Chuyện đùa như thật

Già rồi vẫn hăm hở mộng mơ

(Dân trí) - Tôi thương cho ông thuộc type người thiếu mộng mơ, chỉ nhìn thấy cái gì tận mắt mới tin. Vậy thì hãy đợi đấy rồi trắng mắt ra nhé, nhé …


Tiến sĩ giấy (Ảnh minh họa)

Tiến sĩ giấy (Ảnh minh họa)

Nghe bạn tôi nói, tôi giật mình, tay cầm chén nước chè nóng rơi xuống nền nhà, vỡ tan.

Không giật mình sao được khi ông ấy bảo: “Này ông, cháu nội tôi sau này sẽ là tiến sĩ.” Ai chứ cháu nội của ông ta đang học lớp 3 thì tôi biết.  Bữa trước, một tối ngồi xem chương trình phim truyện trên tivi cùng gia đình ông ta, bỗng cháu đó hỏi “chữ gì trên tivi?” khiến mọi người sửng sốt . Tôi hỏi: “Cháu không đọc được à?”. Nó lắc đầu nói không biết đọc. Tôi bèn lấy tờ 2.000 đồng và 5.000 đồng hỏi tờ nào nhiều tiền hơn, cháu cũng lắc đầu nói “không biết”. Ấy thế mà hôm nay ông ấy lại bỗng dưng hăm hở mộng mơ rằng đứa cháu gái này lại có thể sau này trở thành tiến sĩ.

Tôi thắc mắc: “ Hỏi ông tí nhé! Cháu nó muốn trở thành tiến sĩ, trước hết nó phải học hết lớp 12, lại phải thi tốt nghiệp phổ thông trung học, lại phải thi đỗ đại học, rồi lại phải đoạt bằng cao học rồi mới được làm luận án tiến sĩ. Con đường dài dằng dặc đó, cháu ông vượt qua bằng cách nào?”

Bạn tôi cười: “ Hê hê … Chuyện học hết lớp 12 là chuyện nhỏ như con thỏ, bởi vì dù cháu tôi có học dốt đến mấy các thầy cô giáo dạy nó vẫn phải đẩy nó lên lớp đều đều, vì nếu không thì lớp thầy cô giáo lại có học sinh bị lưu ban à? Thế là thấy cô giáo hóa ra là dạy kém à? Mà dạy kém thì sao được trao danh hiệu giáo viên dạy giỏi, lớp tiên tiến, trường chuẩn và vô thiên lủng các danh hiệu thi đua khác. Vì vậy cầm chắc là cháu mình sẽ học hết lớp 12 nhé!”

- Thế làm thế nào mà cháu có thể vượt qua được cái cầu thi tốt nghiệp phổ thông trung học?

- Hê hê … cũng lại nhờ vào bệnh thành tích thôi. Bằng cách nào trường nó cũng phải cho nó tốt nghiệp để trường và tỉnh nhà hãnh diện công bố có số học sinh đỗ rất cao. Vừa rồi, trong một cuộc hội thảo,  Giáo sư Văn Như Cương – hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh đã chẳng dự báo rằng tỉ lệ thi tốt nghiệp phổ thông trung học trong cả nước năm nay là 100%, hoặc thấp cũng phải là 98 – 99% đó sao!

- Ừ, nhưng rồi làm thế nào vượt qua cửa ải thi được vào đại học?

- Ông không biết trường đại học hiện mọc tràn lan à? Để có sinh viên, có trường đã phải công bố các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, phòng giáo dục nếu khuyến khích được thí sinh vào học tại trường sẽ được thưởng 250.000 đồng/ 1thí sinh. Vậy thì con mình vào được đại học là cái chắc.

- Thì cứ cho là như vậy đi. Nhưng khi cháu ông tốt nghiệp xong đại học, làm sao lấy được bằng thạc sĩ. Có bằng thạc sĩ thì mới thi được tiến sĩ.

Bạn tôi lườm tôi:

- Nghe ông nói, tôi thấy ông như mới ở trên trời rơi xuống vậy, chứ không phải là con dân của đất nước này nữa. Thế hóa ra ông không biết nước ngoài hiện có nhiều chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cực “tốt”, tốt đến mức biến được con bò thành kẻ thông thái trong chớp mắt.! Như ông Giám đốc ở một sở của tỉnh nọ, một từ tiếng Anh bẻ đôi không biết, chỉ cần 17.000USD là có thể mua được bằng học vị tiến sĩ của ngoại quốc cấp thôi mà.

Tôi vẫn băn khoăn:

- Ừ vậy, nhưng đã tiến sĩ là phải có công trình nghiên cứu?

Bạn tôi bảo:

- Tôi chẳng thèm quan tâm đến chuyện đó. Công bố khoa học của nước ta cả năm ngoái khoảng 700 bài, chỉ bằng 1/1000 thế giới, còn số lượng bằng phát minh sáng chế đếm trên đầu ngón tay, mà có sao đâu. Bây giờ, người ta có bằng tiến sĩ đâu cần để ý đến công trình nghiên cứu hay sáng chế, mà là chỉ để ý đó là một trong những tiêu chuẩn của chức vụ lãnh đạo trung cao cấp. Rồi ông xem, khi cháu tôi có trong tay cái bằng tiến sĩ, tất nó sẽ được quan tâm, nằm trong diện cơ cấu đào tạo nguồn và cái ghế chức quyền, danh lợi chẳng còn bao xa.

- Tôi cóc tin. Bạn tôi bĩu môi: - Tôi thương cho ông thuộc type người thiếu mộng mơ, chỉ nhìn thấy cái gì tận mắt mới tin. Vậy thì hãy đợi đấy rồi trắng mắt ra nhé, nhé … Nguyễn Đoàn