Không thể chấp nhận kiểu kỷ luật như … đùa

(Dân trí) - Một câu hỏi vẫn phải đặt ra: Vì sao vẫn có những vị lãnh đạo biến chất dám làm trái luật một cách liều lĩnh trong khi “lò”của Đảng đang “thiêu rụi” những kẻ nhúng tràm?


Biệt phủ này được xây dựng trên địa bàn xã Thới Sơn dù chưa có giấy phép xây dựng và đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng.(Ảnh: Bắc Bình)

"Biệt phủ" này được xây dựng trên địa bàn xã Thới Sơn dù chưa có giấy phép xây dựng và đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng.(Ảnh: Bắc Bình)

Ông Nguyễn Văn Phong, chủ tịch xã Thới Sơn, thị xã Mỹ Tho (Tiền Giang) vừa bị UBND TP Mỹ Tho kỷ luật mức khiển trách với lý do để cho cha ruột của mình xây biệt phủ không phép trên đất chưa chuyển đổi mục đích xử dụng.

Một biệt phủ xây dựng trên đất không phải đất ở, trách nhiệm trước tiên thuộc về ông Chủ tịch xã. Nhưng người vi phạm trật tự xây dựng lại là cha đẻ của ông Chủ tịch xã thì trách nhiệm của ông chủ tịch này càng lớn. Chưa hết, cha của ông Chủ tịch xã đã từng là chủ tịch xã thì dư luận không chỉ bức xúc, mà là phẫn nộ.

Không ít câu hỏi cần đặt ra với vụ việc này:

Thứ nhất, cựu Chủ tịch xã – là bố của đương kim Chủ tịch xã Thới Sơn – lấy đâu nhiều tiền như thế để xây biệt phủ hoành tráng như vậy giữa vùng quê còn nghèo khó?

Thứ hai, lý do ông Phong bị kỷ luật khiển trách được lãnh đạo TP này đưa ra là, không gương mẫu trong vận động gia đình, người thân trong việc chấp hành chính sách pháp luật của nhà nước. Vậy thực chất, ông Phong chỉ không “gương mẫu” hay đã bật “đèn xanh” cho cha mình làm việc này? Người viết bài này cho rằng, nếu ông Phong không bật “đèn xanh”, làm sao biệt phủ này có thể ngang nhiên xây dựng giữa thanh thiên bạch nhật bất chấp những chỉ trích của dư luận.

Do đó, câu hỏi đặt ra là, đâu là lý do khiến UBND TP. Mỹ Tho không đánh giá đúng bản chất của vụ việc và đưa ra hình thức kiểu bỡn cợt dư luận như vậy?

Thứ ba, với cách kỷ luật như đùa này, có vị lãnh đạo nào phải đắn đo khi “bật đèn xanh” cho những người thân quen, đệ tử làm những việc trái pháp luật. Chắc chắn là không. Không những thế, kỷ luật kiểu này không khác gì khuyến khích cán bộ đang làm liều tiếp tục liều hơn nữa và một số cán bộ tốt cũng phải “nghĩ lại”: Có nên tử tế hay không? Còn với người dân, niềm tin mong manh vào chính quyền địa phương cũng sẽ mất nốt.

Thực ra, bàn luận câu chuyện kỷ luật cán bộ xã ở TP Mỹ Tho, người viết chỉ muốn đưa ra ví dụ nhỏ, dễ hình dung so với những vụ việc lớn hơn rất nhiều diễn ra không ít các địa phương trên cả nước.

Chẳng hạn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng phải thốt lên: “Chúng ta phải trả giá vì đã quy hoạch băm nát Hà Nội”. Vậy nhưng, đã một ai góp phần “băm nát” Hà Nội bị kỷ luật chưa? Theo tôi được biết, từ các cán bộ có trách nhiệm của Sở Quy hoạch kiến trúc cho đến lãnh đạo thành phố phụ trách mảng này chưa một ai bị kỷ luật, dù đã góp phần quyết định “băm nát”. Phải chăng, đó cũng là lý do, hiện không ít quy hoạch bị điều chỉnh cục bộ với hướng tăng mật đô xây dựng bất chấp người dân khiếu kiện, tố cáo, thậm chí kiện cả ra tòa. Ngay như Đà Nẵng, được coi là thành phố đáng sống nhờ những quy hoạch bài bản, nhưng rừng đặc dụng ở bán đảo Sơn Trà vẫn bị “băm nát” bởi những trụ bê tông, cốt thép được dựng nham nhở trên những cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá không thương tiếc. Vậy đã có vị cán bộ nào bị kỷ luật vì nó chưa? Dư luận chỉ biết một số cán bộ bị xử lý hình sự vì liên quan đến bán đất, bán công sản trái luật cho Vũ “nhôm”, còn chuyện liên quan đến quy hoạch thì chưa. Hoặc như, dù người dân khiếu kiện rất gay gắt, nhưng vì sao phải hơn chục năm sau những sai phạm ở thủ Thiêm mới bị lôi ra ánh sáng? Điều đó cho thấy, tầng tầng lớp lớp các nhóm lợi ích đã che chắn một cách trắng trợn những hành vi sai trái của mình. Phải chăng, chính vì vậy, những nhóm lợi ích mới cả gan dính các sai phạm một cách liều lĩnh hơn, như bán không qua đấu giá mảnh đất vàng 5.000 m2 ở số 8-12 đường Lê Duẩn với giá rẻ mạt? Thậm chí, Cty Tân Thuận (thuộc sở hữu Đảng bộ Thành phố HCM) bán cho Cty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai tới 32 ha không đúng với thẩm quyền. Nhưng không may cho họ, việc mua bán trái luật, dựa vào sự “bật đèn xanh” của những nhóm lợi ích diễn ra trong bối cảnh “lò” chống tiêu cực của Đảng đang rực cháy. Những vụ mua bán đó đã bị hủy, không gây thiệt hại cho Đảng bộ TP HCM và người chịu trách nhiệm chính là ông Tất Thành Cang – Phó Bí thư thành ủy đã bị nêu đích danh. Nhưng một câu hỏi vẫn phải đặt ra: Vì sao những vị lãnh đạo này dám làm trái luật một cách liều lĩnh như vậy trong khi “lò”của Đảng đang nóng? Tuy nhiên, dư luận tin tưởng và hy vọng với những gì Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã và đang cùng các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước xử lý nghiêm khắc, kịp thời những đối tượng biến chất, sẽ có tác dụng cảnh báo, ngăn chặn, đầy lùi những tham vọng làm giàu bất chính từ công quỹ, thậm chí từ miếng cơm, manh áo của người dân.

Vương Hà