“Không thể tất cả đổ lỗi cho thiên tai”

Sự cố thủy điện Sông Bung 2 (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) vào chiều ngày 13/9, mặc dù UBND tỉnh Quảng Nam đã họp báo công bố nguyên nhân ban đầu nhưng hầu hết giới chuyên gia, các nhà phân tích và dư luận xã hội đều chung nhận định, với sự cố này là “không thể tất cả đổ lỗi cho thiên tai”.

Trong cuộc họp báo diễn ra ngay sáng ngày 14/9, nguyên nhân ban đầu của sự cố được thông tin là do ảnh hưởng của bão số 4 và áp thấp nhiệt đới từ ngày 11/9, nước lũ về hồ chứa với lưu lượng rất lớn, khoảng 560m3/s. Vào 16h25 ngày 13/9, các công nhân của nhà thầu đang múc bùn đọng ở hầm dẫn dòng, chuẩn bị đổ bê tông thì nước lũ tràn về làm bục cửa van số 2 nặng 120 tấn. Hầm dẫn dòng ngập, hai công nhân lái máy đào bị nước cuốn trôi.

“Không thể tất cả đổ lỗi cho thiên tai” - 1

Hình ảnh sau sự cố tại Thủy điện sông Bung 2 (Ảnh: Hải Ninh)

Cũng theo đại diện tỉnh Quảng Nam, sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh, nhưng chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trách nhiệm thuộc về EVN, phải báo cáo với Bộ Công Thương và Thủ tướng về sự cố. “Tỉnh chỉ quản lý công trình thủy điện 30MW trở xuống, quá ngưỡng này là Bộ Công Thương. Việc tăng vốn dự án (thêm 1.600 tỷ đồng) địa phương không có thông tin, chỉ nghe qua báo chí. Khi thẩm định và nghiệm thu công trình, cũng vì lý do phân cấp, phân quyền nên tỉnh không được tham gia, dẫn đến việc không được nghe những cảnh báo về năng lực yếu kém của các nhà thầu”- đại diện tỉnh Quảng Nam khẳng định.

Trước đó, khi thi công công trình này đã xuất hiện nhiều cảnh báo về năng lực của các nhà thầu tham gia với nhiều hạn chế từ khâu tổ chức khảo sát, chuẩn bị dự án đến điều hành thi công xây dựng. Cũng chính vì những bất cập đó mà dự án phải kéo dài thêm 2 năm.

Tuy nhiên, với lý do nước lũ về hồ chứa với lưu lượng rất lớn, khoảng 560m3/s làm làm bục cửa van số 2 nặng 120 tấn, nhiều chuyên gia thủy điện cho rằng đó là cách lý giải chưa hợp lý. Bởi vì, nguyên tắc thiết kế cửa van chặn dòng là phải đảm bảo an toàn trong suốt quá trình thi công bê tông nút hầm dẫn dòng nhưng sự cố lại diễn ra ngay trong quá trình đang vệ sinh hầm để chuẩn bị đổ bê tông và mực nước lũ trong hồ chứa còn chưa vượt quá mực nước tính toán thiết kế tác dụng lên cửa van do còn đang trong quá trình tích nước.

Vì vậy, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự cố cần phải xem xét đến chất lượng xây dựng gồm có chất lượng thiết kế và chất lượng thi công các công tác này. Các giải pháp thiết kế, các yếu tố ảnh hưởng đến an toàn trong thiết kế đã tính hết chưa? Chất lượng thi công cần xem xét công tác thi công các kết cấu khe van, cửa van và quá trình thực hiện đóng cửa van có đúng quy trình không?...

Rõ ràng, các lý do đưa ra không thực sự thỏa đáng. Và để làm sáng tỏ hơn, cần nhanh chóng tổ chức giám định nguyên nhân sự cố theo quy định. Dư luận đánh giá cao và đồng tình với nội dung công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngay sau khi xảy ra sự cố. Công điện của Thủ tướng yêu cầu một số nội dung cần làm ngay, trong đó giao “Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan tổ chức giám định nguyên nhân sự cố công trình theo quy định, xác định trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn công trình”.

Thiết nghĩ, việc đổ lỗi hoàn toàn cho thiên tai trong sự cố thủy điện Sông Bung 2 là thiếu khách quan. Các chuyên gia ngành thủy điện cho rằng, về nguyên tắc, thiết kế công trình thủy điện Sông Bung 2 phải tính toán tất cả các vấn đề có thể xảy ra, đảm bảo an toàn của hầm dẫn dòng khi có lũ lớn, nhưng thực tế vẫn xảy ra sự cố, cho thấy đây là lỗi kỹ thuật, thi công của công trình. Nguyên nhân có thể do khâu thiết kế, thi công không đảm bảo, bê tông chưa đủ độ cứng...

Hội Thủy lợi Việt Nam cũng cho rằng, trong sự cố rất nghiêm trọng này, đơn vị thiết kế và thi công công trình phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Nếu tuân thủ nguyên tắc sau khi hoàn thành các hạng mục theo đúng thiết kế, Hội đồng nghiệm thu sẽ đánh giá, thẩm định, đảm bảo an toàn thì nhà máy thủy điện mới được phép tích nước lòng hồ. Tuy nhiên, đơn vị thi công còn chưa hoàn tất bịt miệng cống dẫn dòng mà Công ty phát điện 2 đã tích nước lòng hồ đến hàng chục triệu khối nước là sai nguyên tắc nghiêm trọng. Đó là chưa kể công trình sau khi đổ bê tông phải đạt cường độ tối thiểu từ 100 đến 150 kg/cm2 (mất khoảng 30 - 40 ngày) mới đạt độ cứng ổn định.

Từ các phân tích trên, dư luận đang mong chờ các cơ quan chức năng sớm kiểm tra, xác minh, kết luận khách quan và lý giải nguyên nhân thực sự của sự cố, không nên trối bỏ trách nhiệm, để rồi tất cả đổ lỗi cho ... "ông giời"!.

Dự án Thủy điện Sông Bung 2 khởi công năm 2012, được thiết kế 100MW với dung tích hồ chứa 94 triệu m3 nước. Mực nước dâng bình thường ở cao trình 605 m. Thân đập dài 477 m , cao 98 m so với đáy dòng sông. Thủy điện dự kiến phát điện vào cuối năm 2016, chậm trễ hơn một năm so với dự kiến. Công trình thủy điện Sông Bung 2 được Hội đồng nghiệm thu của Chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu, thống nhất cho phép tích nước hồ chứa từ 25/8/2016, hoàn thành đóng cửa van hầm dẫn dòng ngày 3/9/2016. Mức đầu tư ban đầu là 3.661 tỷ đồng nhưng đến tháng 5/2016, chủ đầu tư đã điều chỉnh phê duyệt thêm 1.600 tỷ đồng.

Thủy điện ở Quảng Nam được xây dựng dưới dạng hệ thống thuỷ điện bậc thang, giúp điều tiết lũ nếu xảy ra sự cố vỡ đập. Trên sông Bung hiện có 5 dự án thủy điện và thủy điện Sông Bung 4 đã hoạt động. Dự án thủy điện Sông Bung 2 là bậc thang cuối cùng ở thượng nguồn.

Lê Anh

Theo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam