Dự án “nở” gấp bội, lỗi tại cơ chế?

(Dân trí) - Làm sao có thể hình dung được một mai ngủ dậy, con số 72 tỉ bỗng biến hóa thành 2.595 tỉ? Người giỏi tượng tượng nhất cũng phải chào thua


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Trong Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước trình bày tại Quốc hội chiều 21/5, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu đích danh dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình bị điều chỉnh từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng, tức đội giá lên 36 lần.

Chuyện đội giá các dự án, tuy không còn xa lạ gì ở xứ ta nhưng đội lên gấp 36 lần ban đầu như trường hợp này thì quả là hi hữu.

Làm sao có thể hình dung được một mai ngủ dậy, con số 72 tỉ bỗng biến hóa thành 2.595 tỉ? Người giỏi tượng tượng nhất cũng phải chào thua

Và không khó để tìm câu trả lời, tại sao hàng trăm dự án bị đội vốn, ngốn hàng ngàn tỉ đồng ngân sách nhưng hiệu quả kém, gây lãng phí và thất thoát lớn?

Còn với dự án vô tiền khoáng hậu này của Ninh Bình, người ta cũng đã chỉ mặt đặt tên kẻ đã khiến cho nó “nở” gấp 36 lần: Đó là Cơ chế!

Bên hành lang Quốc hội, trả lời báo chí, vị lãnh đạo cao nhất tỉnh, bà Nguyễn Thị Thanh - Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình – khẳng định: “Lỗi ở đây chính là câu chuyện cơ chế. Đầu tiên muốn đưa vào danh mục thì phải dựa vào nguồn vốn, mà vốn địa phương được ít thì chỉ làm dự án nhỏ, khi được phê duyệt, triển khai thì phải làm "đến nơi, đến chốn", lại phát sinh ra thì phải điều chỉnh lại dự án, lại phải phê duyệt. Nó cứ nở dần, nở dần là vì thế”.

Dự án “nở dần, nở dần”.

Vậy là đội vốn 36 lần, có chi mô mà dư luận phát hoảng. Nó như sinh vật đầy sức hấp dẫn, phải tìm cách “nở dần, nở dần” để bứt phá, để thắng cái anh “cơ chế” đang trói buộc nó.

Và đây là cái cách để nó thắng: “Nguyên nhân đội vốn là khảo sát không kỹ, cứ nghĩ đơn giản là dự án quy mô nhỏ. Thêm vào đó, tâm lý ban đầu là làm sao để dự án được xếp vào danh mục. Nhưng khi vào làm lại muốn làm "đến nơi đến chốn", cho nên dự án nở dần, nở dần”.

Đầu tiên muốn đưa vào danh mục thì phải dựa vào nguồn vốn, mà vốn địa phương được ít thì chỉ làm dự án nhỏ, khi được phê duyệt, triển khai thì phải làm "đến nơi, đến chốn", lại phát sinh ra thì phải điều chỉnh lại dự án, lại phải phê duyệt. Nó cứ nở dần, nở dần”. Bí thư Nguyễn Thị Thanh lí giải.

Một kiểu làm dự án thật kì lạ, cũng kì lạ như cái sự đội vốn lên 36 lần kia. Nói “vẽ dự án” quả không sai. Bí thư Thanh thừa nhận: “cũng có tình trạng đó”.

Nhưng đâu phải là chỉ riêng Ninh Bình có chuyện dự án nở dần, nở dần đó. Chuyện này đã xẩy ra ở nhiều dự án, không chỉ ở cấp địa phương mà ngay ở cấp Nhà nước.

Mong các nhà quản lý sớm khắc phục.

Nguyễn Duy Xuân