Bạn đọc viết:

Không nên hy sinh quyền lợi của học sinh

(Dân trí) - Giải pháp đổi giờ học nhằm mục đích giảm ùn tắc giao thông, nhưng đang gây ra nhiều tranh cãi trái chiều, nhất là ở Hà Nội. Tôi nghĩ, những người đưa ra chính sách và thực hiện chính sách có ảnh hưởng lớn đến xã hội như thế này, cần đặc biệt cẩn trọng.

Nhất là khi chính sách được đưa ra và thực hiện lại có ảnh hưởng lớn đến đối tượng trẻ em. Trong chuyện này, theo tôi nghĩ, Bộ Giao thông Vận tải và UBND Tp Hà Nội cần dựa trên những cơ sở quy định của hiến pháp, pháp luật và đặc biệt trên cơ sở tôn trọng ý kiến và quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng. Trong đó cần chú trọng nhất là trẻ em - những chủ nhân tương lai của xã hội, những sinh linh bé bỏng được luật pháp quy định phải được "Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục" (viết hoa).

 

Không ai, vì bất cứ lý do gì có thể lấy mục đích để biện minh cho phương tiện khi mà phương tiện là việc hy sinh quyền lợi của các cháu. Mà các vị cũng cần nghĩ lại, đâu là mục tiêu, đâu là phương tiện? Chống ùn tắc giao thông hay là chất lượng sống của mọi người, trong đó có trẻ em?
 
Không nên hy sinh quyền lợi của học sinh - 1
Đi học từ tờ mờ sáng, tan học khi thành phố đã lên đèn (ảnh: Nguyễn Hùng)

 

Bạn tôi có 2 con đang là học sinh phổ thông. Một con 9 tuổi, học lớp 4, một con 16 tuổi, học lớp 11. Cả hai con đều bị điều chỉnh bởi giờ học mới và có những xáo trộn lớn trong sinh hoạt, nhưng quan trọng hơn là trong cách suy nghĩ của các con, đáng buồn giờ lại mang tính tiêu cực.

 

Con nhỏ hỏi mẹ: Tại sao con phải về muộn thế hả mẹ, tại sao con không có thời gian nào được nghỉ nữa mà cứ phải ngồi suốt ở trường? Tại sao nhà trường bảo giảm tải mà con lại phải mang thêm nhiều sách nặng hơn?... (Về chuyện mang nhiều sách nặng hơn là do còn một tuần học thêm 2 buổi tiếng Anh vào lúc 5 giờ chiều).

 

Trước đây tan học lúc 4.30, con kịp về nhà để ăn chút đồ, tắm rửa rồi thay cặp sách khác đựng tiếng Anh để đi học. Nay đổi giờ sang 5.30, con đành cho cả hai loại sách – sách ở trường, sách học tiếng Anh vào chung một cặp để học xong là bố đón chạy sang trung tâm tiếng Anh. Vừa nặng, vừa mệt và đói. Và vẫn muộn học hơn nửa tiếng (phải đi lại mà).

 

Nếu cứ thế này tiếp chắc con đành nghỉ học vì trung tâm ngoại ngữ uy tín này không nhận học sinh nhảy ngang mà chỉ nhận từ khi mới 5 tuổi. Bạn tôi không biết nói với con thế nào, chỉ biết động viên con: Cố gắng chịu đựng, các bạn chịu được thì con hãy cố gắng chịu đựng, đây là thử nghiệm, chắc độ hai ba tuần nữa nhà nước sẽ nghiên cứu lại để điều chỉnh cho phù hợp hơn.

 

Con lớn còn có tâm trạng tệ hơn. Con học lớp 11 đã biết quan sát và suy nghĩ nhiều hơn. Con hỏi: Tại sao trẻ em không được tôn trọng, không được hỏi ý kiến, không được bảo vệ và không ai đứng ra bảo vệ. Khi con học ở nước ngoài (con đã từng học một thời gian ở nước ngoài), trẻ em luôn luôn được xã hội, nhà trường và chính quyền quan tâm chăm sóc, tạo những điều kiện ưu đãi nhất mặc dù xã hội của nước người ta đã có rất nhiều ưu đãi với trẻ em rồi.

 

Ở Việt Nam các con vốn đã phải học nhiều, giờ phải ở trường nhiều hơn một cách rất vô lý (hoặc là buổi trưa, hoặc buổi tối). Khoảng thời gian quí báu này thật lãng phí vì các con rất cần nghỉ ngơi, ăn uống, tắm giặt, chơi thể thao và cũng cần để học và làm bài tập nữa, không kể còn học thêm để chuẩn bị thi đại học…

 

Dưới đây xin trích dẫn vài điều của Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em số 25/2004/QH11 được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 15/6/2004 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2005,  để các bạn đọc thân mến cùng  các nhà quản lý cùng suy nghĩ, cân nhắc để đưa ra những quyết định hợp hiến và hợp lòng dân hơn. Luật này quy định:

 

Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của gia đình,  nhà trường, Nhà nước, xã hội và công dân. Trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan đến trẻ em thì lợi ích của trẻ em phải được quan tâm hàng đầu.  (Điều 5)

 

Các hành vi bị nghiêm cấm : Cản trở việc học tập của trẻ em (Điều 7).

Trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ (Điều 15).

Trẻ em có quyền được học tập (Điều 16).

Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí lành mạnh, được hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với lứa tuổi (Điều 17).

Trẻ em có quyền được tiếp cận thông tin phù hợp với sự phát triển của trẻ em, được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề mình quan tâm (Điều 20).

 

Tôi rất mong tòa soạn cho đăng những dòng này. Trân trọng cảm ơn.

 

Jumazi Lai