Hậu cháy chung cư – những ẩn họa chưa lường hết

(Dân trí) - Từ vụ cháy chung cư Carina Plaza, không thể không đặt ra giả thiết, nếu chung cư nào đó bị cháy om tới mức, phải phá hủy toàn bộ để xây dựng lại, người dân ở đó sẽ phải đối mặt với nó như thế nào?


Đơn kiến nghị khẩn cấp của hơn 400 cư dân được người dân trực tiếp trao tận tay Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình (Ảnh: Ngọc Mai)

Đơn kiến nghị khẩn cấp của hơn 400 cư dân được người dân trực tiếp trao tận tay Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình (Ảnh: Ngọc Mai)

Sau vụ cháy này, không chỉ là những mạng người đã bị tước đoạt hoặc thương tật suốt đời, mà những hộ dân ở đây phải đối mặt với một thực tế phũ phàng khác: Họ đang tạm mất chốn nương thân.

Mất nơi trú ngụ, dù chỉ là tạm thời, với mọi gia đình đều vô cùng căng thẳng. Không biết bao giờ họ mới có thể trở về căn buồng cũ. Họ hoàn toàn không có quyền chủ động, tất cả trông chờ vào chủ tòa nhà.

Nói chung, với những gia đình ở chung cư, không ít gia đình kinh tế cũng không dư giả gì và cũng không ít người, để mua được một căn hộ như vậy là sự gom góp chật vật của bản thân và gia đình nội ngoại.

Hy vọng, với vụ cháy mới diễn ra ở tầng hầm này chưa “hâm nhừ” toàn bộ nền móng tòa nhà. Nhưng, chắc chắn người dân khó mà an tâm khi được quay trở lại ở căn hộ thân thuộc của mình.

Từ vụ cháy này, không thể không đặt ra giả thiết, nếu chung cư nào đó bị cháy om tới mức, phải phá hủy toàn bộ để xây dựng lại, người dân ở đó sẽ phải đối mặt với nó như thế nào?

Có nhiều khả năng có thể xảy ra.

Thứ nhất, nếu cư dân đã có sổ đỏ và đương nhiên toàn quyền mua bán căn hộ đó, thì, khi phải phá bỏ tòa nhà đó để xây lại thì liệu họ có phải một lần nữa nộp tiền để thuê chủ đầu tư xây dựng?

Đây là câu hỏi ít người mua chung cư nghĩ tới. Bởi, hầu hết các hợp đồng mua bán chung cư chưa đề cập đến chuyện này. Tất nhiên, phần lớn các chủ đầu tư đều phải mua bảo hiểm bắt buộc, nhưng để có sự bồi thường của bên bảo hiểm là không đơn giản và nếu có được, cũng chẳng đáng là bao.

Kể cả khi chưa có sổ đỏ, chủ tòa nhà – khái niệm “chủ” này cũng chỉ là tương đối, bởi họ đã bán và bàn giao cho ban quản lý chung cư quản lý - cũng có thể dễ dàng chối bỏ trách nhiệm của mình với rất nhiều lý do. Đặc biệt, với các hợp đồng mua bán căn hộ chung cư nhiều khi những điều khoản bất lợi luôn thuộc về người mua.

Hai là, chủ tòa nhà có đủ khả năng để xây lại đã là may mắn cho cư dân. Nhưng, liệu bao lâu thì họ được quay lại và liệu họ có được trợ giúp về tiền thuê nhà trong suốt thời gian chờ đợi đó?

Bà là, chủ tòa nhà không có khả năng, tiềm lực kinh tế để xây dựng lại và không ít cư dân cũng không đủ tiền để một lần nữa nộp tiền xây dựng lại thì cư dân sẽ ra sao?

Nếu xảy ra trường hợp này, đây thực sự là vấn đề nan giải cho cư dân. Chắc chắn, khi đó họ gần như bị mất trắng, nhiều người lại phải làm lại từ đầu. Hoặc lại đi thuê nhà, hoặc lại quay lại ở chung với bố mẹ…

Trường hợp này đặt ra là hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ, không phải đến khi xảy ra cháy nhà, mà ngay nhiều dự án được vẽ ra đẹp đẽ, người dân đã nộp tiền gần hết (không tính đến những dự án lừa đảo), nhưng tòa nhà hoàn thành chậm đến dăm, mười năm là không ít. Thậm chí, có những chủ đầu tư dự án là doanh nghiệp bất động sản tầm cỡ, có tên tuổi cũng bị chết chìm trong một số dự án chỉ vì đầu tư tràn lan, thời kỳ bất động sản bị đóng băng. Hậu quả, chỉ những người dân đầu tư tiền vào căn hộ khiêm tốn là khốn khổ nhất.

Vậy nhưng, công tác đảm bảo phòng cháy chữa cháy (PCCC) của các chung cư của chúng ta vẫn bị buông lỏng. Nhiều khu chung cư cao tầng, dù chưa được công nhận đảm bảo PCCC, chủ đầu tư vẫn cho dân vào ở vô tư, miễn là nộp tiền đầy đủ.

Mới đây nhất, sau vụ cháy chung cư ở TP HCM khiến 13 người thiệt mạng, có báo đặt tít “Hà Nội: tốc độ khắc phục vi phạm PCCC “chóng mặt””. Bản thân tít bài đã bình – vâng đó là lời bình rất đắt, và trong bài dẫn chứng tốc độ khắc phục tới “chóng mặt”.

Theo đó, chỉ tính riêng các chung cư cao tầng, Hà Nội có khoảng 800 công trình. Từ giữa năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng rà soát phát hiện có 78 công trình (gần 10 %) đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.

Nhưng tốc độ khắc phục đúng là “chóng mặt”. Sau đợt rà soát trên 5 tháng (16.10.2017), rồi 3 tháng sau (10.1.2018) lần lượt chỉ còn 58 và 42 công trình chưa khắc phục. Và chỉ 25 ngày sau đó (ngày 5.2.2018) chỉ còn 17 công trình vi phạm PCCC trên địa bàn.

Vậy, nếu các chung cư được coi là đã có chứng nhận PCCC mà vẫn cháy (tất nhiên, nguyên nhân cháy thì muôn hình vạn trạng) thì lực lượng chức năng sẽ chịu trách nhiệm thế nào?

Theo Dân trí, 17 chung cư còn tồn tại, vi phạm PCCC gồm: Nhà ở chung cư cao tầng kinh doanh (Số 46/230 Lạc Trung), chung cư 89 Phùng Hưng (Phúc La, Hà Đông), trung tâm thương mại và nhà ở cao tầng (số 27 Lạc Trung), tháp B văn phòng thuộc tòa nhà hỗn hợp HH1 (ngõ 102 Trường Trinh), nhà CT1 – CT2 – CT3 - CT4 Xa La (Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên)…

Vương Hà