Hối lộ chạy việc và Bộ trưởng Nội vụ mới chỉ nghe dư luận

(Dân trí) - Gần đây một số quyết định của Chinh phủ hay những phát biểu của một số quan chức (thu thêm phí, chống quá tải bệnh viện, chạy việc... ) làm người ta băn khoăn: Thế kỷ thứ XXI là thế kỷ của tri thức, VN có ứng dụng tri thức vào quản lý chưa?

Nhìn người ...
 

Ở đây xin mở một dấu ngoặc để nói về người khác nhưng hoàn toàn không lạc đề: Giáo sư Jean-Pierre Olivier de Sardan vừa mới được Đại học Liege vinh danh Tiến sĩ Danh dự (docteur honoris causa) cách đây bốn hôm. Khó có thể tóm gọn tiểu sử của giáo sư Olivier de Sardan trong vài dòng được. Ông đã dành hơn 30 năm nghiên cứu về nhân văn trong sự phát triển của các vùng ở châu Phi, qua những cách quản lý quốc gia và quản lý các chương trình quốc tế trợ giúp phát triển.

 

Chuyên môn của giáo sư Olivier de Sardan là nghiên cứu những khác biệt giữa luật và lệ, giữa cái chinh thức và cái hiện thực, giữa chính sách chủ trương và hiện trạng xã hội, giữa chinh phủ hay quốc hội và cuộc sống dân tình.

Y kiến của bạn về vấn đề nay xin gửi đến Diễn đan Dan tri  qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn

 

Giáo sư kể: Nếu chỉ dựa trên chương trình, chính sách và những báo cáo thì xã hội ở châu Phi rất giỏi, rất tốt. Xã hội dân chủ, phát triển có năm đến hai con số (trên 10%). Y tế phổ cập về tới nông thôn ...

 

Thế nhưng chỉ cần mở mắt đi ra đường là thấy hiện trạng xã hội hoàn toàn khác hẳn: khoảng cách giữa quan chức và dân càng ngày càng rộng; tỉ lệ phụ nữ tử vong lúc sinh nở giảm rất it; tệ nạn hối lộ ở các bệnh viện, việc phòng chống AIDS dậm chân tại chỗ; số trẻ mù chữ vẫn đông; tỉ lệ người nghèo vẫn cao ...

 

Sau 30 năm sinh sống và làm việc thực tiễn tại Nigeria, dù vẫn tiếp tục giữ những trách nhiệm ở Pháp, giáo sư Olivier de Sardan nói được nhiều thổ ngữ. Ông đi sâu vào những cộng đồng người dân để phỏng vấn, tìm hiểu sâu sắc các vấn đề để hiểu rõ tại sao những khoản viện trợ phát triển không đạt hiệu quả theo dự kiến. Những chủ trương chính sách khi đi vào thực tiễn thì bị sai lệch đi, vì người chủ trương không nắm sát hiện tình, vì người chấp hành không có khả năng, vì quan liêu, vì tham nhũng ...

 

Thế nhưng các nhà chức trách sở tại luôn từ chối nhìn thẳng vào sự thật. Một phần là để bảo đảm sự chính thống của họ, một phần vì không dám nhìn nhận những thất bại của các chính sách họ đưa ra, một phần khác nữa vì họ ích kỷ ...

 

Người dân thì phải vất vả bươn chải kiếm sống từng ngày, rồi phải lo thích nghi với những cơ cấu “không chinh thức” nhưng cần thiết (hối lộ chẳng hạn là hình thức điển hình nhất. Khai gian, giả mạo ...là những ví dụ khác). Rốt cuộc những cách biệt giữa một bên  gồm lý thuyết, giấy tờ, chính sách với bên kia là hiện thực cuộc sống hàng ngày không còn là ngoại lệ mà đã thành “nguyên tắc” - dù  bất thành văn đó nhưng là lẽ thường tình và ai cũng phải tuân thủ.

 

Cái kiểu "nói hai thứ tiếng" (double langage) – “ngôn ngữ” theo các văn bản và “ngôn ngữ” của cuộc sống hàng ngày -  không còn xa lạ nữa. Để sống còn trong xã hội, phải biết cả hai thứ tiếng đó để “thích hợp với cuộc sống”. Phải biết “luật” và cũng phải biết “lệ”.

 

Thế nhưng cũng đã lóe lên một hi vọng: dù bị ngăn cản, khó khăn, giáo sư Olivier de Sardan vẫn đã thành lập được từ hơn 20 năm qua Hội Phi-Âu về nhân văn học chuyên ngành phát triển xã hội và đã đào tạo được một thế hệ thanh niên ở Phi châu có vốn liếng khoa học, ý thức được những phức tạp của hiện trạng xã hội và có khả năng nhận định khách quan các vấn đề. Thế hệ này có tiềm năng giúp châu Phi  phát triển thật sự.

 
... Và ngẫm đến ta

 

Xin nhắc lại: Thế kỷ thứ XXI  là thế kỷ của tri thức. Đó không phải là ý kiến của người viết bài này, mà UNESCO đã khẳng định như thế trong Tuyên ngôn về Giáo dục Đại học. Mà tri thức gắn liền với khoa học. Ta không thể làm thử, nếu có sai thì kiểm điểm và chỉnh đốn sau (trong lúc đó xã hội các nước láng giềng sẽ không đợi ta đâu, mà sẽ phát triển vượt lên ngày càng xa chúng ta). Những sai lầm thế nào cũng để lại nhiều hậu quả tiêu cực nữa.

 
Hối lộ chạy việc và Bộ trưởng Nội vụ mới chỉ nghe dư luận
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Binh trả lời chất vấn (nguồn ảnh Internet) 
 

Ngày xưa kinh nghiệm sống là nguồn hiểu biết, nhưng ta không thể tiếp tục làm “người mù xem voi”. Kinh nghiệm sống thì là chủ quan, chỉ có giá trị một phần, không ứng dụng hết cho tất cả mọi người hay toàn xà hội được. Đã đến lúc cần làm việc một cách khoa học, chứ không chỉ dựa vào kinh nghiệm.

 

Phải có một cái nhìn khách quan và toàn diện về hiện tình xã hội để có thể quản lý. Nhưng có thể các nhà quản ly chưa tận dụng đúng mức khả năng đóng góp của khoa học nói chung và của xã hội và nhân văn học nói riêng. Cũng có thể vì khoa học còn “chậm chạm”, nhất là các ngành xã hội nhân văn. Các ngành này chưa được phát triển đúng mức vì nhiều lý do, trong đó có cả lý do thị hiếu của dân chúng và xã hội. Ví dụ như các ngành quản trị xí nghiệp và kinh tế “nóng” hơn vì ra trường dễ tìm việc làm hơn.

 

Nhưng muốn phát triển bền vững thì phải đi từ gốc, từ cơ sở. Mà cơ sở đó là xã hội, là các thành viên trong xã hội. Không nắm vững các cơ sở này thì làm sao mưu cầu hạnh phúc cho các cá nhân và phát triển cho xã hội được?

 

Cũng xin đừng nói: châu Phi “hoang dã” hay “kém văn minh” hơn ta, chứ tinh trạng nước ta đâu có tệ như thế.

 

Về văn hoá mà nói, ta không thể xếp hạng cao thấp, không thể so sánh nước nọ hơn nước kia. Việt Nam ta có quá khứ 4.000 năm văn hiến, nhưng nếu vẫn khư khư niềm tự hào này thì làm sao phát triển và hội nhập được. Những hiện trạng mà giáo sư Olivier de Sardan kể lại ở châu Phi sao mà giống ở nước ta vô cùng. Có lẽ  đó là mẫu số chung của các xã hội đang phát triển.

 

Dĩ nhiên, ta không thể đòi hỏi hội tụ trong một nhà quản lý đủ hết mọi khả năng khoa học. Nhưng ít nhất là biết dựa trên những nghiên cứu khoa học của những chuyên gia thực thụ. Một “minh quân” (Vua sáng suốt) ngày xưa là một ông Vua biết làm theo ý dân và thường ngày lắng nghe góp ý của các quan (và không nghe nịnh thần).

 

Ngày nay thì các viện khoa học ở đó để cung cấp dữ kiện cho người quản lý, không những về khoa xã hội học và nhân văn học mà còn các khoa khác nữa (vụ rò rỉ của đập nước trên Sông Tranh 2 là cần tư vấn từ các kỹ sư chuyên ngành chẳng hạn. Quyết định về năng lượng nguyên tử cũng thế. Phòng chống ô nhiễm môi trường lại cần các chuyên ngành khác ...)

 

Ta không thể nói là chỉ mới “nghe nói về chuyện mua chức, mua quyền” khi hiện tượng này phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Ta không thể bảo rằng “phong bì ở bệnh viện là do lỗi của người đưa phong bì”, vì họ phải đối mặt với vấn đề sinh tử - sống hay chết - của người thân đang bệnh. Ta không thể nghĩ rằng đổi giờ học cho các cháu học sinh thì sẽ giải quyết được ùn tắc giao thông, mà chưa nghiên cứu thật kỹ trước. Ta chỉ có thể cho khai thác quặng mỏ sau khi đã tính toán các hậu quả với môi trường và hiệu quả kinh tế. Để có chính sách xóa đói nghèo và chống bất bình đẳng xã hội, ta phải biết  cấu trúc của dân số theo lợi tức, theo gia sản ...

 

Những người lãnh đạo không thể lãnh đạo trên lý thuyết, duy ý chí và không có cứ liệu về tình hình thực tế. Cũng không thể trả tiền để các cơ quan tư vấn (consultance) giúp góp ý, vì như thế thì cơ quan này đã lệ thuộc công quyền rồi. Mà vì kế sinh nhai, có thể họ sẽ tư vấn thiếu khách quan.

 

Ta cần có những viện khoa học làm việc một cách nghiêm chỉnh và độc lập. Phát triển khoa học và nghiên cứu cần cho mở mang xứ sở là như thế.

 

Ta cũng cần những người lãnh đạo biết quên mình mà lo cho dân, làm tròn nhiệm vụ được giao phó. Bên ta gọi đó là cái đức hay cái tâm của người lãnh đạo. Bên Tây thì gọi đó là bổn phận của người có trách nhiệm. Ông hay bà nào không làm đúng, làm tròn bổn phận thì bị cách chức – hay là họ tự từ chức.

 

Làm vậy cũng là để đi tới những hình thức quản lý dân chủ và tiến bộ, theo như trào lưu của nhân loại.

 

                                                           Nguyễn Huỳnh Mai

                                                                   Liege, Bỉ

 

LTS Dân trí- Bài viết trên đây của một kiều bào tri thức, trực tiếp giảng dạy và nghiên cứu về xã hội học ở nước ngoài. Nhưng ý kiến đóng góp của tác giả khá sát với hiện tình đất nước. Điều đáng quan tâm nhất là chúng ta chưa phát huy đúng mức vai trò của khoa học nói chung, nhất là khoa học xã hội và nhân văn, làm căn cứ khoa học, khách quan cho công tác lãnh đạo, quản lý  và điều hành đất nước.

 

Muốn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sớm đưa đất nước vượt qua “cái bẫy thu nhập trung bình” thì điều quan trọng đầu tiên vừa là tiền đề, vừa là nhân tố có ý nghĩa quyết định là phải đổi mới thật sự cách điều hành và quản lý đất nước ở mọi cấp, nhất là ở cấp vĩ mô. Không để xảy ra tình trạng tiêu cực và tham nhũng đã trở thành phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay, kể cả trong việc tuyển dụng công chức và đề bạt cán bộ, mà người chịu trách nhiệm lãnh đạo và quản lý  lĩnh vực hệ trọng này lại mới chỉ “nghe dư luận phản ảnh mang tinh bức xúc, nhưng trong thực tế chỉ ra được thật khó”. Câu trả lời chất vấn ở Ủy ban Thường vụ QH như vậy khiến cho dư luận không khỏi băn khoăn về ý thức trách nhiệm và hiệu quả công việc của ông Bộ trưởng Nội vụ.
 
Đấy cũng là  điều mà tác giả bài viết trên đây tỏ thái độ không đồng tình.