Khi nào mới hết xây dựng các công trình gây lãng phí?

Câu hỏi đặt ra là khi nào chúng ta mới có cơ chế, biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn triệt để tình trạng lãng phí tràn lan như hiện nay?

Khi nào mới hết xây dựng các công trình gây lãng phí? - 1

Minh họa: Ngọc Diệp

Tình trạng lãng phí ở nước ta đang ở mức báo động, có chuyên gia cho rằng ngoài việc chơi sang thì lãng phí cũng đứng hàng đầu thế giới. Đâu đâu cũng có những công trình hoành tráng, quy mô hàng ngàn tỷ đồng xây xong bỏ hoang hoặc ít phát huy hiệu quả trong đời sống.

Nguyên nhân gây ra tình trạng lãng phí chủ yếu là do buông lõng trong quản lý, giám sát, phê duyệt các công trình, dự án. Hầu như chưa có cá nhân, tổ chức nào bị xử lý pháp luật vì tham mưu, đề xuất, phê duyệt, quyết định đầu tư công trình gây lãng phí, thậm chí họ hoàn toàn vô can nếu xảy ra sai phạm, không hiệu quả. Nhìn ra thế giới, chắc chỉ có Việt Nam mới còn tồn tại tình trạng các công trình công cộng dùng tiền ngân sách gây lãng phí nhưng không ai bị xử lý và cuối cùng chỉ chỉ có người dân, xã hội và ngân sách nhà nước chịu! Trong khi đó những người có thẩm quyền liên quan trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư, thiết kế, thi công... lại không chịu trách nhiệm gì! Đây là nghịch lý đã được cơ quan chức năng nhận diện, dư luận xã hội phản ánh nhiều năm qua nhưng chưa có biện pháp thật sự hữu hiệu để ngăn chặn, khắc phục và các công trình lãng phí vẫn cứ thi nhau mọc lên gây thiệt hại rất lớn cho đất nước, để lại hậu quả tiêu cực cho thế hệ tương lai.

Câu hỏi đặt ra là khi nào chúng ta mới có cơ chế, biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn triệt để tình trạng lãng phí tràn lan như hiện nay? Theo chúng tôi, để ngăn chặn tình trạng lãng phí, bên cạnh cần kiểm soát chặt chẽ nguồn chi ngân sách thì việc xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức trong việc tham mưu, đề xuất và phê duyệt, quyết định đầu tư các công trình là rất quan trọng. Đối với những công trình, dự án nào thật sự cần thiết mới phê duyệt chủ trương đầu tư, đối với các công trình chưa đánh giá đầy đủ về tính khả thi hoặc có thể không hiệu quả, lãng phí thì tuyệt đối không triển khai. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm đối với các hành vi như đầu tư dàn trãi, không hiệu quả gây lãng phí. Theo đó, đối với các hành vi trực tiếp gây ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư sai, kém hiệu quả, gây lãng phí... cần phải bị xử lý nghiêm minh, triệt để nhẹ có thể xử lý kỷ luật, nặng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Có như vậy, mới ngăn chặn được tình trạng những người có thẩm quyền cứ vô tư phê duyệt, quyết định đầu tư xây dựng công trình, dự án dù biết chắc là không khả thi và gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, sự phát triển của đất nước.

Vĩnh Linh