Bạn đọc viết:

Hà Nội: Thổi hồn vào không gian xanh Bãi Giữa sông Hồng

(Dân trí) - Hà Nội cần tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với môi trường tự nhiên để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giải trí cho người dân và thu hút du khách. Một không gian xanh có thể đáp ứng được các yêu cầu đó là Bãi Giữa sông Hồng.

Hà Nội  (HN) đang thiếu vắng các khu vui chơi tập trung cho nhân dân (ngoài quảng trường Ba Đình) để tổ chức những sự kiện lớn, mang tính chất trang trọng tầm cỡ quốc gia. Khu vực trung tâm HN thiếu một không gian đủ lớn để tổ chức các hoạt động văn hóa và tổ chức lễ hội đông người.
 

HN có một số lễ hội như: lễ hội Đền Gióng tại Sóc Sơn, lễ hội đền Cổ Loa, lễ hội gò Đống Đa, lễ hội làng Lệ Mật…nhưng thời gian thường chỉ tập trung vào một số ít ngày nhất định trong năm. Các lễ hội mang tính địa phương là chủ yếu, chưa thu hút được nhiều du khách, nhất là khách du lịch quốc tế đến tham dự. 

 

Một ví dụ minh chứng cho sự hấp dẫn của “hội” mang tính văn hóa được tổ chức tại HN thu hút được đông đảo người dân và khách quốc tế đến tham dự chính là tổ chức các trò chơi và giới thiệu các món ăn truyền thống các dân tộc tại Bảo tàng Dân tộc học. Hoạt động này được diễn ra thường niên vào đầu năm mới, thu hút được đông đảo người dân và khách quốc tế đến tham dự.

 

Người dân thành thị, nhất là trẻ em thành phố ngày một xa rời với tự nhiên, với sinh hoạt truyền thống của người Việt xưa, với cây cối, với các động vật từng rất gắn bó với con người như trâu, bò, lợn, gà…. Nhiều gia đình muốn con mình được tiếp xúc nhiều hơn với tự nhiên, với cây xanh, với động vật và tham gia các hoạt động ngoài trời nhiều hơn.

 

Để HN không bị phàn nàn là một thủ đô… già cỗi, người dân phải chịu đựng hàng ngày với khói bụi, con người sống khép kín trong những bức tường bê tông kín mít, TP cần tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với môi trường tự nhiên để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giải trí cho người dân Thủ đô và thu hút khách du lịch. Một không gian xanh có thể đáp ứng được tất cả các yêu cầu đó chính là  Bãi Giữa sông Hồng.

 

Bãi Giữa là tên gọi quen thuộc cho dải đất phù sa được bồi đắp ở chính giữa sông Hồng đoạn chảy qua TP HN. Với diện tích hàng trăm ha, bãi giữa sông Hồng đoạn trải dài từ cầu Thăng long đến Tứ Liên có chiều dài khoảng hơn 5km, lại nằm ngay sát trung tâm HN. Bãi Giữa là một địa điểm lý tưởng để xây dựng xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động ngoài trời cho người dân.

 

Cầu Long Biên và Bãi Giữa ngày nay vẫn là một địa điểm lý tưởng cho các hoạt  động chụp ảnh, đạp xe dã ngoại… của người dân HN và du khách. tuy nhiên để Bãi Giữa trở thành một địa điểm phục vụ  được nhiều người và có nhiều hoạt động thú vị, lành mạnh hơn, theo tôi, cần quy hoạch xây dựng Bãi Giữa một cách nghiêm túc và có bài bản.

 

Diện tích tại Bãi Giữa rất rộng, để nó vẫn giữa được vẻ đẹp hoang sơ, tự  nhiên vốn có thì việc quy hoạch xây dựng cần  được xem xét cẩn thận với quy mô và mật  độ vừa phải, xen kẽ với ruộng vườn tự nhiên hiện nay. Có thể quy hoạch, tổ chức các hoạt động, khu vui chơi tại Bãi Giữa sông Hồng thành những khu vực như sau:

 

+ Đường vào chính Bãi Giữa vẫn sẽ sử dụng là cầu Long Biên. Cần quy hoạch và xây dựng  khu vực để xe ô tô, xe máy phía sát bờ sông, các đường vào, cầu tạm để nối khu vực để xe với khu vực vui chơi ở Bãi Giữa. Cầu Long Biên cũng là một địa điểm chụp ảnh lý tưởng mà các bạn trẻ và du khách lựa chọn.

 

+ Bãi cỏ lớn để tổ chức các hoạt động ngoài trời như thả diều, đắp tượng cát, các hoạt động tập thể đông người cần diện tích rộng như lễ hội đón năm mới, ca nhạc….

 

+ Khu vực vui chơi giải trí với các trò chơi dân gian, truyền thống. Ngày nay trẻ em thiếu hẳn các không gian vui chơi, hoạt động ngoài trời, các trò chơi truyền thống ngày càng mai một dành chỗ cho trò chơi điện tử, cho máy tính. Các trò chơi dân gian không hẳn là không hấp dẫn, bởi vậy tạo một sân chơi dân gian, truyền thống cho trẻ em và người dân đô thị là một hành động cần thiết giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

 

+ Xây dựng các kiểu nhà truyền thống kết hợp với sân vườn của các miền để giới thiệu với du khách và người dân, nhất là trẻ em về kiến trúc, lối sống, sinh hoạt của người dân Việt xưa. Đây chính là hình thức giáo dục văn hóa một cách sinh động và tự nhiên nhất cho trẻ em khu vực đô thị. Ngoài ra, có thể xây dựng riêng một khu vực nhà truyền thống như dạng nhà nghỉ sinh thái, để phục vụ những du khách muốn có một trải nghiệm thú vị về đời sống sinh hoạt của người dân Việt xưa.

 

Bạn thử tưởng tượng xem cảnh ngồi vỉa hè uống trà chanh “chém gió” của các bạn trẻ hiện nay chắc không thể so sánh với hình ảnh bạn bè được ngồi giữa ruộng ngô, tự  nướng ngô Bãi Giữa sông Hồng; hay lùi khoai trong đống than hồng, quây quần sưởi ấm, hàn huyên và nói chuyện với nhau, suýt xoa co ro đón cái lạnh đầu mùa.

 

+ Khu vực xây dựng các nhà hàng bằng tre nứa kết hợp với sân vườn tự nhiên, cây xanh giới thiệu cách chế biến, phục vụ các món  ăn truyền thống, đặc sản của các vùng miền trong cả  nước. Đây cũng là những điểm đến thú vị, phục vụ cho người dân được thưởng thức món ngon mà không phải ai cũng có đủ điều kiện về kinh tế, và thời gian để đến các địa phương thưởng thức.

 

+ Xây dựng chợ nổi bán các loại hoa quả đặc sản nổi tiếng của các địa phương trên cả nước.

 

+  Các tuyến đường có thể  đi bộ, đạp xe dã ngoại…. Dành khu vực (cách xa khu vui chơi tập trung) để tổ chức đua xe mô tô, ô tô địa hình…Các hoạt động thể thao thường xuyên giúp người dân nâng cao được sức khỏe và giải tỏa stress của cuộc sống đô thị.

 

+ Tổ chức các lễ hội đua thuyền hàng tuần, hay hàng tháng dọc theo Bãi Giữa cho du khách, cho các trường đại học hay các cơ quan đơn vị đến giao lưu, luyện tập…

  

Bên cạnh đó, để không ảnh hưởng tới dòng chảy sông Hồng, cần nghiên cứu xây dựng các công trình dưới dạng nhà tạm kiểu nhà tranh, tre, lá cọ, rơm rạ truyền thống kết hợp với tự  nhiên… để không vi phạm luật về đê điều.

 

Bãi Giữa hiện nay là nơi sinh sống và sản xuất nông nghiệp của khá đông người dân khu vực ngoài bãi. Để đời sống người dân Bãi Giữa ngày một tốt hơn, sau khi lấy một phần đất của dân tại đây làm khu vui chơi tập trung, cần chuyển đổi cho người dân có đất sang hoạt động dịch vụ phục vụ khách du lịch như tổ chức các hoạt động trông xe, bán hàng…..

 

Có được một không gian xanh lý tưởng như vậy, nhưng để thổi hồn vào nó, những người quản lý cần nghiên cứu, tổ chức các sinh hoạt, văn hóa, thể thao liên tục trong năm  để Bãi Giữa luôn diễn ra các hoạt động “sống” liên tục và sôi động, thu hút được đông đảo người dân tham dự.

 

Theo tôi được biết, ý tưởng xây dựng Bãi Giữa thành khu vui chơi hay công viên đã có từ rất lâu và của rất nhiều người. HN cũng đang dự kiến triển khai nhiều dự án liên quan đến Bãi Giữa sông Hồng. Vậy hãy quy hoạch một cách đồng bộ, dành cho nhân dân Thủ đô và khách du lịch một không gian đủ lớn để tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa tập thể, tổ chức các lễ hội, khu vui chơi, xây dựng các công trình kiến trúc truyền thống… để Hà Nội luôn là thủ đô văn hiến và mến khách trong mắt của du khách trong nước và quốc tế. Người dân, nhất là trẻ em có không gian vui chơi của riêng mình theo đúng nghĩa.

 

Rất mong có thêm nhiều đóng góp ý kiến của những người yêu HN để có nhiều  ý tưởng hơn về quy hoạch, xây dựng Bãi Giữa, cũng như phản hồi ủng hộ các ý tưởng đó để khu vui chơi tập trung đông người tại Bãi Giữa có thể trở thành hiện thực.
 
(chùm ảnh Bãi Giữa sông Hồng của Hữu Nghị)


(chùm ảnh Bãi Giữa sông Hồng của Hữu Nghị)


(chùm ảnh Bãi Giữa sông Hồng của Hữu Nghị)
(chùm ảnh Bãi Giữa sông Hồng của Hữu Nghị)

 

KTS Chu Linh Yên