Bạn đọc viết:

“Gương mặt” an toàn giao thông VN từ góc nhìn người lái xe

(Dân trí) - Năm nay tôi 30 tuổi, với gần chục năm lái xe có lẽ là không nhiều so với nhiều lái xe khác, nhưng tôi đã thấy rất nhiều mặt trái về An Toàn Giao Thông (ATGT) nước ta, cùng bao nỗi bức xúc của các lái xe cũng như các doanh nghiệp vận tải.

Xe xếp hàng dài né cân
Xe xếp hàng dài "né" trạm cân

 

Tôi đã trải qua nhiều công việc từ lái xe tải nhỏ, xe 4 chân chạy công trình tới xe con, xe khách. Và điều tôi nhận thấy là các quy định luật về ATGT VN hàng năm được ban hành ra hình như chỉ nhằm vào túi tiền người dân, chứ chưa thực sự đặt  mục tiêu bảo đảm ATGT lên hàng đầu!?

 

Chính những điều luật được đưa ra theo cách như vậy càng khiến các ban ngành chức năng có điều kiện lạm quyền trong việc xử phạt giao thông (hình như lâu nay họ coi người tham gia giao thông như những… miếng mồi béo bở?). Bởi thế, tôi muốn nói về những vấn nạn giao thông mà bao năm qua tôi và những người dân khác tham gia giao thông đều rất bức xúc nhưng không biết kêu ai?

 

Gần đây và hiện đang nóng nhất là khi ngành giao thông vào cuộc lập trạm cân xe quá tải. Việc làm này tuy đúng đắn, nhưng tôi xin nói lại rằng nước ta còn nghèo, giá cả của tất cả các loại mặt hàng đều phụ thuộc trực tiếp vào cước vận tải thì cách làm như vậy có lẽ là cần xem xét lại.

 

Tôi lấy ví dụ: xe tôi 1 tấn, nếu như chở hàng đúng 1 tấn thì giá cước 1 tấn cũng chưa đủ chi phí xăng dầu chứ chưa nói đến hao mòn xe, tiền ăn uống sinh hoạt và còn nhiều loại phí nữa. Vậy nên tôi phải chở thêm 1 tấn nữa để có dư ra chút tiền lãi. Đối với xe trọng tải lớn cũng như vậy, nếu như 1 chuyến hàng từ Hà Nội lên Lai Châu khoảng 30 tấn mà xe chỉ cho phép chở 20 tấn, nghiễm nhiên số hàng 30 tấn lại phải thuê 2 xe với chi phí tăng lên hàng chục triệu. Nếu thuê như vậy, hàng hóa đến tay người tiêu dùng ở  tất cả các nơi, đặc biệt là vùng sâu vùng xa sẽ tăng lên nhiều lần. Mà những nơi xa xôi này thì người dân đã thường xuyên phải chịu thiệt thòi do phí vận tải cao hơn rồi đó.

 

Vấn đề nữa là giá xăng dầu nước ta đang ở mức cao và vẫn luôn tăng.  Nếu cứ  làm cách cân tải trọng như vậy thì liệu giá hàng hóa sẽ còn lên đến mức nào nữa?

 

Trên nhiều diễn đàn tôi thấy bàn nhiều theo những  comment nói: cần làm nghiêm, phạt thật nặng như thu bằng lái, thu phương tiện… Nhưng xin hỏi các bạn rằng nếu không có những người làm vận tải như vậy thì chuyện nhỏ nhất là mớ rau hôm nay bạn mua 5 nghìn, nó tăng lên 10 nghìn nhé?

 

Chuyện mãi lộ bao năm qua ai cũng đã rõ và nó vẫn đang diễn ra ở khắp các tỉnh thành trong cả nước đấy. Nhưng bao năm qua vẫn chưa thấy có chính sách nào giảm được tình trạng này, mà ngược lại chỉ làm cho nó càng… phát triển hơn? Các trạm giao thông ở các tỉnh, các huyện lập ngày, lập đêm tôi thấy cũng chỉ để thu tiền mãi lộ thôi. Nhiều tỉnh đi qua xe quá tải còn phải “bào luật”, xe chạy nhiều phải “đóng luật tháng”. Trước đã vậy, khi tình trạng xử lý xe quá tải được tăng cường thì tiền làm luật của nhà xe lại càng phải nhiều hơn. Lại còn sinh ra cạnh tranh không lành mạnh hơn nữa giữa các nhà xe. Nhà xe nào có anh em, người nhà… làm bên CSGT, xe nào “làm luật” được thì cứ mặc sức chạy. Xe nào không có “bảo kê” thì nhịn không dám chạy, vì nếu chạy đúng tải cước cao thì chủ hàng không thuê, họ lại thuê các xe “có bảo kê” vẫn chạy quá tải được.

 

Cũng xin được hỏi: Có anh chiến sĩ CSGT nào tự nói với lương tâm là tôi theo nghề để góp phần giữ gìn ATGT cho nhân dân không? Hay các anh theo nghề cũng vì lợi ích riêng...

 

Tôi chạy xe 4 chân chở vật liệu, xe chạy gần 40 khối, trọng tải hàng và xe lên đến hơn 70 tấn. Khi đi đường tôi cũng rất áy náy vì biết xe mình quá tải sẽ hỏng đường. Nhưng nếu tôi không làm như vậy thì chủ xe cho tôi nghỉ và thuê người khác, nên tôi không thể làm khác. Nhưng mỗi chuyến xe qua mỗi trạm CSGT tôi phải “làm luật” 200 nghìn, mọi người nhân giúp ra 1 tháng xe tôi chạy phải làm luật bao nhiêu? Mà hàng ngày có hàng trăm xe chạy phải mất bao nhiêu tiền? Nhưng tiền ấy nhà nước có được hưởng không, nhân dân được lợi không hay chỉ 1 bộ phận trục lợi từ chính số tiền lẽ ra phải được dành cho việc bảo đảm ATGT? Đường thì vẫn chưa làm xong đã hỏng, người dân lại phải nộp thêm thuế (thông qua các loại phí) để sửa.

 

Với kinh nghiệm của mình, tôi xin đưa ra ý kiến như vậy. Đây chắc không  chỉ là ý kiến của riêng tôi mà cũng là của phần đa những người lái xe cũng mong muốn góp phần phát triển ngành vận tải, đảm bảo ATGT mà không phải phụ thuộc vào 2 chữ "làm luật".

 

Trước tôi lái xe 1,25 tấn có những lúc chở 4,5 tấn nhưng thấy xe vẫn hoạt động tốt. Xe 4 chân tôi chở 60 tấn vẫn đi bình thường. Tôi nói như vậy không phải cổ súy cho cách làm chở gấp nhiều lần tải trọng đâu, mà ý của tôi là khi xe chở gấp đôi trọng tải đổ lại thì việc kiểm soát và hoạt động của xe vẫn tốt. Vì tôi nghĩ, các hãng xe luôn thiết kế để xe có thể vượt trọng tải. Vì thế xe 1 tấn mà chở 1,5 tấn vẫn nhẹ như… muỗi đốt inox thôi, nhưng mức phạt lại ngang bằng các xe trọng tải lớn (trên 40% phạt 3 đến 5 triệu)?

 

Vậy nếu nhà nước cho phép xe tải chở gấp đôi trọng tải đổ lại và thu thêm phí quả tải đối với các hạng xe sẽ phù hợp với thực tế VN hơn. Vì công việc của mỗi loại xe khác nhau, theo tôi, nên cho phép bán vé xe quá tải theo tháng. Nếu kiểm tra thấy xe nào chở quá tải không mua vé sẽ bị phạt nặng. Đồng thời những xe đăng kí chở quá tải sẽ phải hạn chế tốc độ thêm so với tốc độ được phép hiện hành.

 

Nếu làm được như vậy,  tôi tin là khoản tiền nhà nước thu được sẽ tăng gấp nhiều lần so với thu phí bảo trì đường bộ. Đồng thời còn giúp người tham gia giao thông đỡ bức xúc với tình trạng “mãi lộ”. Ngoài ra còn giúp tăng năng lực cạnh tranh vận tải, cũng như giúp đảm bảo ATGT hiệu quả hơn.

 

Tôi viết nên những dòng này vì những nỗi bức xúc tích tụ nhiều năm mà những người làm lái xe như tôi vẫn đang phải chịu, khiến chúng tôi luôn có tâm lý không tốt mỗi khi tham gia giao thông. Hơn nữa, tôi mong ý kiến của mình được những cán bộ nhà nước có tâm, có tầm biết đến. Từ đó họ xem xét, nghiên cứu kỹ hơn để có được những biện pháp hữu hiệu giúp phát triển lĩnh vực vận tải nói riêng và đất nước VN nói chung bớt đi tình trạng tham ô, mãi lộ ngay trên các tuyến đường…

 

Hoang Thanh