Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: 1% và 1.100 tỉ của Tổng thầu Trung Quốc

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 99%, nhưng 1% còn lại là cả một "núi" vấn đề, trong đó có yêu cầu lên tới 1.100 tỉ đồng từ phía Tổng thầu Trung Quốc.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: 1% và 1.100 tỉ của Tổng thầu Trung Quốc - 1

Đoàn tàu tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang nằm chờ ngày vận hành thương mại. Ảnh: Đặng Tiến

Trong các báo cáo, Bộ GTVT và Ban Quản lý dự án đã nhiều lần khẳng định Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 99%. Nhưng báo cáo mới đây cho thấy 1% còn lại là cả một "núi" vấn đề, trong đó có yêu cầu lên tới 1.100 tỉ đồng từ phía Tổng thầu Trung Quốc.

Tại phụ lục “Tình hình thực hiện các công trình dự án trọng điểm ngành GTVT” gửi kèm theo Báo cáo số 260/BC-CP ngày  27.5.2020 của Chính phủ lại cho thấy: Tổng thầu Trung Quốc vẫn yêu cầu bố trí 50 triệu USD, tương đương 1.100 tỉ đồng để thực hiện công tác vận hành hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao.

Cũng trong báo cáo này, một sự thật được phơi bày là Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không phải đã hoàn thành 99%, nghĩa là chỉ còn 1% như báo cáo trước đây, mà vẫn còn quá nhiều vấn đề.

Cụ thể, 3 hạng mục công trình còn lại vẫn còn tồn tại (cả về hiện trường và hồ sơ), chưa đủ điều kiện nghiệm thu vẫn đang được Tổng thầu chỉnh sửa và khắc phục các tồn tại về phần kiến trúc. 

Riêng phần thiết bị, Tổng thầu, Tư vấn TEDI, Tư vấn ACT vẫn đang tiếp tục trao đổi làm việc để thống nhất các nội dung còn vướng mắc về thông số thiết bị của một số hạng mục chuyên ngành thiết bị. Tổng thầu đang hoàn thiện lại HSHC và bổ sung các nội dung còn thiếu để đủ điều kiện nghiệm thu. 

Điều gì sẽ xảy ra, nếu khoản tiền 50 triệu USD không được hai bên thống nhất? Dễ thấy nhất là dự án không thể vận hành, những toa tàu đã nhập về vẫn nằm im chưa biết đến bao giờ sẽ chính thức phục vụ, bất chấp sự mong chờ từ rất lâu của người dân.

Bởi lẽ, cũng chính Bộ GTVT đưa ra quan điểm việc thanh toán phải tuân thủ theo quy định Hợp đồng EPC. Vì vậy, hai bên thống nhất sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát (trong vòng 15 ngày!?) các điều khoản hợp đồng và tổ chức buổi họp chuyên đề tiếp theo để trao đổi, thống nhất các công việc thực hiện.

Một dự án tưởng chừng chỉ còn 1%, ấy thế nhưng cho đến thời điểm này còn cả một núi vấn đề, từ nhu cầu vốn, trang thiết bị, tồn tại về kiến trúc…

Ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ này, cụ thể là việc bố trí 50 triệu USD này? Hay chỉ lại là "nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm"!

Theo Linh Anh

Báo Lao động