Giàu bất thường có thể bị tịch thu tài sản: Thách nhà giàu húp tương?

(Dân trí) - Cũng có những tranh luận trái chiều nhưng chủ yếu là để bày tỏ sự nghi ngờ tính về khả thi, còn nhìn chung đa số ý kiến người dân đều ủng hộ áp dụng biện pháp mạnh với đề xuất “giàu bất thường có thể bị tịch thu tài sản”.

(ảnh minh họa: theo Pháp luật Tp HCM)
(ảnh minh họa: theo Pháp luật Tp HCM)
 
Dân có cần...
 

Nói cách khác, đó cũng chính là yêu cầu rất chính đáng về sự minh bạch cần thiết trong mọi lĩnh vực mà lâu nay trên khắp các diễn đàn, dư luận luôn nhấn mạnh. Nhưng có lẽ cũng chính vì câu nói thường được viện dẫn ra rằng “Ở VN là thế”, mà chuyện minh bạch nguồn gốc tài sản với các nước khác đã là  rất bình thường từ lâu, song vẫn gây ra “tranh cãi nảy lửa” khi  mới… dè dặt được đưa ra tại Hội thảo hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự về hình sự hóa các hành vi tham nhũng theo tinh thần Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng, do Bộ Tư pháp phối hợp cùng UNDP (Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc) tổ chức tại HN.

 

Suy nghĩ chung của đa số người dân về vấn đề này là hoan nghênh, ủng hộ nhưng cũng vẫn rất nghi ngại lặp lại tình cảnh “đầu voi, đuôi chuột”:

 

"Giàu bất thường có thể bị tịch thu tài sản" chủ yếu là đề cập đến các quan chức và gia đình họ thôi. Có gì mà tranh luận? Cái đáng tranh luận là có thực thi được không? Ai dám thực thi? Công dân  bình thường thì đồng ý cao” – Trần Võ: thanhdhtn77@gmail.com

 

“Để chống được tham nhũng, tránh thất thu thuế, hạn chế những cá nhân làm giàu bất chính thì dân chúng tôi ủng hộ ngay. VN bây giờ có nhiều người giàu bất chính quá, dẫn đến những lối sống không lành mạnh, đạo đức XH bị xuống cấp theo tôi cũng có phần do những người này mà ra. Nhưng cái này chắc là đụng chạm đến một “nhóm không nhỏ” đây, nên e khó thông qua?” – Vo Thuong: vothuong686868@gmail.com

 

“Giàu bất thường có thể bị tịch thu tài sản. Tôi ủng hộ phương án này, vì tôi thấy đa số các quan chức nhà nước rõ ràng lương cũng bình thường thôi nhưng tại sao ai cũng giàu? Nhà tôi gần nhà ông chủ tịch huyện: vợ thì ở nhà, chồng thì làm chủ tịch tính ra lương tháng cũng khoảng 10 triệu đi. Kinh doanh thì không, vậy mà có đất mặt đường đến cả mẫu, rồi nhà cửa, xe cộ. Chỉ có tham ô thì mới có như vậy thôi. Bộ máy  như vậy thì đất nước sao phát triển được? Trong khi cách làm việc thì rất khó chịu, dân đi xin 1 con dấu mất cả buổi sáng chờ đợi. Phong cách và tác phong làm việc thiếu nghiêm túc trong XH  Việt Nam còn nhiều “tồn dư” lắm, vì vậy cần thay đổi nhiều…” – Thuyen:  vuthuyenk48@gmail.com

 

“Tôi ủng hộ ý kiến đó và thấy nên có điều này trong Luật của VN. Vì nếu điều này làm tốt trước hết sẽ giảm được tệ tham ô, tham nhũng trong các giới chức. Nhưng muốn điều này thực hiện được thì trước tiên cần phải có biện pháp làm sao để người dân kê khai trung thực tất cả các tài sản hiện có. Mỗi năm đều có kê khai, nhưng có ai kê đúng? kê đủ? Nhất là các giới chức, tài sản của họ có thể mang tên người khác, người đó lại không kê khai ...???” -   Cấn Ngọc Minh:  minhcn@vzn.vn

 

“Nếu Nhà nước ta mà làm được như vầy thì dân mừng quá. Nhưng phương án đó được đặt ra liệu có tác dụng, khi bản thân người ta không tự giác khai báo tài sản mà họ có do phát sinh thêm? Đơn cử như ở cơ quan tôi, nếu tính về lương thì tôi khẳng định là không đủ sống nhưng lại thấy rất nhiều người có nhà đất, ôtô… Những lần khai báo tài sản thì hẳn chẳng ai ghi cả xe ôtô, nhà và đất mới vào. Vậy biện pháp xác minh và xử lý như thế nào?” – Hung Con:  hungcon8589@gmail.com

 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp) 
 

... Nhưng "quan" chưa vội

 

Nếu làm thật sự minh bạch được như vậy (lại nếu) thì e rằng nước mắt nhà giàu chảy khá nhiều ở VN ta. Nhưng xét trên thực tế, người ta có muốn tin cũng khó bởi đã phải chứng kiến và thất vọng hết lần này tới lần khác với hiện tượng “đánh trống bỏ dùi” rồi!

 

“Không thể hiểu được, vấn đề tưởng như đơn giản là kê khai thu nhập của dân còn chưa làm được, kê khai thu nhập của CBCC còn không làm đúng, kê khai tài sản của giới chức là không thể làm, giờ này các vị còn đưa ra chuyện thu nhập tăng bất thường??? Tôi thấy nực cười…” - Nguyen:  hpcttm2003@gmail.com

 

“Làm thế nào để biết chắc chắn những người có số tài sản đó là giàu bất thường, trong khi tài sản ở nước ta thường được giữ dưới nhiều dạng khác nhau. Ví dụ giữ Vàng là cách được cho là an toàn nhất hiện nay, mà khi có tiền thì  muốn bao nhiêu cũng có và mua được bất kỳ ở đâu… Tuy nhiên, cũng mong Nhà nước nghiên cứu để đề xuất trên được đưa vào Luật nhưng phải bảo đảm tính thực thi và phù hợp với trình độ phát triển của nước ta. Tôi nghĩ, làm được việc này chắc… còn lâu lắm” -  Ngô Văn Chí: 

ngovanchi57@gmail.com

 

“Tôi nghĩ quy định này không rõ ràng. Nếu nhắm đến đối tượng là giới chức, cán bộ thì đây là một phần trong phòng chống tham nhũng. Mà đã là tham nhũng thì triển khai theo NQTW4, trong đó có quy định kê khai tài sản nhưng có thấy vị giới chức nào làm đúng, làm thật đâu và cũng có công khai đâu. Nhưng nếu nhắm đến công dân thì có lẽ lại vi phạm quyền con người. Nếu chống tham nhũng thì theo tôi, nên học cách của Trung Quốc. Tôi thấy họ làm thật, làm thẳng tay, làm triệt để như cách họ phát hiện tham nhũng gửi tiền ở nước ngoài hay mua nhà ở nước ngoài để tịch thu. Nếu muốn học Mỹ thì các cá nhân phải có giao dịch bằng tài khoản tại ngân hàng (trừ việc mua con cá, mớ rau ngoài chợ thì dùng tiền mặt)” - Khoa: mactukhoahn@yahoo.com.vn

 

“Để chống tham nhũng cần phải cương qyết và quyết liệt hơn. Đại bộ phận những người tham nhũng là cán bộ giới chức trong các cơ quan quản lý nhà nước (cấp phép, xác nhận...). Nhất là những người nắm các vị trí lãnh đạo, quản lý ở các tổ chức hưởng lương ngân sách, 100% vốn nhà nước hay nhà nước chiếm tỷ lệ vốn chiếm ưu thế. Do vậy với đối tượng này nên buộc họ phải có nghĩa vụ chứng minh tài sản của mình (như 1 điều kiện khi nhận việc) mà không sợ bất bình đẳng so với toàn dân, vì rõ ràng với những đối tượng khác nhau từ trước đến nay vẫn có những điều chỉnh khác nhau. Rất nhiều người muốn thi, xin vào những vị trí đó mà không được cơ mà” – Pham Xa Hoi:  xahoip@yahoo.com
 

Làm được thì rất tốt, ai cũng biết vậy  bởi đó là xu thế thời đại. Nhưng tính đến những “đặc thù VN” thì dân lại khó tin tưởng. Lại thêm 1 bài toán khó giải đây!

 

“Đề xuất việc tịch thu tài sản giàu bất thường là đúng rồi. Nhưng hiện nay nhiều người có chức quyền có nhiều tài sản không biết từ đâu ra, song lại không chứng minh được họ tham nhũng nên… vẫn đành chịu thôi!” - Anh Thư:  anhthu@gmail.com

 

Dù sao đánh động chút xem sao, nhưng chờ xem được nước mắt người giàu cũng khó lắm, khác gì "thách nhà giàu húp tương"!

 

Kiều Anh