Bạn đọc viết

Độc giả chúng tôi nghĩ về cái tâm của người làm báo

(Dân trí) - Ngòi bút của nhà báo gắn liền với đạo đức nghề nghiệp, thể hiện đầy đủ khả năng đổi mới, tiếp cận và cập nhật đời sống. Tâm sáng chính là tính chiến đấu, hướng dẫn cổ vũ dư luận rộng rãi ủng hộ bảo vệ cái tích cực, đẩy lùi tiêu cực, góp phần đem lại công bằng cho xã hội. Để ngòi bút sắc bén được phát huy tốt, rất cần cái tâm của nhà báo. Đó là mong mỏi của người đọc

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Nghề báo - nghề cao quý

Báo chí Cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của nhân dân.

Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực và các tệ nạn xã hội, báo chí đã phát huy vai trò xung kích, thể hiện rõ chức năng giám sát của nhân dân. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả. Hoạt động của báo chí trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, trong quá trình hội nhập quốc tế và thời đại bùng nổ thông tin đang phát triển không ngừng. Đứng trước những yêu cầu mới, báo chí Cách mạng Việt Nam mãi mãi kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Báo chí luôn đi tiên phong trong việc phát hiện và thúc đẩy các nhân tố mới, góp phần phanh phui các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, đẩy lùi cái xấu trong xã hội, đóng góp công sức không nhỏ vào công cuộc đổi mới đất nước. Bạn đọc, dư luận xã hội luôn đặt niềm tin vào ngòi bút tâm huyết của đội ngũ những người làm báo chân chính.

Báo chí được xem là một trong những nghề nguy hiểm. Vì thế, ngoài việc tự trang bị cho mình kiến thức về chuyên môn, pháp luật và xã hội, học hỏi, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, bổ túc công tác nghiệp vụ, vũ khí mạnh nhất để bảo vệ nhà báo chính là đưa thông tin đến với bạn đọc, công chúng thật chính xác, đúng sự thật. Làm được như vậy, dù trên con đường tác nghiệp gặp những khó khăn, trắc trở thì cuối cùng, công lý, lẽ phải vẫn chiến thắng.

Chúng tôi nghĩ về cái tâm của người làm báo.

Mỗi nhà báo khi hành nghề bao giờ cũng phải đặt lương tâm và trách nhiệm lên hàng đầu. Một bài viết có thể khiến sự việc tốt hơn lên, nhưng nếu không trung thực, bài viết cũng có thể làm sự việc xấu đi. Và những người cầm bút đừng bao giờ để sự việc xấu đi. Công cụ của nhà báo là cây bút. Đó là cây bút đặc biệt. Cây bút khiến xã hội phải quan tâm, khiến cái tốt nảy nở, cái xấu bị thu hẹp lại. Nhưng quan trọng hơn là người cầm cây bút đó như thế nào? Nếu chúng ta tự cho mình có quyền muốn múa cây bút đó thế nào cũng được, có nghĩa chúng ta sẽ đánh mất mình, đánh mất thiên chức cao cả của người cầm bút. Làm nghề báo cũng giống như mọi nghề trong xã hội, như một chị công nhân đang cần mẫn đẩy xe rác, như một người lái đò đang chở khách qua sông hay một chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự ở một khu phố nào đó. Cần bắt đầu từ cái tâm và cái đức của người cầm bút.

Người làm báo cần có tâm, tầm tài. Cái tâm chính là đạo đức nghề nghiệp. Người cầm bút mà cái tâm không trong sáng thì từ hành động, lời nói đến trang viết sẽ lệch lạc vì những mục đích cá nhân, bán rẻ nhân cách của mình.

Đất nước ta đang trên đường đổi mới, đời sống của người làm báo tuy có được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng cái tâm của họ vẫn luôn được đề cao, trong sáng. Có người cho rằng: Người làm báo chân chính thì không bao giờ giàu có, nhưng để kiếm tiền bằng những bài báo trái với lương tâm nghề nghiệp thì không khó. Chỉ cần bài viết của họ tung hô, thổi phồng thành tích cho doanh nghiệp này, bao biện, đánh lạc hướng dư luận để làm nhẹ tội cho cơ sở kia… là đã có tiền “bồi dưỡng” gấp nhiều lần tiền nhuận bút!!!

Những người làm báo chân chính, có tâm sáng thường tự nhủ: phải giữ vững phẩm chất để không bị những tác động xấu của xã hội, sự cám dỗ của đồng tiền, và thấy mình không phải hổ thẹn với lương tâm. Qua những tác phẩm báo chí, nhà báo đã kêu gọi được sự hảo tâm của toàn xã hội đối với những người tàn tật, trẻ mồ côi, những nơi gặp thiên tai lũ lụt… Không ít các nhà báo đã lặn lội tới những nơi khó khăn vất vả ấy để đưa tin, bài và hình ảnh kịp thời đến bạn đọc. Và những nơi khó khăn vất vả ấy đó đã được ủng hộ rất nhiều cả về tinh thần lẫn vật chất.

Cái tâm của người làm báo không chỉ ở lòng vị tha, ý thức trách nhiệm trước cộng đồng, xã hội, mà còn là lòng say mê, tâm huyết. Chỉ có tâm huyết mới trở thành động lực thúc đẩy mình dấn thân vào những nơi khó khăn vất vả, thậm chí là nguy hiểm, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của nhân dân. Với cái tâm của người làm báo: cảm giác mắc nợ, có lỗi vì chưa đáp ứng được sự tin yêu của bạn đọc vẫn cứ âm ỉ, thôi thúc những người làm báo tiếp tục cố gắng để không phụ lòng tin yêu của bạn đọc.

Cũng có khi người viết báo không khác gì cán bộ trong ngành thanh tra, thậm chí có khi như một cảnh sát điều tra. Thông thường khi có đơn khiếu nại của người dân gửi đến, phải đi thực tế xác minh, nắm bắt sự việc, tham vấn những người am hiểu luật… sau đó viết bài để công khai minh bạch sự việc. Hành trình giải quyết một đơn khiếu nại có khi kéo dài cả tuần và đều nằm trong sự chủ động của nhà báo. Thế nhưng, để vụ việc được giải quyết tới nơi tới chốn, có khi phải kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm bởi những sự im lặng đến khó hiểu của một số cá nhân có liên quan. Khi mà cái tâm của nhà báo không vững, e rằng bài báo sẽ không khách quan. Nhà báo khi giải quyết khiếu nại, đặc biệt là về đất đai, tài sản... đều đối mặt với cám dỗ về vật chất. Nếu tâm không vững, bút không thẳng thì nhân dân, bạn đọc sẽ xa lánh họ.

Buồn về một số hiện tượng “tâm không chính”

Nhưng trong làng báo vẫn còn hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. Đó là một số người không hiểu đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, mà tự cho mình cái quyền” rất lớn. Thế nên khi vi phạm luật giao thông đã rút thẻ nhà báo ngỗ ngược đưa thẳng vào mặt cảnh sát và “ra oai” doạ dẫm…

Nhiều doanh nghiệp “chết oan” bởi vì sự thiếu hiểu biết, non kém về nghiệp vụ của một số nhà báo. Có những chuyện chưa đâu vào đâu đã vội vàng đăng tin “giật gân” khiến dân chúng hiểu lầm kéo theo hệ lụy không nhỏ, thậm chí thiệt hại về kinh tế. (như việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi mới chỉ được phát hiện trong một số trang trại chăn nuôi ở mấy tỉnh thành phía nam, nhưng quá nhiều báo chí đưa tin mập mờ cùng một lúc dẫn đến dân hiểu lầm và tẩy chay với thịt lợn khiến nhiều người chăn nuôi đứng đắn bị điêu đứng, có khi sạt nghiệp…)

Cá biệt vẫn còn hiện tượng người làm báo kiếm tiền từ nỗi buồn, đời tư của những người nổi tiếng. Chỉ cần đó là một người đang được xã hội quan tâm biết đến, nhất là đang có scandal hoặc có chuyện buồn trong đời riêng là mọi tờ báo đều xoáy vào đó để khai thác đăng tin. Tất nhiên, mọi thông tin liên quan đến ngôi sao đều dễ khiến công chúng quan tâm. Cũng không có luật nào cấm việc đưa những thông tin ấy. Nhưng đưa tin như thế nào, phụ thuộc vào cái tâm của người đưa tin. Những người thực hiện trang báo đó phần nhiều không phải là những nhà báo chuyên nghiệp, đôi khi chỉ với mục đích duy nhất là kiếm tiền. Những người làm báo kiểu này đã cố gắng thỏa mãn nhu cầu tầm thường ấy mà quên đi một điều rằng, họ đang kiếm tiền một cách lạnh lùng trên nỗi buồn của người khác. Lẽ ra trong những lúc gặp hoạn nạn nhất cần nhận được sự cảm thông của những người làm báo, thì báo chí đã tận dụng họ và dồn tới bước đường cùng. Chính nhà báo đã từng đưa “ngôi sao” lên mây, rồi lại dìm họ xuống bùn đen. Hầu hết những thông tin kiểu này đều nhắm vào các ngôi sao và khai thác những chuyện đời tư. Chuyện đời tư của ngôi sao càng bi đát thì càng được báo chí săn đón nhiều. Phần nhiều những pha “lộ hàng” đều từ việc săn ảnh chụp trộm mà ra. Chỉ đơn giản là gây sốc, kiếm tìm độc giả. Những người làm báo kiểu này đang cố gắng phục vụ tối đa nhu cầu tầm thường của một bộ phận bạn đọc thích hóng chuyện đời ngôi sao. Cũng có khi, chỉ đơn giản là ngồi văn phòng rỗi việc đọc cho vui. Đôi khi chuyện người này bỏ chồng, nơi kia có kẻ chém giết… đều được các báo đăng tải đồng loạt. Cứ nghe qua lời rao của những người bán báo thì thấy: toàn là “vụ giết người ở địa phương A… sẽ được đăng tải chi tiết trên báo X…”; hoặc “muốn tìm hiểu vụ cha giết con, mời quý vị xem trên báo Y số ra ngày hôm nay…”. Đăng các tin giật gân câu khách kiểu như vậy Đó là một cách làm báo không có tâm.

Thông tin của mỗi tờ báo sẽ khẳng định đẳng cấp của nó. Những người làm báo sẽ tự phân loại mình. Và trước một nỗi buồn đau của người khác, việc đưa hay không đưa, đưa tin như thế nào cũng là một cách để những độc giả thông thái nhận ra được nhân cách của những người đưa tin.

Nói về sức mạnh ghê gớm của ngòi bút, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã viết “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Nhưng với sức mạnh ấy, người cầm bút rất cần có cái tâm sáng. Tâm sáng kết hợp với súc mạnh của ngòi bút sẽ tạo nên những nhà báo chân chính. Họ sẽ là người tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Và ngòi bút của họ sẽ là vũ khí sắc bén chống lại kẻ thù, đấu tranh với mọi hiện tượng tiêu cực trong xã hội, cũng như phát hiện và nhân rộng những nhân tố mới trong công cuộc xây dựng đất nước.

Làm nghề nào trong xã hội cũng cần phải có tâm với nghề. Nghề báo lại càng cần như vậy. Ngòi bút của nhà báo gắn liền với đạo đức nghề nghiệp, thể hiện đầy đủ khả năng đổi mới, tiếp cận và cập nhật đời sống của người làm báo. Tâm sáng chính là tính chiến đấu, hướng dẫn cổ vũ dư luận rộng rãi ủng hộ bảo vệ cái tích cực, đẩy lùi tiêu cực, góp phần đem lại công bằng cho xã hội. Để ngòi bút sắc bén được phát huy tốt, rất cần cái tâm của nhà báo. Đó là mong mỏi của các độc giả và cũng là cái đích hướng tới của nhà báo hôm nay.

Nguyễn Thị Diệp