Dịch cúm nCoV và những tấm lòng

(Dân trí) - Đến những lúc “nước sôi lửa bỏng”, chúng ta mới nhận rõ còn nhiều nhiều lắm con người sẵn sàng vào những điểm nóng với quyết tâm cao nhất để phòng chống dịch cúm do virus nCoV gây ra.

Dịch cúm nCoV và những tấm lòng - 1

TS Lê Quang Hoà cùng đồng nghiệp làm việc tại phòng thí nghiệm tại Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội). Ảnh: HUST 

Ngoài một số đối tượng nhẫn tâm lợi dụng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (dịch nCoV) gây ra để kiếm tiền dưới nhiều hình thức thì còn rất nhiều những tấm lòng, những nhà hảo tâm sẵn sàng giúp đỡ cộng đồng bằng nhiều cách. Đó là những cửa hàng bán khẩu trang đúng giá, là những điểm cấp miễn phí khẩu trang, kể cả cháu bé lấy toàn bộ tiền lì sì ngày Tết mua khẩu trang để góp vào điểm cấp miễn phí, rồi những điểm giải cứu dưa hấu bị ùn ứ do không thông quan được sang Trung Quốc bằng cách bán hộ nông dân, thậm chí có người mua hàng chục tấn dưa hấu tận Gia Lai rồi thuê xe về TP HCM tặng miễn phí cho người tiêu dùng...Thật đáng trân trọng  những tấm lòng thơm thảo.

Tuy nhiên, trong bài này, người viết muốn đề cập đến nhiều hơn những nhà khoa học, nhà giáo và cả những học sinh, sinh viên có những hỗ trợ thiết thực, trực tiếp và đắc lực trong công cuộc phòng chống dịch nCoV.

Những ngày qua, số lượng người chết vì dịch nCoV tăng mỗi ngày ở Trung Quốc và dịch vẫn diễn biến khó lường, các mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay khô… trở nên khan hiếm. Trong hoàn cảnh đó, thạc sĩ Dương Trung Hiếu (SN 1977, Hoàn Kiếm, Hà Nội) - thầy giáo chuyên dạy về vật lý ứng dụng thực hành -  mua nguyên liệu về pha chế nước rửa tay khô, tặng khoảng 600 chai nước này người dân thủ đô. Đặc biệt, hiện nhóm của thầy Hiếu bao gồm cả một số học sinh THPT, phụ huynh học sinh và một số tình nguyện viên khác đang đóng gói và gửi cho học sinh vùng cao ở Điện Biên và Lai Châu hàng nghìn chai nước rửa tay khô thông qua sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng. Một số mạnh thường quân đã hỗ trợ nhóm của thày Hiếu khoảng 60 triệu đồng để mua nguyên liệu từ trường Đại học Y Hà Nội, sau đó thầy Hiếu tự tay và hướng dẫn học sinh pha chế theo công thức của WHO, còn những thành viên khác đóng gói, liên lạc để gửi cho học sinh vùng cao. Hành động thật tuyệt vời.Và hiện có rất nhiều thầy trò của nhiều trường đại học tự pha chế nước rửa tay khô theo công thức của WHO để cấp cho cán bộ, sinh viên trong trường và dân cư quanh vùng. Đó là những hành động rất thiết thực và cũng rất nhân văn.

Nhưng trên hết, việc tiến sĩ Lê Quang Hòa, đại diện nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) phân lập thành công chủng virus nCoV, chắc chắn sẽ tạo bước ngoặt cho công tác phòng chống dịch. Theo TTXVN, TS Lê Quang Hòa cho biết: Ngày 11-2, nhóm bắt đầu thử nghiệm kit thử nhanh chủng virus corona mới (2019-nCoV) trên các mẫu bệnh phẩm thực do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cung cấp. Trước đó, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Lê Quang Hòa đã thông báo kết quả nghiên cứu chế tạo thành công kit thử nhanh chủng virus corona mới (2019-nCoV) dựa trên kỹ thuật RT-LAMP.

Khi được thông tin này, vốn là sinh viên Bách khoa, tôi rất bất ngờ và tự hào. Bởi thời chúng tôi (những năm 70 của thế kỷ trước), tuy là Bách khoa nhưng chưa có nhiều ngành nghề như hiện nay, đặc biệt, việc cán bộ của trường Bách khoa lao vào nghiên cứu một lĩnh vực tưởng như hoàn toàn xa lạ với trường, lại “lao” vào rất kịp thời và kết quả thật mỹ mãn. Đấy là tấm lòng của những nhà khoa học. Tôi cũng chưa thể hình dung vì sao thầy trò của trường lại có thể kiếm từ đâu những mẫu, những vi rút “cực nguy hiểm” này để nghiên cứu. Hóa ra thày Hòa và các cộng sự nghiên cứu trên MẪU GIẢ,  giả nhưng rất thành công, chỉ từ ngày 11.2, nhóm nghiên cứu mới thử nghiệm trên MẪU THẬT,  ngay tại các phòng nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Dù chỉ là bước đầu, nhưng chắc chắn những kít thử nhanh chủng virus nCoV mới sẽ tạo ra bước ngoặt mới trong công tác phòng chống dịch. Theo những gì được nhóm nghiên cứu cho biết, không chỉ thời gian thử nhanh hơn rất nhiều (khoảng 70 phút), mà giá thành sản xuất mỗi test cũng rẻ, chỉ khoảng 350 ngàn đồng,  trong khi đó giá sản xuất bộ test RT-PCR là 1 triệu đồng.

Đặc biệt, không chỉ giá thành rẻ, thời gian cho kết quả nhanh, mà các thiết bị kèm theo yêu cầu đơn giản hơn nhiều, bệnh viện tuyến huyện có thể thực hiện được. Đó là kết quả mà ai cũng có thể thấy nó hiệu quả như thế nào. Điều đó sẽ đóng góp cực kỳ quý báu cho công tác phòng dịch, đặc biệt sớm phân loại những người nhiễm cúm nCoV ở ngay tuyến huyện vừa đỡ tốn kém, đặc biệt tránh quá tải cho tuyến trên, như vậy tránh được nguy cơ nhiễm chéo rất cao nếu ai như cũng phải lên tuyến trên để thử test.

Và trong khi có hãng hàng không trên thế giới từ chối bay đến Vũ Hán thì phi hành đoàn của Vietnam Airlines cùng nhiều bác sĩ tình nguyện bay thẳng vào “rốn” dịch để chở hơn 10 người Trung Quốc về nước và đưa 30 người Việt hồi hương không chỉ là hành động dũng cảm  mà còn là rất tình người. Những hình ảnh, những khuôn hình, những bài viết về chuyến bay hạ cánh ở sân bay Vân Đồn được hầu hết các báo đăng tải, không chỉ  khiến chúng ta cảm động  mà còn thấy được chuyến bay được chuẩn bị kỹ càng như thế nào từ lúc chuẩn bị đi cho đến lúc bay về, nhằm đảm bảo không có sự lây lan, nhiễm chéo của những người từ vùng rốn dịch trở về Việt Nam.

Và trong lúc “nước sôi lửa bỏng” như thế này, chúng ta mới thấy rõ hơn, còn nhiều nhiều lắm những tấm lòng trong cộng đồng, của những nhân viên y tế, những nhà khoa học và cả những phi hành đoàn sẵn sàng lao vào những điểm nóng với quyết tâm cao nhất để phòng chống dịch cúm do virus nCoV gây ra. 

 Vương Hà