Không thể tin và không thể hiểu

(Dân trí) - Có lẽ, đã đến lúc, không chỉ xem xét xử lý nghiêm  những người vi phạm kỷ luật, mà cần phải xem xét xử lý nghiêm hơn đối với cả những người có quyền phán xử nhưng đưa ra mức kỷ luật nhẹ, rất nhẹ, tới mức gây bức xúc trong dư luận, so với tội lỗi của đối tượng.

sg.jpg

Tổng giám đốc Lê Tấn Hùng ký khống 13 tỉ đồng cho hàng chục người đi học tập, thăm quan nước ngoài nhưng chỉ bị kỷ luật cảnh cáo. (ảnh minh họa: ANTT)

“Quảng Trị: Bí thư huyện bị kỷ luật mất chức vẫn tiếp tục... đương chức” là tít bài (được đăng ngày 24.1 trên LĐO) khiến bạn đọc ngỡ ngàng và khó tin. Nhưng đọc rồi mới thấy, đúng là không thể tin. Không chỉ là không thể tin, mà còn rất khó hiểu.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT TƯ) quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với bà Hồ Thị Lệ Hà - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hướng Hóa, đồng thời giao Tỉnh ủy Quảng Trị bố trí công tác khác, không tiếp tục giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy. Lý do bị kỷ luật: Ban Thường vụ Huyện ủy Hướng Hóa nhiệm kỳ 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong quản lý, sử dụng đất đai và trong thực hiện một số dự án, công trình trên địa bàn huyện, gây thiệt hại ngân sách nhà nước.

Nhưng, bị thôi giữ chức Bí thư, bà Hà lại được giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị. Với những khuyết điểm đó, bà Hà vẫn giữ cương vị cao của một tổ chức chính trị lớn, cần sự đoàn kết cao, e rằng dân không phục.

Không chỉ vậy, theo bài viết trên, dù đã thôi chức Bí thư huyện, nhưng bà Hà vẫn được tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng Nhân dân huyện và Đảng bộ huyện. Chuyện này đã là lạ với người dân, nhưng khó hiểu hơn là, bà Hà đều được đa số các thành viên tham gia bỏ phiếu ghi phiếu tín nhiệm cao; trong khi những ủy viên Thường vụ Huyện ủy khác không có khuyết điểm, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì bị bỏ phiếu tín nhiệm thấp rất cao. Như vậy, có thể xảy ra hai giả thiết, hoặc là bà Hà có gì đó bị oan uổng khi UBKT TƯ kỷ luật, hoặc là, vì lợi ích nhóm, nên vẫn được một số “đồng chí” quyết liệt bảo vệ?

Dù giả thiết nào xảy ra đi nữa, đều là không ổn với dư luận. Họ chỉ thấy,  có gì đó sai sai, người dân thiếu niềm tin vào cách kỷ luật này.

Và cũng mới đây, Dân trí có bài “Cảnh cáo về mặt Đảng Tổng giám đốc TCty Nông nghiệp Sài Gòn” cũng khiến dư luận chẳng biết đâu mà lần. Theo bài báo này, ông Lê Tấn Hùng (Tổng Giám đốc TCty Nông nghiệp Sài Gòn) và Nguyễn Thị Thúy (Giám đốc tài chính - kế toán, kế toán trưởng của TCty) đã ký và chi khống hơn 13 tỷ đồng cho hàng chục cán bộ, người lao động thuộc công ty đi học tập nước ngoài. Nếu cứ so sánh đơn giản, một người, vì đói ăn cắp cái bánh mì phải đi tù, thì vị Tổng  giám đốc này không thể không ngồi tù. Mà chiểu theo luật, số tiền tham nhũng này là cực lớn, lại là vụ tham nhũng có tổ chức, án tù là chuyện đương nhiên. Vậy nhưng, vị Tổng giám đốc chỉ bị Chủ tịch TP. HCM ký quyết định kỷ luật bằng hình thức… khiển trách!? Không thể hình dung nổi, không thể tin nổi và không thể hiểu nổi. Chỉ đến khi UBKT Thành ủy vào cuộc, vị này mới bị nâng kỷ luật lên mức cảnh cáo.
Có lẽ, đã đến lúc,không chỉ xem xét xử lý nghiêm những người vi phạm kỷ luật, mà cần phải xem xét xử lý nghiêm hơn đối với cả những người có quyền phán xử nhưng đưa ra mức kỷ luật nhẹ, rất nhẹ so với tội lỗi của đối tượng, gây bức xúc trong dư luận. Không thể để dân thêm mất niềm tin vì những kiểu kỷ luật vừa khó tin, vừa không thể hiểu.

Vương Hà