Bạn đọc viết

Khi lãnh đạo biết lắng nghe dân

Chuyện tưởng sẽ rất phức tạp nhưng đã được hóa giải thật đơn giản chỉ vì lãnh đạo đã biết lắng nghe dân. Một bài học sâu sắc cho người lãnh đạo nói riêng và chính quyền nói chung.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Như báo chí đã đưa tin, từ ngày 26/2 đến ngày 6/3, hàng trăm người dân các xã, phường thuộc thị xã Sầm Sơn đã kéo đến trước trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa phản đối việc chính quyền giao cho doanh nghiệp khai thác tuyến bờ biển sầm uất nhất Sầm Sơn khiến người dân lo “mất kế sinh nhai”. Vụ việc đã làm nóng dư luận trong suốt hơn một tuần vừa qua khiến không ít người lo sợ nghĩ đến một hệ quả xấu nếu sự việc vuột khỏi tầm kiểm soát của đôi bên.

Nhưng điều đó đã không xảy ra khi sáng 7/3, diễn ra cuộc đối thoại trực tiếp giữa bà con ngư dân Sầm Sơn với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa do Bí thư tỉnh ủy chủ trì.

Qua đối thoại, người dân bộc bạch nguyện vọng của mình: "Người dân chúng tôi lúc nào cũng ủng hộ chủ trương của nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên doanh nghiệp phát triển được, các cấp chính quyền cũng phải quan tâm, tạo điều kiện cho người dân sinh sống"; Một ngư dân khác, ông Vũ Như Kính, xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn tha thiết: “Đề nghị các cấp phải thương dân, quan tâm, bảo vệ đời sống nhân dân vì nhân dân là gốc. Nghề truyền thống lưới chài trên biển phải giữ lại để con cháu sau này tiếp nối. Dân biển phải có biển, vừa nghề truyền thống, vừa nghề sinh sống của nhân dân. Về mức đền bù, người dân không nhận một đồng nào hết. Nhân dân theo nghề truyền thống và xin giữ 1km bờ biển thôi, còn lại giải quyết cho du lịch Sầm Sơn”.

Thì ra, nguyện vọng của dân chẳng có gì là to tát. Vẫn là miếng cơm manh áo như ngàn đời nay vậy. Điều đơn giản ấy nếu không hiểu hay cố tình không hiểu, vô hình trung sẽ đẩy dân vào thế đối lập với chính quyền và hậu quả sẽ không lường trước được.

Kết thúc cuộc đối thoại, lãnh đạo tỉnh đã hiểu dân hơn và dân càng đồng thuận với chủ trương của nhà nước. Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến tỏ ý để xảy ra sự việc người dân phản đối mấy ngày qua trên địa bàn là điều đáng tiếc. Ông nói: "Là người đứng đầu tỉnh, bản thân tôi thấy có khuyết điểm, có lỗi với bà con ngư dân Sầm Sơn, người dân thị xã Sầm Sơn". Ông cho hay, lãnh đạo tỉnh đã tiếp nhận các ý kiến của người dân, động viên người dân yên tâm và hứa sẽ có hướng giải quyết các vấn đề bà con còn thắc mắc.

Chuyện tưởng sẽ rất phức tạp nhưng đã được hóa giải thật đơn giản chỉ vì lãnh đạo đã biết lắng nghe dân. Một bài học sâu sắc cho người lãnh đạo nói riêng và chính quyền nói chung.

Mong rằng, những gì diễn ra trong cuộc đối thoại sáng nay sẽ sớm trở thành hiện thực để người dân an cư lạc nghiệp với nghề truyền thống của cha ông, để "Biển Sầm Sơn là biển chung cho cả khách du lịch và nhân dân" như một vị lãnh đạo tỉnh đã khẳng định trước dân trong cuộc đối thoại này.

Nguyễn Duy Xuân