Khi văn bản tuýt còi bị tuýt còi

Ngay sau khi Bộ GTVT “tuýt còi” dịch vụ đi chung xe của Uber, Grab, Bộ Tư pháp liền “tuýt còi” cái văn bản “tuýt còi” này vì cho rằng quy định này không hợp lý, cản trở doanh nghiệp kinh doanh vận tải... Câu chuyện một lần nữa cho thấy sự bất cập trong tư duy quản lý chứ không thuần tuý nằm ở kỹ thuật ban hành văn bản quy phạm.


Ảnh: Sài Gòn Giải phóng

Ảnh: Sài Gòn Giải phóng

Trở lại ít năm trước, khi đưa ra đề xuất xe ôtô vào nội đô phải đi đủ số người (chẳng hạn xe 5 chỗ phải đủ 5 người), những người quản lý đã nói tới lợi ích tiết kiệm, như kiểu lo cho dân, bên cạnh mục tiêu chính là hạn chế ôtô vào nội thành để chống ùn tắc.

Khi ấy, những ý kiến phản đối đa phần đều đặt vấn đề đại loại làm sao mà gom cho đủ người, chẳng lẽ lại sẽ sinh ra một nghề mới là ngồi thuê... Quy định ấy tất nhiên không thể ban hành và nó được nhớ mãi, như một minh chứng cho sự oái oăm của những đề xuất kiểu “ngồi trên trời làm chính sách”.

Song khi Uber và Grab, với chỉ một phần mềm kết nối, quản lý rất đơn giản để giải bài toán đi chung xe bế tắc năm xưa thì Bộ GTVT lại tuýt còi. Và cái lý của văn bản tuýt còi này, thật kỳ lạ và không thể lý giải, lại là “đảm bảo quyền lợi cho hành khách”.

Tại sao Bộ GTVT lại quản lý nhân danh việc bảo vệ quyền lợi mà mỗi người dân đều định lượng, đều tự quyết được? Rất khó để trả lời. Khó như việc tưởng như đơn giản là trả lời câu hỏi khái niệm quyền lợi của dân.

Đúng hơn, có lẽ là tư duy quản lý "không quản được thì cấm", chưa biết là gì thì cứ cấm cho... an toàn.

Với việc văn bản tuýt còi bị tuýt còi, một lần nữa lại cho thấy chất lượng ban hành văn bản rất “có vấn đề”. Mà chuyện buộc đi chung để bảo vệ quyền lợi hay cấm đi chung cũng vì bảo vệ quyền lợi cho dân cho thấy sự khác biệt trong việc tư duy quyền lợi của dân. Và cả sự sợ hãi của quản lý trước những cái mới, cái hay, cái tiến bộ. Sợ hãi, lo ngại chỉ vì nó mới, nó khác mình, chỉ vì mình không quản lý được, vì không có lợi ích trong đó.

Và cái lý nhà nước chỉ đúng, văn bản quản lý chỉ được chấp nhận khi những người ban hành văn bản luật đặt mình vào vị trí của người dân, của doanh nghiệp để lý giải về chuyện bảo vệ quyền lợi cho họ.

Theo Anh Đào

Báo Lao động