Đừng tự khen cần cù lao động

Cả nước có khoảng 200.000 người thất nghiệp có trình độ đại học, đó là báo cáo của Bộ LĐTBXH tại phiên họp của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chiều 21.9. Câu hỏi đặt ra là do xã hội thiếu việc làm nên dư cử nhân, kỹ sư, hay còn lý do nào khác?

 

Đừng tự khen cần cù lao động - 1

Các cơ sở đang đào tạo nhiều ngành nghề chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng nhân sự của các doanh nghiệp, đúng. Số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học mỗi năm quá nhiều, trong lúc phần cầu của thị trường lao động thấp nên dư thừa, không sai. Nhưng có một thực tế khác, đó là chất lượng đào tạo đại học của Việt Nam không đáp ứng với đòi hỏi của thực tế.

Các doanh nghiệp vẫn đang thiếu người giỏi, nhưng sinh viên ra trường đa số trình độ trung bình và kém, muốn sử dụng phải đào tạo lại. Vì sao trình độ sinh viên kém, câu trả lời là đại học Việt Nam chất lượng kém. Trường đại học mọc lên như nấm, theo Tuổi Trẻ thì từ năm 2001-2011, khối trường công lập tăng 170 trường. Tỉnh nào cũng “sắm” cho được trường đại học, riêng Bắc Ninh, chưa đầy 1,1 triệu người nhưng có đến 11 học viện, trường đại học và cao đẳng.

“Đa” mà không “tinh”, cho nên hậu quả là con số thất nghiệp như đã nêu. Cả nước có 480 trường đại học, cao đẳng, nhưng không có trường nào lọt vào “tốp ngàn” của thế giới, nói chi đến “tốp trăm”. Trường nào cũng đưa danh sách cán bộ khung giáo sư, tiến sĩ rất hoành tráng, nhưng nhiều trường lục hết các ngăn kéo không tìm ra được một vài hồ sơ khoa học được công bố quốc tế. Vậy thì làm sao đào tạo ra người giỏi, không có thầy giỏi lấy đâu ra trò giỏi. Giáo sư Ngô Bảo Châu mà không học Pháp, học Mỹ thì có là Ngô Bảo Châu hôm nay không?

Với một đầu ra quá yếu kém thì sinh viên không thể không thất nghiệp, cho nên khoan nói đến công tác dự báo thị trường lao động thật chính xác để đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, mà hãy tính đến việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học.

Năng suất lao động của công nhân Việt Nam thấp so với các nước tiên tiến, trình độ cử nhân, kỹ sư của Việt Nam cũng có khoảng cách xa với các nước, vậy thì chúng ta làm cách gì để bằng họ? Cho nên, vấn đề không chỉ là giải quyết tình trạng thất nghiệp, mà quan trọng hơn, dài hơi hơn, bền vững hơn là chất lượng của nguồn nhân lực.

Đã đến lúc cần bình tĩnh nhìn lại để đừng tự khen mình là dân tộc cần cù lao động. Và cũng khiêm tốn nhìn lại để đừng tự huyền thoại mình là dân tộc thông minh. Đến khi nào đất nước giàu mạnh thì không cần nói, hai điều đó sẽ được khẳng định.

Lê Thanh Phong

(Theo báo Lao động)