Khi tàu Trung Quốc nổ súng vào tàu cá Việt Nam

Trước khi gây hấn với bên ngoài, các thế lực bá quyền của Trung Quốc luôn tìm cách kích động tinh thần dân tộc hẹp hòi trong nước, cho báo chí nói xấu Việt Nam là vô ơn, là kẻ chiếm biển đảo của Trung Quốc.

Nóc cabin tàu QNg 96382 TS của thuyền trưởng Phải bị bắn cháy đen
Nóc cabin tàu QNg 96382 TS của thuyền trưởng Phải bị bắn cháy đen
 

Thêm một hành động leo thang đặc biệt nghiêm trọng của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngày 20.3, tàu Trung Quốc đã truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin một tàu cá Việt Nam khi tàu này đang đánh bắt cá trên chính ngư trường quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gọi đây là hành động sai trái và vô nhân đạo vì nó đã đe dọa tính mạng ngư dân Việt Nam. Rõ ràng hành động của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở mức đe dọa dùng vũ lực, mà họ đã trực tiếp sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển này.

 

Chưa hết, ngày 24.3, Nhân Dân Nhật báo Bắc Kinh ngang nhiên đưa tin hai tàu thuộc Hạm đội Nam Hải, tàu Tỉnh Cương Sơn cùng các khu trục hạm Lan Châu, hộ vệ hạm Hoành Thủy và nhiều chiến đấu cơ sẽ tuần tra và diễn tập trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Như vậy là họ đã đơn phương đưa tranh chấp biển đảo với nước ta tới một bước ngoặt nguy hiểm.

 

Chúng ta nhiều lần tuyên bố sẽ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ ngư dân một cách hòa bình, thông qua con đường ngoại giao, thương lượng song phương và đa phương, không khoan nhượng về pháp lý và sự thật lịch sử, rất cố gắng bảo vệ tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc.

 

Trong thời điểm nghiêm trọng dễ bị kích động, chúng ta vẫn kiên định lập trường ấy, bởi vì chúng ta tin vào lương tri của người dân Trung Quốc, mong muốn của nhân dân trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên cũng rất cần phải bình tĩnh, sáng suốt tìm ra cách xử lý thiết thực, đúng đắn để bảo vệ cho được toàn vẹn chủ quyền.

 

Trước khi gây hấn với bên ngoài, các thế lực bá quyền của Trung Quốc luôn tìm cách kích động tinh thần dân tộc hẹp hòi trong nước, cho báo chí nói xấu Việt nam là vô ơn, là kẻ chiếm biển đảo của Trung Quốc. Chúng ta đã nhận ra, bắt đầu có cảnh giác, nhưng vẫn chưa đủ. Phải nghiêm túc soát xét lại để loại bỏ những gì trong quan hệ hợp tác bị thiên lệch, không đạt mục tiêu hai bên cùng có lợi.

 

Trước sự đe dọa của ngoại bang, điều quan trọng nhất là phải thực hiện cho được đại đoàn kết dân tộc. Lịch sử Việt Nam đã nhiều lần chứng minh rằng lòng yêu nước và đoàn kết dân tộc mạnh hơn mọi thứ vũ khí của kẻ xâm lược.

 

Một bài học quan trọng khác từ cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của chúng ta là sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Thời đại luôn có sự phân hóa và tập hợp lực lượng mới của nhân loại tiến bộ theo hướng hòa bình và hợp tác, quan tâm nhau, chống lại các thế lực gây chiến xâm lược.

 

Chúng ta chủ trương không liên minh với một nước nhằm chống lại nước thứ ba; nhưng không có nghĩa là làm triệt tiêu khả năng khi bị xâm lược không có ai là bạn sẵn sàng cứu giúp. Vấn đề là phải chứng tỏ được với bạn bè gần xa rằng Việt Nam nằm trong lực lượng tiến bộ của nhân loại yêu hòa bình, không ngừng đổi mới theo hướng tự do, dân chủ, thực hiện quyền con người, có khả năng đóng góp tích cực cho ASEAN và cho thế giới.

 

Ngày 24.3, bên chiếc tàu cá bị bắn cháy vừa cập bến, thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh tuyên bố với báo chí rằng mình quyết sống xứng đáng với ông cụ tổ Phạm Quang Hành ra khai thác Hoàng Sa từ thế kỷ 17. Nếu được giúp đỡ vốn liếng sửa chữa tàu, anh sẽ tiếp tục ra Hoàng Sa, vừa đảm bảo cuộc sống riêng, vừa góp phần khẳng định chủ quyền đất nước.

 

Tuần trước, trong cuộc hội thảo về biển Đông ở New York, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ - ông Chistopher Hill - nói: “Chắc chắn nếu bạn là một ngư dân Việt Nam thì vào lúc này bạn sẽ không hề thấy có tự do hàng hải ở biển Đông”.

 

Việc này cho thấy dư luận quốc tế đứng về phía chúng ta. Vấn đề còn lại là bản thân ta biết cách nhân lên tiềm năng bên trong và bên ngoài như thế nào để bảo vệ mình.

 

Theo Tống Văn Công

Lao Động