Điều ước "chỉ là chuyện cá tháng Tư"

(Dân trí) - Có lẽ chưa bao giờ mong muốn chung của đại đa số người dân lại dễ có cùng điểm chung như thế, đó là nếu như việc đổi chứng minh nhân dân (CMND) chỉ là chuyện “cá tháng Tư”! Tuy sát “giờ G” đã có tin tạm hoãn, nhưng nỗi lo vẫn treo lơ lửng...

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 

TS. Trần Văn Hùng tranhungtc@yahoo.com nói thay nỗi phấp phỏng của bao người trước tình cảnh mừng có mừng mà lo vẫn hoàn lo, như đã và vẫn đang được thể hiện qua rất nhiều phản hồi của bạn đọc Dân trí:

  

“Như thế là tốt. Nhưng không nên chỉ là tạm hoãn vì lý do trục trặc kỹ thuật, mà dân mong đừng bao giờ nói đến chuyện đổi CMND kiểu mới nữa. Cũng không chỉ riêng Thủ đô Hà Nội, mà là toàn quốc cần như vậy”.

 

La Vie casauthanhthanh1@gmail.com nhấn mạnh:

 

“Theo quan điểm của tôi, chỉ áp dụng 12 số cho người được cấp CMND lần đầu. Còn nên giữ nguyên 9 số (đang dùng) với những trường hợp cấp đổi lại, sẽ đỡ tốn kém và không gây khó khăn, phiền toái cho người dân trong các giao dịch dân sự, kinh tế, hành chính và cả công tác quản lý của cơ quan Nhà nước. Số cấp đổi cũng chuyển sang mẫu mới nhưng giữ nguyên số, giống như mấy nhà mạng di động mở thêm đầu số cho thuê bao 11 số nhưng vẫn giữ nguyên các thuê bao 9 số (có khác là CMND buộc phải cấp đổi, còn sim di động thì ko nhất thiết phải làm lại)”.

 

Nick Hay noi ngat haynoingat@yahoo.com chia sẻ quan điểm:

 

“Có thể đổi CMND nhưng vẫn giữ nguyên số cũ (9 số), bằng cách thêm các số 0 vào đầu dãy số để được số mới (12 số), vì hiện nay mọi giao dịch đều dùng số CMT cũ. Người nào cấp mới, có thể cấp loại 12 số”.

 

Nguyen Van Dung dungan@gmail.com hưởng ứng:

 

"Cứ giữ nguyên CMND cũ (9 số) vì mọi giao dịch đều 9 số rồi... Thế hệ trẻ cứ từ 16 tuổi sau này thì cấp mới 12 số, coi như bổ sung... Vậy có làm sao đâu?”

 

Anh Tuấn anhtt091@yahoo.com nhắn gửi:

 

“Tôi nghĩ, làm một việc quan trọng cho đất nước và cho nhân dân, nên phải tính toán và suy nghĩ cho kỹ rồi mới đưa ra quyết định. Làm như vậy để thể hiện tính nghiêm túc, trang nghiêm và tôn trọng mọi người. Đừng vội vàng như vậy!”

 

Tan ngtan1968@gmail.com thậm chí còn lặp lại một “điệp khúc” được cho là đã gắn với cách làm việc nói chung của Thủ đô:

 

“Hà Nội không vội được đâu!”

 

Đồng thời danh sách những điểm cần góp ý vẫn tiếp tục được bạn đọc bổ sung nếu ngành chức năng vẫn kiên quyết thực thi việc thay đổi CMND:

 

“Tôi xin góp ý: nên bỏ dòng ghi nơi thường trú vì trong máy tính đã có lưu lại dữ liệu đó rồi, khi bật lên họ sẽ biết ngay. Không lẽ cứ thay đổi nơi ở mới lại phải đi đổi CMND mới? Vì 12 số cá nhân của người dùng CMND đã gắn chặt chẽ với mọi dữ liệu hồ sơ cá nhân được lưu trong máy tính rồi. Rất thuận tiện cho người dân sinh sống và giao tiếp trong mua bán, thuận tiện cả khi thay đổi địa chỉ nơi ở…Tôi nghĩ, làm CMND mới có tốn kém, nhưng khi xong, công việc sau này sẽ giảm được những rườm rà về thủ tục hành chính: -  Van Dung Mai:  Vandungmai72@yahoo.com

 

“CA nên xem lại nơi cấp. Thông thường mọi người phải khai số CMND, ngày cấp và do CA.....xyz cấp. Nếu viết theo C72 đủ ra thì không đủ khoảng trống để viết, nếu viết tắt thì không đúng. Và ngay cả CMND mẫu mới này nơi cấp viết tắt quá nhiều, cũng phải xem lại vì như vậy là không rõ (không chính xác) nơi cấp…” -  Hồng Hoàng:  hoangluuhong@yahoo.com.vn

 

“Theo tôi, số CMND hiện đã cấp vì lộn xộn nên khó nhớ. Nên tham khảo cách làm của Hàn Quốc: họ tuy cũng có nhiều con số như vậy, nhưng 6 số đầu là ngày tháng năm sinh (ví dụ: sinh ngày 10/11/1985 thì ghi là 101185). Các số còn lại do phía Công an điền vào cho đủ số theo quy định. Như vậy người sử dụng CMND sẽ chỉ việc nhớ mấy số cuối, vì 6 số hàng đầu họ đã biết. Mà bên công lực kiểm tra cũng dễ vì số ngày sinh đó hợp với ngày sinh ở Giấy Khai sinh hay sổ hộ khẩu gia đình” – Ngo Thi Kieu:  ngothikieu@gmail.com

 

Trên tất cả, chỉ với cái CMND nhỏ thôi mà dân vẫn phải trăn trở với bao nỗi niềm lẽ ra  không đáng có. Để rồi lại phải tự hỏi và tự tìm câu trả lời…cho đỡ bức xúc:

 

“Một vấn đề lớn như thế tại sao lại có sự cố???” - Đinh Văn Chờ:  Chodv@ppc.evn.vn

 

“Ngày Cá tháng Tư mà!?” - AK:  Ak@yahoo.com

 

Thật ra điều dân mong muốn nhất chỉ đơn giản là tiếng nói của mình được lắng nghe và thấu hiểu, nhưng sao mà vẫn khó đến thế? Bởi vậy mới  đành phải ao ước… những điều tiêu cực!

 

Kiều Anh