Giáo viên xúc phạm, đánh học sinh bị phạt tiền: Dùng tiền xử phạt hành vi đạo đức là không nên

Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn cho rằng, dùng tiền để xử phạt các hành vi về đạo đức là không nên, hành vi đạo đức phải được xử lý bằng các quy tắc, chế tài khác mà những quy tắc chế tài đó đã có trong các quy định của ngành.


Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn chia sẻ về dự thảo nghị định xử phạt trong lĩnh vực giáo dục.

Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn chia sẻ về dự thảo nghị định xử phạt trong lĩnh vực giáo dục.

Bộ GDĐT đang xin ý kiến về dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó có nội dung phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học; từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học .

Trước những tranh cãi của dự thảo, Báo Lao Động có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn để lắng nghe những tâm sự của người làm công tác giáo dục.

Là người có hơn 30 năm trong công tác giáo dục, ông cảm thấy như thế nào khi đọc dự thảo Nghị định xử phạt này?

- Tôi cảm thấy hơi buồn! Nhà giáo khi đứng trên bục giảng thường rất trọng danh dự và đạo đức nghề nghiệp. Trong dự thảo nghị định này có nêu ra vấn đề phạt tiền nhà giáo nếu xúc phạm danh dự nhân phẩm hoặc xâm phạm thân thể người học, tôi cho rằng đây là điều không nên đưa vào.

Nhà giáo hiện nay số lương trung bình chỉ khoảng 4 đến 5 triệu đồng/tháng, trong điều kiện như hiện nay, các chi phí cho sinh hoạt, gia đình rất tốn kém. Đặc biệt với những vùng sâu vùng xa vùng khó khăn, nhà giáo đang phải chịu rất nhiều thiệt thòi.

Việc dùng tiền để xử phạt liệu có khiên cưỡng trong môi trường giáo dục không, thưa ông?

- Dùng tiền để xử phạt các hành vi về đạo đức là không nên, hành vi đạo đức phải được xử lý bằng các quy tắc, chế tài khác mà những quy tắc chế tài đó đã có trong các quy định của ngành. Đặc biệt quan hệ giữa thầy và trò xưa nay là một mối quan hệ tôn kính, uy nghiêm, có những khía cạnh về mặt đạo đức, văn hóa nên theo tôi không nên đưa đồng tiền vào để xử phạt.

Hơn nữa ranh giới thế nào và xâm phạm, thế nào là xúc phạm cũng rất mong manh, khó định lượng. Thầy cô cũng có những lúc không kiềm chế được mình, có khi nóng nảy nên dùng từ ngữ chưa chuẩn mực.

Người ta vẫn nói “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, các em có thể vin vào những điều đó để nói rằng thầy cô xúc phạm mình. Thầy cô khi đó không thể đôi co với học sinh được, điều đó sẽ làm mất đi giá trị trong mối quan hệ thầy trò từ trước đến nay.

Thầy có thể chia sẻ áp lực của thầy cô trong môi trường giáo dục hiện nay?

- Thời nào cũng vậy, thầy cô theo đuổi nghề nghiệp đều rất yêu nghề, đều mong muốn truyền tải đến học sinh cả về kiến thức lẫn cách ứng xử. Nhưng phải thấy rằng học sinh trong mỗi thời điểm phát triển nhân cách, mỗi người lại có đặc điểm riêng, sự phát triển tâm lý khác nhau. Có những học trò, thầy cô phải dùng nội quy, quy định của nhà trường để điều chỉnh hành vi của các em trên cơ sở tình thương yêu.

Bản thân các thầy cô đang phải chịu rất nhiều áp lực, bài vở, kiểm tra của nhà trường, cấp trên. Áp lực cơm áo gạo tiền, rồi áp lực từ phía phụ huynh, của xã hội với hàng ngàn con mắt nhìn vào. Những áp lực đó đôi khi khiến thầy cô cảm thấy bức bối, có những lúc sẽ có những câu nói hay hành động chưa chuẩn với chuẩn mực sư phạm.

Với những áp lực đó, cộng thêm dự thảo nghị định xử phạt này thì tâm lý thầy cô sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

- Nếu như gia tăng thêm các điều khoản xử phạt hành vi thì áp lực đè lên thầy cô ngày càng lớn khiến thầy cô mất đi tâm huyết, sự yêu nghề, cảm hứng dạy học. Thầy cô sẽ co mình lại, tự nhủ làm tròn bổn phận, đôi khi mặc kệ để học sinh làm gì thì làm khiến thiệt thòi lại dồn về phía học sinh.

Tôi nghĩ rằng với môi trường giáo dục, đặc biệt là giáo dục con người cần có cách ứng xử văn minh, tế nhị, đúng với môi trường giáo dục.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của thầy!

Theo Nguyễn Hà - Tan

Báo Lao động