Khi nghệ thuật nặng gánh kinh doanh

(Dân trí) - Những cụm từ “nhạy cảm” được nhà báo Lê Thanh Phong sử dụng trong bài “Từ chuyện Mỹ Tâm với cú lắc đầu của ông chủ tịch” cũng từng là điểm nóng gây tranh luận giữa khán giả mỗi khi bình về showbiz Việt. Gánh kinh doanh trong nghệ thuật quả là quá nặng...

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Từ góc nhìn quy luật thị trường...

 

Cũng là nói về quan điểm “thị trường có quy luật của nó và thị trường giải trí cũng vậy”, nhưng ý kiến của July minuongle@yahoo.com.vn có thể coi như thay lời một số bạn đọc chú trọng yếu tố “thuận mua vừa bán” hơn trong bất kỳ lĩnh vực nào, mà nghệ thuật cũng không thể ngoại lệ:

 

“Thị trường kinh tế và thị trường âm nhạc là 2 mặt bằng hoàn toàn khác nhau, nhưng điểm chung là thuận mua vừa bán. Lĩnh vực giải trí không giới hạn sự thu hút của "sao", còn khán giả thì mong muốn sự thỏa mãn về mặt giải trí. Do vậy cái giá để đạt được sự thỏa mãn đó là hoàn toàn xứng đáng cho người đáp ứng được nó, vậy theo tôi là không nên đem ra so sánh như thế. Và nếu có 1 ngày trong cuộc sống không có sự xuất hiện của các ngôi sao này, thì các anh chị nhà báo liệu có thiếu chủ đề để viết, bởi chính báo giới cũng viết nhiều về các scandal liên quan đến các sao đó thôi?”

 

Hoàng Tuấn Anh fogprince@gmail.com nêu rõ 1 thực tế của cái gọi là “thị trường âm nhạc” VN lâu nay:

 

“Nói đi thì cũng phải nói lại, nghệ thuật phải đi vào lòng công chúng 1 cách tự nhiên và đơn giản nhất. Nói về thanh nhạc hay những kỹ thuật cao siêu khác, thì có mấy người nghe nhạc biết được? Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng... họ có 1 sức hút riêng mà công chúng chấp nhận. Tôi nghĩ, cái gì đem được vào cuộc sống và được chấp nhận là họ thành công. Những người có khả năng như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay, nếu bạn có khả năng như họ chắc cũng không từ chối người khác trả tiền công cao, đúng không?”

 

Chúng tôi chọn tiếp bình luận của Nguyễn Quân langthangnet_5099@yahoo.com.vn như đại diện cho xu hướng khác, cho rằng “yếu tố thị trường” khi quá được đề cao trong lĩnh vực nghệ thuật là chưa phù hợp với tình hình thực tế của đất nước ta nói chung hiện nay:

 

“Do thị trường mà ra thôi, khi nghệ thuật bị đem ra để kinh doanh là chủ yếu thì nó vậy. Trong khi đất nước ta vẫn còn nghèo về nhiều thứ, nhất là tài chính...”

 

Từ một góc nhìn khác, Thu Trang dauyeu142@yahoo.com nêu quan điểm của không ít khán giả cho rằng đó chính là sự muôn mặt của cuộc sống hôm nay mà chúng ta không thể chối bỏ:

 

“Giới showbiz ở quốc gia nào chẳng vậy, giá catse của những người thực sự nổi tiếng đều cao ngất ngưởng. Mọi người (phản đối) mà biết được catse của các ca sỹ nổi tiếng ở Hàn, Mỹ… thì chắc là… ngất xỉu mất đấy. Có lẽ cũng cần mở rộng tầm nhìn ra xa thêm để chấp nhận thực tế đó…”

 

Do Hong Cam dohongcamvn@yahoo.com lại đưa ra những trải nghiệm khác để bạn đọc có so sánh phong phú và đa dạng hơn:

    

“Hồi ở VN, với mức lương 4tr/tháng dù muốn lắm mà cũng không thể có tiền để chi 1tr-3tr/vé đi xem các anh chị ấy hát. Mà nào có phải Bethoven hay Mozart gì đâu cơ chứ!!! Ở Pháp chỉ cần khoản tiền tương tương vài trăm ngàn VNĐ là tôi đã có thể đi xem show của các ca sĩ nổi tiếng. Ca sĩ nước ngoài catse cũng cao nhưng họ bị đóng thuế nhiều lắm, chẳng dễ dàng như sao Việt hiện nay đâu…. Trong khi người dân VN thì chỉ những nhà có điều kiện mới dám đi nghe nhạc… Ủng hộ bài báo!!!”
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

... Và trực diện thực tế cuộc sống

 

Vâng, xu hướng ủng hộ như của Do Hong Cam vẫn chiếm vị thế chủ đạo trong hàng ngàn phản hồi của bạn đọc cả nước với bài báo này. Dù những điểm “đặc biệt” được định danh như “quái chiêu”, “quái nhân”, “sự tưởng tượng của những người giàu trí tưởng tượng, nhưng nghèo… ” quả đúng là những liều thuốc đắng rất khó nuốt. Nhưng chẳng phải có câu “thuốc đắng dã tật” đó sao?

 

Dưới đây, chúng tôi trích 1 số từ hàng trăm phản hồi  lý giải sự “tâm phục, khẩu phục” với những điều mà nhiều người cùng chung ý nghĩ trước nghịch lý: những giá trị “ảo” lại thường được lên ngôi ở nước ta lâu nay. Biết là vậy, nhưng không phải ai cũng mạnh dạn dám “đánh trực diện” như tác giả Lê Thanh Phong, có lẽ cũng bởi tâm lý chung… ngại đụng chạm:

 

 “Bài viết này hay quá! Đúng với tâm trạng của mình trước nạn "sao" và thần tượng của giới trẻ hiện nay. Đúng như bạn nói, những người thật sự biết thưởng thức âm nhạc thì họ biết đâu là sao thật sự, đâu là thần tượng của mình chứ không phải là những "sao ảo" như bây giờ. Nhiều khi rất muốn đến rạp để xem các ca sĩ thật sự, nhưng khi thấy lồng vào đó những sao ảo thì mất hứng không thể bỏ tiền để rồi mua thứ âm nhạc hỗn độn của những sao ảo đó” - Phạm Viết Đạt:  datpham03@yahoo.com

 

"Có những người yêu nhạc, với chương trình của các loại “sao” này, cho không vé họ cũng không cần" - Cá nhân tôi thích câu này. Tôi chẳng biết mấy người có (đòi) thù lao cao mới biểu diễn là ai chứ? đâu được như Trần Hiếu, Bích Liên ... ngày trước. Bạn Thanh Phong đã nói đúng về thực trạng của nhiều "người hâm mộ" ở ta bây giờ,  có vẻ như cố mua được vé vào xem để về còn… "chém gió" lấy "oai" chăng?” - Nhachuahp:  nhachuahp@yahoo.com

 

“Bài báo hơn cả tuyệt vời. Bỏ ra sức lao động nhẹ nhàng, ít suy nghĩ mà mang lại số tiền khủng hơn cả các giáo sư, tiến sĩ , kỹ sư hay cử nhân thì đúng là rất không công bằng. Cũng mong cộng đồng đam mê âm nhạc theo trào lưu hiện nay sớm tỉnh lại để đánh giá chất lượng âm nhạc theo đúng nghĩa. Mong rằng có nhiều phóng viên cũng như nhà báo viết những bài hay như anh Phong, rất hoan nghênh!” - Nguyễn Văn Linh:  vanlinhxd@gmail.com

 

“Cảm ơn tác giả của bài viết này đã nói hộ lòng tôi - "Có những người yêu nhạc, với chương trình của các loại "sao" này. cho không vé họ cũng không cần" - Phải thừa nhận, tác giả của bài viết có một cái nhìn thật thấu đáo với những ca sỹ thị trường hiện nay” - Phùng Trường Giang: tinhthienthu182@gmail.com

 

“Bài viết quá hay, quá hay ! Đà Nẵng thực sự là một thành phố đáng sống! Trước đây Đà nẵng có ông Nguyễn Bá Thanh, giờ mong người kế tiếp cũng sẽ làm được như vậy. Càng mong sao cho cả nước có nhiều chủ tịch Tỉnh, chủ tịch Thành phố  như ông Bá Thanh và có nhiều nơi làm được như Đà Nẵng thì chẳng những thị trường âm nhạc sẽ lấy lại được thăng bằng, mà các lĩnh vực khác cũng sẽ trở về đúng với quỹ đạo của nó. Một lần nữa cảm ơn tác giả Thanh Phong!” - Nguyễn Thu:  thunguyenvan2@gmail.com

 

Lời nói khéo bao giờ cũng dễ nghe hơn. Nhưng chính số đông khán giả cũng đã nhấn mạnh rằng: đã tới lúc phải đánh trực diện vào các giá trị “ảo”, trả lại sự tôn vinh đích thực với các giá trị thực rồi đó.

 

Kiều Anh