo.com

 

Hài hòa

 

Ý kiến ủng hộ cũng có, phản bác cũng có. Tựu trung lại, điều mà đại đa số người dân mong muốn nhất vẫn là mỗi quy định, chính sách trước khi được đưa ra rất cần được các cơ quan chức năng cân nhắc kỹ lưỡng trong tương quan so sánh với thực tế hiện tại đã khác nhiều so với trước đây. Riêng trong lĩnh vực này, xem ra điều chỉnh chính sách là chưa thật sự cần thiết, như các bạn đọc dưới đây phân tích:  

 

“Trên thực tế, suất sinh của VN có giảm nhưng chất lượng dân số chưa được nâng lên, VN vẫn nằm trong số những nước có mật độ dân số cao trên thế giới (đứng thứ 14/192). Các nhà hoạch đinh chính sách của VN nên hết sức cẩn trọng trong vấn đề này!” - Nguyễn Vinh:  hlongbay_99@yahoo.com.vn

 

“Vấn đề không hẳn ở việc sinh bao nhiêu con, mà ở việc sinh xong thì nuôi dưỡng và dạy dỗ như thế nào?  Trong giai đoạn này, VN nên quan tâm đến việc nâng cao chất lượng dân số hơn là lo về số lượng” - Mi Mô:  mimolananh@gmail.com
 
Ở ta bao việc muốn siết chặt mà vẫn còn kẽ hở, nữa là nới lỏng hơn thì... đúng là phải coi chừng hãm phanh không kịp! 

 

Kiều Anh